VNTB – Thấy gì từ ‘lời thật bụng’ của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên?

VNTB – Thấy gì từ ‘lời thật bụng’ của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên?

Hiền Vương

 

(VNTB)  – Không nghĩ Bí thư thành phố nói thật đến vậy.

 

Mọi thứ như cơn bão mạnh đến thật nhanh không trở tay kịp… hôm rồi nói chuyện với trên Bình Dương, họ cũng nói chỉ 3 ngày tình hình như vô địa ngục…

 

Bắt F0 vào bệnh viện dã chiến và không làm gì cả

Giới truyền thông ở Sài Gòn khá bất ngờ khi Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên lại ‘dám thật bụng’ đến như vậy khi kể về những tháng vừa qua với đại dịch Covid-19.

Ngay khi nghe báo cáo về phát hiện 2 ca dương tính Covid-19 đến khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (26-5), ông Nên nói rằng lúc đó Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đang họp đã phải ngưng hết để bàn việc chống dịch.

Sau khi truy nguồn gốc ca nhiễm liên quan đến điểm nhóm truyền giáo, lãnh đạo TP.HCM nhanh chóng dùng chỉ thị 15 để kìm lại một số hoạt động và áp dụng chỉ thị 16 ở một số địa bàn trọng tâm, trọng điểm. Có nghĩa là không mặc chung chiếc áo giãn cách cho toàn TP.HCM, bởi vì tác động nhiều mặt, sợ chỉ vì mấy ca nhiễm mà cả TP.HCM ảnh hưởng cho nên buộc phải quyết định như thế.

Chùm dịch bùng phát, TP.HCM tiến hành xét nghiệm, truy vết không kịp do lúc đó sử dụng “vũ khí chậm PCR” không còn hiệu quả. Dù tập trung lấy số lượng mẫu lớn, có ngày lấy 40.000 mẫu nhưng năng lực trả kết quả chỉ khoảng 10.000.

Kết quả xét nghiệm phải chờ đợi 24 – 48 giờ, có lúc kẹt máy phải 7 ngày mới trả, khi đó kết quả không còn giá trị. Do nhóm người thuộc điểm nhóm truyền giáo tập trung đông người trong không gian nhỏ, không thực hiện 5K, không khai báo y tế nên khi phát hiện đã gây ra chùm lây nhiễm, trở tay không kịp.

“Dù lúc đó TP.HCM có những lúc đưa ra chỉ tiêu xét nghiệm 500.000 mẫu/ ngày, huy động hết lực lượng nhưng trả kết quả chỉ vài chục ngàn mẫu. Quyết định giãn cách để xét nghiệm phát hiện ca nhiễm ngăn chặn kịp thời nhưng lúc đó ‘vũ khí chiến đấu’ không phù hợp”, ông Nên nhớ lại.

Đặc biệt khi đó, TP.HCM chưa có vắc xin phòng Covid, nên chỉ tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến. “Ai khỏe vượt qua, ai bệnh nằm viện, cái đó tạo ra căng thẳng cực lớn. Phải ngăn chặn nguồn lây, giữ F0 lại nhưng giữ không biết làm gì”, ông Nguyễn Văn Nên kể lại giai đoạn khi TP.HCM chưa có thuốc điều trị Covid-19.

Cách ly, phong tỏa để chọt, chọt, và… lại chọt

Lúc đó có một lãnh đạo cao cấp đang là Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, đưa ra yêu cầu “tại sao Bắc Giang, Đà Nẵng và một số nơi thành công trong việc xét nghiệm, truy vết được toàn bộ ca nhiễm nhưng TP.HCM lại không làm được?”.

Khi ấy, dẫn chứng kinh nghiệm chống dịch ở Bắc Giang, báo chí ghi nhận Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra yêu cầu khi không may xảy ra dịch, phải khoanh vùng, biến khu trọ thành khu cách ly, và đặc biệt phải có phương án giãn mật độ công nhân. Về xét nghiệm, câu chuyện điều phối lấy mẫu, ưu tiên các nơi là bài toán phải chuẩn bị sẵn phương án. Đối với cách ly và khoanh vùng đến đâu phải quyết định nhanh, có thể khoanh rộng sau đó xác định được nguồn lây khoanh lại phạm vi hẹp và phải làm nghiêm.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh một thực tiễn từ Bắc Ninh và Bắc Giang đó là cần cập nhật đầy đủ dữ liệu trên bản đồ Covid-19, từ đó có biện pháp phòng dịch, phải cập nhật đầy đủ đến cả F2, F3 từ đó xác định xây dựng nguy cơ lây lan.

Về điều trị, chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, là phải chủ động lập bệnh viện dã chiến, chủ động các phương án điều trị, sẵn sàng tình huống xấu nhất, khảo sát địa hình để lập bệnh viện dã chiến. Đối với vắc xin, lúc đó ông Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu đến hết tháng 8 sẽ tiêm hết cho công nhân ở khu công nghiệp.

Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ TP.HCM có đặc điểm khác với các địa phương. Ví dụ, Bắc Giang khi cần giãn khoảng 40.000 dân thì bộ đội dời đi, nhường doanh trại cho dân. Tại TP.HCM, ông Nên nói rằng có giai đoạn lãnh đạo quận Bình Tân báo tình hình rất căng, không thể giãn cách được. Hàng trăm ngàn dân cần di dời, nhưng không biết đưa đi đâu bởi Cần Giờ hay Củ Chi cũng không đủ sức.

Nhiều địa phương dịch kéo dài lê thê đều có đặc điểm chung là mật độ dân số cao như Bình Tân, Bình Chánh, quận 8, quận 4.

Rồi đến khi TP.HCM chuẩn bị cho giai đoạn tái thiết thì nhiều người dân đi về quê. TP.HCM đã dự báo tình hình này và kêu gọi người dân ở lại chích vắc xin, tổ chức đưa người có nhu cầu về quê nhằm không ảnh hưởng đến làng xóm, gia đình. “Nhưng bà con sốt ruột quá, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng lâu nên khi chờ tới ngày 30-9 thì cản không được”, ông Nên nói.

“Lúc đó nhìn lại lực lượng của TP.HCM không đủ để kiểm soát dịch nên lãnh đạo thành phố đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ áp dụng biện pháp cao nhất là tình trạng khẩn cấp…”, Bí thư Nguyễn Văn Nên, cho biết như vậy, song lại không nói thêm vì sao đề nghị rất ‘trúng luật’ này của TP.HCM đã không nhận được ‘cái gật đầu’ của ‘bề trên’ lãnh đạo.

Thực tế đã có việc tạm dừng các quyền tự do dân sự trong thời gian gọi là giãn cách.

“Tuy nhiên sau đó quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhưng không tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp’. Theo đó, đưa lực lượng quân đội, công an tăng cường vào TP.HCM để ‘đánh’ trận cuối chống dịch…” – Bí thư Nguyễn Văn Nên xác nhận.

Khu cách ly tập trung là cơ hội để ‘trục lợi’ ngân sách?

Và tính đến thời điểm hiện tại thì thời sự của câu chuyện kể trên là gì? Phải chăng là các vết xe đổ đó thời gian qua ở TP.HCM vẫn chưa đủ để quan chức nào đó nhận ra các sai lầm?

Một ngày sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết 128 thay thế các chỉ thị 15, 16, 19 áp dụng lâu nay, Bộ Y tế có hướng dẫn tạm thời đang rất được trông đợi về kỹ thuật để phân loại cấp độ dịch, từ đó thực hiện nghị quyết này.

Bản hướng dẫn nhấn mạnh đến xây dựng khả năng “thu dung”. Hơn nữa, nó quy định rõ thêm: Đối với người đến từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế), người tiếp xúc gần (F1): thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Điều đó cho thấy sẽ tiếp tục phát triển các khu cách ly tập trung đối với người nhiễm virus và người tiếp xúc gần (F0, F1).

Điều này có nghĩa, về lý thuyết, Nhà nước tiếp tục cung cấp các khu cách ly tập trung cho những F0, F1 không có điều kiện cách ly tại nhà.

Vấn đề là, làm sao để tránh việc các tỉnh cách ly F0, F1 khá tràn lan hiện nay, gây ra rất nhiều rắc rối, như lãnh đạo TP.HCM nói ở trên: “Lúc đó chưa có thuốc điều trị, TP.HCM tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung ca nhiễm Covid-19 (F0). Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện. Việc này tạo áp lực căng thẳng rất lớn, không biết làm gì. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại xong không biết làm gì”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)