Đào Đức Thông (VNTB) Việt Nam tuột mất ba cơ hội vàng thoát khỏi sự ảnh hưởng và chi phối của Trung Quốc để hội nhập với thế giới văn minh. Mốc lịch sử khai tử hai cơ hội gần nhất là những năm 45 và 75. Ngày nay vận mạng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thế cờ mà Trung Quốc muốn áp đặt lên trật tự thế giới mới.
Công bình mà nhận xét, người Trung Quốc làm thương mại giỏi, hiểu khách hàng, biết thao túng thị trường. Trong ngoại giao, họ kiên nhẫn chờ thời, biết mình biết người. Họ có thể lấy Hong Kong sau năm 45 nhưng họ chờ để thừa hưởng thành quả của người Anh và dân Hong Kong. Họ không dại xả thân cho Liên Xô chống Mỹ, họ đánh trực tiếp với Mỹ ở Triều Tiên, làm nhụt chí dân Mỹ qua cuộc chiến Việt Nam, và bắt tay giới tư bản Mỹ vì quyền lợi của riêng họ. Họ cho tư bản Mỹ, Tây Phương quyền lợi cấp thời để đổi lấy lợi thế chiến lược lâu dài trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Họ hưởng lợi từ mua bán tài nguyên với Triều Tiên hơn hẳn khoảng viện trợ nhân đạo ngược lại.
Trung Cộng biết đảng CS Việt Nam không thể nào thoát khỏi quỹ đạo của họ, chiến tranh biên giới Việt Trung chỉ là động lực để cải tổ quân đội. Chớp lấy cơ hội chiếm đóng Tây Tạng khi Ấn Độ còn lo ổn định nội bộ thời mới được độc lập, bởi lẽ thời gian sẽ ngày càng làm Tây Tạng xích lại với một Ấn Độ mạnh về kinh tế và chung về văn hoá. Với Triều Tiên, Mông Cổ, Đông Dương, và Đài Loan (có lẽ cả Miến Điện), họ đang kiên nhẫn chờ đúng thời cơ như họ đã làm với Tây Tạng và Hong Kong. Chắc chắn họ có tham vọng và kế sách để chi phối, thâu tóm tất cả. Họ có thế mạnh nhu cương, và hiểu rõ khi nào lợi thế thời gian sẽ thuộc về họ.
Người Trung Quốc tự hào lịch sử của họ đồng hoá các dân tộc ngoại vi, dù có chinh phục được Trung Quốc đều trở thành người Trung Hoa như Nguyên Mông, Mãn Thanh… Sự hấp dẫn của nền văn hoá Trung Quốc là trật tự xã hội suy tôn và phục tùng giai cấp cầm quyền đến mức gần tuyệt đối. Bù lại nếu giai cấp cầm quyền bảo đảm an sinh tối thiểu cho đa số, ban phát ân huệ cho thiểu số, đó luôn là nét son cho triều đại đó. Ngày nay, tâm lý ấy vẫn không thay đổi mấy. Phong trào Thiên An Môn bị chìm vào quên lãng sau cải cách kinh tế; phong trào dân chủ của Hong Kong chết yểu vì nhu cầu cơm áo gạo tiền của đa số cấp bách hơn những đòi hỏi trừu tượng của giới trẻ, sinh viên, học sinh. Đặng Tiểu Bình cũng đã nói rõ, lo được cho bao tử của hơn 1 tỷ người sẽ bảo đảm được quyền lực của đảng Cộng Sản. Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề nội bộ do hậu quả từ mô hình phát triển kinh tế của họ. Nhiều học giả Mỹ và Phương Tây cho rằng những mâu thuẫn đó sẽ là áp lực buộc đảng Cộng Sản Trung Quốc cải tổ chính trị, từng bước trao quyền chọn lựa cho người dân, dân chủ hoá chế độ.
Nhận định này sai lầm bởi lẽ nếu cho người Phương Tây cai trị Trung Quốc, nền văn hoá phục tùng sẽ tha hoá tư tưởng tự do của người Phương Tây nhanh chóng. Giải pháp mang đậm nét văn hoá Trung Quốc sẽ không phải là tự do dân chủ cho hơn 1 tỷ dân, mà là sự hình thành các giai cấp thứ dân hạng hai, hạng ba ở đâu đó, để bảo đảm an sinh tối thiểu cho 1 tỷ người ấy, đồng thời củng cố quyền hành của đảng Cộng Sản. Đó sẽ là thế cờ của Trung Quốc trên bàn cờ quốc tế.