Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thế lực thù địch là đây chứ còn đâu nữa

Hoàng Mai

 

(VNTB) – Đừng vì ghét mặt thằng bố mà “khủng bố” thằng con.

 

Nói theo thuyết âm mưu thì ông Dương Anh Đức đã bị giới tham mưu cố tình “thuốc” khiến ông có thể thân bại danh liệt về chuyện suýt chút nữa thì TP.HCM nói riêng, và Việt Nam nói chung sẽ nổi danh trên toàn thế giới khi có một Herostratos mới giống như gã Herostratos đốt đền Artemis  vào năm 356 trước Công nguyên, để được nổi tiếng và lưu danh trong lịch sử.

Tại buổi họp báo chiều 17-8, ông Phạm Văn Dũng – chánh thanh tra Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM – khẳng định: “Bùi Chát vẽ thể loại tranh trừu tượng, sơn dầu có tính chất thương mại thì phải xin giấy phép. Trong quá trình kiểm tra, lập biên bản hành chính vào ngày 25-7 về hành vi tổ chức triển lãm không có giấy phép, sở có nhận thức rất lớn về việc tự do sáng tạo của nghệ sĩ và rất trân trọng.

Về nguyên tắc làm việc, nếu cứng nhắc sẽ thu giữ tang chứng. Nhưng vì trân trọng sáng tạo của nghệ sĩ nên chúng tôi không thu giữ, mà chỉ chụp hình tang vật và lập biên bản. Nhận định của chúng tôi là áp dụng pháp luật có lý, có tình, có lợi nhất. Trong quá trình làm việc với ông Bùi Quang Viễn (Bùi Chát), chúng tôi cũng rất cầu thị”.

Liên quan quyết định tiêu hủy tranh được ông Dương Anh Đức – Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký ban hành theo chức trách, đã được ông Phạm Văn Dũng giải thích như sau: “Hiện nay chưa quy định cụ thể tiêu hủy như thế nào, có phải đốt hay không. Câu chữ trong biện pháp khắc phục hậu quả như thế nào thì chúng tôi viết như thế, chứ từ trước đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể. Sở chưa từng xử lý hành vi này. Thông thường lực lượng kiểm tra phải thu giữ tang vật và trong vòng 10 ngày phải mời đối tượng lên chứng kiến tiêu hủy.

Tuy nhiên, nhận thấy trong trường hợp này, nội dung tranh chưa vi phạm điều cấm nên chúng tôi tạo điều kiện, chỉ lập biên bản và giao tranh cho họa sĩ xử lý. Về mặt áp dụng pháp luật thì phải ghi, nhưng trong thực tế có sự khác nhau giữa các chủ thể. Cá nhân tự tiêu hủy, chứ pháp luật chưa quy định cơ chế giám sát công việc này. Sở cũng kiến nghị nếu nội dung chưa đến mức vi phạm theo nghị định 38 thì không nên áp dụng quy định tiêu hủy”.

Thật ra thì “tham mưu” ở trên rất có thể căn cứ từ tiền lệ của phim Ròm.

Chiều 14-10-2019, Thanh tra Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với nhà sản xuất bộ phim Ròm là Công ty cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê (HKFilm).

Lý do phạt là nhà sản xuất đã phát hành phim khi chưa được cấp phép phổ biến. Cụ thể, nhà sản xuất đã gửi Ròm tham dự Liên hoan phim Busan khi chưa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến.

Sau khi Cục Điện ảnh yêu cầu nhà sản xuất phải rút phim về nhưng nhà sản xuất vẫn tiếp tục tham dự Liên hoan phim Busan nên bị tính là tình tiết tăng nặng. Theo quyết định xử phạt của thanh tra bộ, nhà sản xuất Ròm phải nộp phạt hành chính 40 triệu đồng.

Trong quyết định, thanh tra bộ yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả là hủy tang vật vi phạm, tức bản phim gửi tham gia liên hoan phim, và yêu cầu trong vòng 10 ngày nhà sản xuất phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định này, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Nếu hiểu theo quyết định xử phạt hành chính của thanh tra bộ với Ròm, vật dụng lưu trữ bộ phim Ròm (có thể là ổ cứng) mà nhà sản xuất phim gửi tới liên hoan phim Busan sẽ phải bị tiêu hủy.

Oái oăm ở chỗ là Ròm được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 trong ba ngày 4, 9 và 10-10 với kết quả đạt được là Ròm đoạt giải cao nhất – giải New Currents tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019.

Tuy nhiên với vụ triển lãm tranh thì cả 29 bức của tác giả Bùi Chát đều là “độc bản”, nếu mai này một phiên bản chép lại nào đó trong số 29 bức này có giải thưởng, vậy thì có phải là một vụ việc đã không cách gì có thể “khắc phục hậu quả”?

Trở lại với ông Dương Anh Đức.

Lý lịch trích ngang về đường hoạn lộ của ông Dương Anh Đức, như sau: Tháng 4-2007, ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Tháng 11-2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm ông làm Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Tháng 1-2015, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông giữ chức Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM. Tháng 7-2017, ông giữ chức vụ Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM.

Ngày 16-9-2019, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã công bố quyết định của Ban Bí thư về việc chỉ định ông làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM (Thành ủy viên) khóa X nhiệm kỳ 2015-2020.

Ngày 27-3-2020, tại phiên họp bất thường của Hội đồng nhân dân TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã giới thiệu ông để Hội đồng nhân dân TP.HCM bầu chức danh Phó chủ tịch UBND TP.HCM, phụ trách mảng văn hóa – xã hội. Sau khi các đại biểu bỏ phiếu bầu đạt tỷ lệ 89%.

Ông Dương Anh Đức sinh năm 1968, tại quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ông có học hàm: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Công nghệ thông tin.

Với hàng loạt vị trí từng trải như kể trên thì đúng là trong vụ việc về triển lãm tranh của họa sĩ Bùi Chát, cho thấy chỉ có thể giải thích là thế lực thù địch ngấm ngầm nào đó ngay trong bộ máy công quyền của thành phố này đang tìm cách triệt ngài phó chủ tịch đến mức thân bại danh liệt.

Xin được chứng minh bằng một hoài nghi về pháp luật hẳn hòi, đó là 29 bức tranh không hề có gì bất thường, thì việc không-xin-phép đối với việc triển lãm, cũng là nghị định 38 ngày 29-3-2021 của Chính phủ, vì sao không áp dụng Điều 17 (Mục 4) “Vi phạm quy định về hoạt động mỹ thuật”, ở điểm b “không làm lại thủ tục xin cấp giấy phép triển lãm mỹ thuật theo quy định”, thay vì Điều 19 “Vi phạm quy định về hoạt động triển lãm”, lại áp dụng thêm “biện pháp khắc phục hậu quả”, vì thực chất, hậu quả của nó là gì – chẳng có gì cả với hành vi không-giấy-phép kia – đã phải mất toi 25 triệu bạc tiền đóng phạt.

Lưu ý tại họp báo hôm chiều 17-8, vị Chánh thanh tra Sở Văn hóa – thể thao TP.HCM cho biết điều 17 áp dụng mức biện pháp khắc phục bổ sung là tiêu hủy tác phẩm nên để “hợp tình, hợp lý hơn”, cho họa sĩ một mức phạt nhẹ hơn, sở đã vận dụng điều 19, phạt tiền 20 – 30 triệu đồng.

“Mà sao đã nhân từ hạ giá từ mức 30 – 40 triệu xuống còn 25 triệu, tức dưới 50 triệu mà vẫn “ép dầu” ông phó chủ tịch ký tá chi zậy, tầm 25 triệu, theo điều 28 thì thuộc cấp chủ tịch UBND huyện thôi đấy, anh sở ạ. Vậy thì đây là thế lực thù địch chứ còn đâu nữa…” – một nhà báo thân hữu trang Việt Nam Thời Báo, nhận xét.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đã mở cửa làm ăn, thì khó mà giới hạn trong địa giới hành chánh

Phan Thanh Hung

VNTB – Dương tính, rồi sao nữa?

Phan Thanh Hung

TPHCM tìm đất đổi công trình chống ngập

Phan Thanh Hung

1 comment

vi nguyen 20.08.2022 4:54 at 16:54

bai viet cua ong hay qua , cam on

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo