Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thề gì trong bụng?

Chủ tịch Quốc Hội XV

Phú Nhuận

 

(VNTB)  – Hiện tại ở Việt Nam được gọi là thời gian nhạy cảm chính trị. Lẽ ấy nên các ghi chép tiếp theo đây đành chọn ẩn danh để tránh bị chụp mũ chống phá Đảng…

 

“Liệu có còn ai tin vào những lời thề bồi của các chính khách nữa không?” – đó là câu hỏi khá vĩ mô được nêu thật tình cờ trong một buổi cà phê hè phố đêm Sài Gòn ở ngày cuối của tháng ba.

“Điều 71 của Hiến pháp 2013, nói rằng nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là năm năm. Và, sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong. Như vậy, được hiểu rằng Quốc hội khóa mới phải được bầu xong trước khi Quốc hội cũ hết nhiệm kỳ.

Vậy tại sao Quốc hội mới chưa được bầu mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã kết thúc nhiệm kỳ làm Chủ tịch Quốc hội?

“Điều 70 của Hiến pháp 2013, cho biết sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Vậy có trớ trêu của mắc lời thề lúc tân Chủ tịch Quốc hội ở khóa XV chưa được bầu, lại phải tuyên thệ trung thành với Hiến pháp?” – một ý kiến thắc mắc với viện dẫn Hiến pháp rất chi là nghiêm chỉnh và ý thức trách nhiệm công dân của Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Một ông thầy giáo bậc đại học đã nghỉ hưu, lập luận:

Hôm 30 tháng 3, mặc dù Quốc hội, trong đó gồm các đại biểu Quốc hội, đứng đầu là bà Chủ tịch Quốc hội tên Ngân, vẫn đang trong nhiệm kỳ theo đúng luật định, chưa làm hết thời gian được phân công, thì cấp trên đã chỉ đạo bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch. Tất cả vận hành như một cái máy vô tri vô giác do Đảng điều khiển, không phân biệt được đúng sai.

Việc truất chức và đình chỉ công việc của bà Ngân được cả hệ thống chính trị, các ông to bà nhớn, Quốc hội và báo chí gọi là “miễn nhiệm”. Ai chưa tin điều này, cứ tua lại tivi, đọc hết các báo quốc doanh thì rõ ngay.

Miễn là từ có gốc Hán Việt. Theo cụ Đào Duy Anh, trong Từ điển Hán Việt cụ giải nghĩa rất rõ: Miễn nghĩa là: Cởi đi, truất bỏ, tha cho khỏi. Miễn chức là truất chức, bãi chức. Miễn nhiệm là truất trách nhiệm, bãi cái công việc, nhiệm vụ đang làm, không cho làm nữa.

Trong tiếng Việt, miễn cũng để chỉ sự cấm khi không hài lòng ai đó, chẳng hạn: Không phận sự miễn vào; miễn hỏi. Đối tượng bị miễn thường là người có vấn đề hoặc có thể gây hại.

Vậy người đang làm việc, nhất là làm lãnh đạo, quan chức, ông nọ bà kia… khi nào thì bị miễn nhiệm, miễn chức? Có thể rơi vào vài trường hợp:

Người ấy đã hết nhiệm kỳ, đã tới hạn định chót thời gian cho chức vụ và công việc. Dù có là người tốt, làm việc tốt nhưng hết thời hạn rồi thì cứ thế nghỉ, để người khác kế nhiệm, thay thế, làm tiếp (bằng cách bầu hoặc bổ nhiệm). Đơn giản là, xong thì thôi, nghỉ, miễn với chả miếc, rắc rối, ra cái vẻ quy trình nhố nhăng.

Nhưng có những người đang làm phận sự, đang chưa hết hạn nhiệm kỳ vẫn bị miễn nhiệm. Nói một cách khác, bị kỷ luật, bị bãi chức, bị truất chức, đúng nghĩa của từ miễn.

Làm dở, vô tích sự, nhiều điều tiếng, tư cách xấu, bị mất lòng tin, không xứng ngồi ở ghế đã được đặt vào, không thể để tiếp tục gánh vác nhiệm vụ, thì bị miễn nhiệm. Nói chung, miễn nhiệm dùng vào việc có ý tiêu cực, với đối tượng xấu kém.

Trở lại sự kiện trong ngày 30 tháng 3, bà Ngân đang làm nhiệm vụ được “quốc dân” giao, nhiệm kỳ còn dài, Quốc hội mới chưa được bầu, tự dưng bị lôi ra miễn nhiệm, có khác chi bị kỷ luật, bị truất chức truất quyền do kém cỏi, do tai tiếng,…

Lại có một ý kiến khác cùng bàn về chuyện ‘mắc lời thề’.

Ông Vương Đình Huệ là đại biểu Quốc hội khóa 14. Cử tri chưa biết có chịu bỏ phiếu bầu tiếp ông Huệ làm đại biểu Quốc hội khóa 15 hay không? Hiện chỉ có các vị cử tri trong Bộ Chính trị đã ‘bỏ phiếu trước’ trong chuyện ông Vương Đình Huệ nhất quyết phải trúng cử, và trúng vào ghế Chủ tịch Quốc hội khóa 15.

Dĩ nhiên diễn biến như trên về bầu – cử là vi phạm Hiến pháp, lẫn Luật Tổ chức Quốc hội.

Vậy thật lòng, khó thể biết ông Vương Đình Huệ đã ‘thầm thì trong bụng’ ở lời thề gì, khi ông buộc phải đọc trước mi-cờ-rô trong thủ tục tuyên thệ trung thành với Hiến pháp?


Tin bài liên quan:

VNTB – Cuối cùng thì phải tin ai?

Do Van Tien

VNTB – Công đoàn độc lập: mô hình nào được khởi xướng?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam và nhà báo Phạm Chí Dũng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo