Dân Trần
(VNTB) – Nhà chức trách có thể kết hợp các doanh nghiệp tại địa phương để người bán hàng rong có thể phân phối, tiếp thị các mặt hàng bánh kẹo, các sản phẩm của doanh nghiệp.
Một người bán hàng rong ở phố Thuỵ Khuê (Hà Nội) vừa bị phạt 150.000 đồng do có hành vi chặt chém khách Tây. Vụ việc bắt nguồn khi có video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người phụ nữ bán trái cây đã mời du khách ăn thử táo, sau đó bán một túi táo nhỏ với giá 200.000 đồng. Người khách nước ngoài đã không đồng ý dẫn tới cự cãi, giằng co.
Đây chỉ là một ví dụ điển hình trong nhiều hành vi xảy ra mỗi ngày tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Nó chẳng những gây mất uy tín của người bán hàng, mà còn làm xấu đi hình ảnh du lịch của đất nước trong mắt du khách nước ngoài. Thậm chí gây mất thiện cảm với chính những khách du lịch nội địa tại các địa phương khác khi tới những thành phố du lịch trong nước.
Các khu vực du lịch phổ biến như Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng và TP.HCM, thường xuyên bị các người bán hàng rong lừa đảo bằng cách cho khách ăn thử, dùng thử, rồi sau đó bán hàng với giá cao hơn nhiều so với giá thực tế. Các du khách nước ngoài thường trở thành mục tiêu của họ do thiếu thông tin hay sự hiểu biết về giá cả địa phương. Khi bị lừa đảo, họ có thể cảm thấy thất vọng và tiêu cực về trải nghiệm du lịch của mình, ảnh hưởng đến sự hài lòng cũng như quyết định quay lại của họ.
“Vấn đề này cũng góp phần làm suy giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, những bài đánh giá, review của khách du lịch rất quan trọng. Nếu họ viết đánh giá và chấm điểm thấp về các dịch vụ, con người, văn hoá của Việt Nam, thì có thể ảnh hưởng đến nguồn khách du lịch quốc tế và doanh số du lịch của Việt Nam, gây tổn thất kinh tế đáng kể”. Anh T.A., một người dân ở Sài Gòn nói với phóng viên VNTB.
Các vị trí bán hàng rong thường là nơi tập trung của các hoạt động buôn bán hàng hóa bất hợp pháp, từ hàng giả, hàng nhái đến hàng cấm, thực phẩm bẩn… Nếu du khách bị ngộ độc do ăn phải thức ăn không hợp vệ sinh thì vấn đề sẽ càng tồi tệ hơn. Ngoài ra, tình trạng bán hàng rong còn gây ra những vấn đề về an ninh, trật tự, các tranh chấp địa bàn giữa nhưng người bán hàng rong và giữa người bán hàng rong với khách hàng. Điều này không chỉ là một mối đe dọa đến sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng mà còn tạo ra những tình huống xấu đến an ninh trật tự trong khu vực.
Tuy nhiên các biện pháp chế tài hiện nay tỏ ra không hiệu quả. Đơn cử như trường hợp người bán hàng rong ở trên chỉ bị phạt 150.000 đồng cho hành vi lừa khách bán hàng với giá trên trời. Nhưng nếu phạt nặng thì người bán hàng lại không có tiền nộp. “Thay vì chỉ đơn thuần cấm đoán, kiểm soát và xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng cần phải tìm ra các giải pháp toàn diện hơn. Xây dựng ra các chương trình đào tạo, giúp nâng cao năng lực và kiến thức, hỗ trợ nghề nghiệp cho người bán hàng rong. Từ đó họ có thể chuyển đổi sang các hoạt động kinh doanh bền vững hơn, hoặc ít nhất là giúp họ có cơ hội tiếp cận các công việc khác tốt hơn”. Chị N.T., một người kinh doanh ở Sài Gòn nói với phóng viên VNTB.
Anh L.Q., một người hoạt động xã hội ở Việt Nam thì chia sẻ một quan điểm khác về cách giải quyết vấn đề bán hàng rong: “Chúng ta có thể thúc đẩy hợp tác giữa người bán hàng rong và các công ty du lịch. Quy hoạch lại các địa điểm bán hàng, kết hợp hình ảnh hàng rong với du lịch địa phương, tạo ra một vẻ đẹp và một văn hóa bán hàng rong có bản sắc riêng để thu hút du khách. Nhà chức trách có thể kết hợp các doanh nghiệp tại địa phương để người bán hàng rong có thể phân phối, tiếp thị các mặt hàng bánh kẹo, các sản phẩm của doanh nghiệp. Như vậy thì doanh nghiệp bán được hàng, người bán hàng rong có thể có một nguồn cung ổn định, giá gốc và sản phẩm chất lượng, còn địa phương thì có hình ảnh đẹp trong mắt du khách”.