Nguyễn Huyền
(VNTB) – Đảng cộng sản Việt Nam quan niệm, “Phê bình và tự phê bình là công cụ kiểm soát quyền lực”.
Từ xa xưa văn hoá Việt Nam hay Trung Quốc có thiết chế để có tiếng nói phản biện, nhưng có sự bảo vệ bằng mặt pháp lý nhất định. Ví dụ gián quan là người được quyền nói ngược và có địa vị pháp lý, không bị vua chém đầu. Nhưng họ không phải lực lượng đối lập để hạ bệ vua.
Mô hình một Đảng lãnh đạo, quyền lực thực tế nằm ở Đảng, các thiết chế khác nằm trong quyền lãnh đạo của Đảng, do đó hiểu theo cách nào đó, xem chừng còn hơn hẳn về sức mạnh quyền lực của vua chúa, vì triều đại rồi cũng suy vi, thay đổi, nhưng với Đảng thì không có sự thay đổi ấy.
Như vậy cần hiểu thế nào trước lời kêu gọi dễ tưởng chừng Đảng luôn cầu thị qua việc “phê và tự phê”?
Mẫu câu tuyên giáo quen thuộc lâu nay trong các lớp bồi dưỡng chính trị, đó là, “Đảng ta xác định tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Đây là đặc điểm rất lớn của Đảng ta, là Đảng duy nhất cầm quyền. Đảng xác định phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn; không có Đảng đối lập vạch ra sai sót, nên Đảng xác định tự phê bình và phê bình là nguyên tắc trong tổ chức hoạt động của Đảng, trên tinh thần thương yêu đồng chí, giúp đỡ lẫn nhau”.
Là đảng viên, người viết bài này cho rằng ở đây có một thực tế mà Đảng loay hoay với hàng loạt đổ vỡ nhân sự quy hoạch, đó là thông thường, ví dụ Ban Thường vụ có 3 đồng chí, đồng ý là trong các cuộc họp thường vụ cũng có nhiều tiếng nói thẳng thắn, nhưng nếu ông hay bà bí thư tỉnh ủy hay cấp ủy dùng nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, tiếng nói ngược lại không được đánh giá đúng, không được tôn trọng, vậy thì “phê và tự phê” dễ khiến các bên liên quan “để bụng hiềm khích”; và vì là trong cùng một Đảng nên chuyện sau đó kéo bầy kết phái để bảo vệ quan điểm của nhau cũng dễ hiểu.
Một thực tế cần phải nhìn nhận đó là chi bộ Đảng nào cũng chạy theo thành tích, cũng muốn đơn vị mình nhận được cờ thi đua, và cuối năm xếp hạng chi bộ loại “ngon lành” chứ không phải bết bát của đấu đá nhau.
Thế là chuyện “phê bình và tự phê bình” có 2 chiều hướng ngược nhau: nịnh bợ cấp trên, cuộc họp phê bình lại biến thành cuộc khen thủ trưởng; hoặc sợ cơ quan đơn vị mình lại vạch áo cho người xem lưng, bới lông tìm vết vì bệnh thành tích. Dĩ nhiên ở đây gốc gác là vấn đề chủ nghĩa cá nhân.
Thử nhìn ra các nước tư bản, tôi nghĩ rằng người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam cần trả lời được thắc mắc rằng tại sao các phe đối lập các nước phản biện rất nhiều, mà ở xứ mình thì không? Phải chăng đó là vì phần thưởng của phản biện là thắng trong cuộc bầu cử và cầm quyền của chuyện đa đảng phái chính trị trong các ghế ở nghị trường Quốc hội.
Mặt trái là có khi người ta đúng rồi vẫn phản biện, nhưng rõ ràng động lực là rất lớn. Ở xứ Việt có khuyến khích nào lớn như vậy không?
Tôi cho rằng vấn đề khác cần công khai nhìn nhận về sự thất bại của Đảng trong kiểm soát quyền lực, đó là dường như rất hiếm hoi Đảng Viên dám công khai phê bình chính sách mà Đảng đưa ra trong các nghị quyết.
Tôi nói luôn, cần trị ngay tất cả các Bộ trưởng Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bởi Đảng đưa ra chính sách trẻ em dưới 5 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí, tôi tin chắc chắn chẳng ai dám phản đối vì quá đúng.
Nhưng sau 1 năm ta thấy 90% ngân sách được chia cho con nhà giàu, còn lại chỉ 5 – 10% chi cho con nhà nghèo, vì “con nhà giàu đứt tay bằng con nhà nghèo đứt ruột”, nhà nghèo ít đưa đến bệnh viện. Chi ngân sách như vậy có công bằng không. Phản biện để chính sách trở nên minh bạch, cân đối được các lợi ích trong chính sách để quyết.
Thế nhưng cho đến nay người ta vẫn thấy người đứng đầu Đảng đang hô hào “chống tham nhũng” qua kiểu ví von “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy” (thực tế thì cây tươi chẳng ai làm củi bao giờ!), song với những đảng viên quan chức cấp cao nhất đã “làm” không như “nói” khi đưa ra các chính sách, quyết sách với đầy mỹ từ tốt đẹp, nhân văn, thì chưa thấy có cách xử trí ra sao ngay trong nội bộ của Đảng cầm quyền.
.. Và thay cho lời kết, những nội dung ở trên, tư cách là Đảng Viên, người viết bài này xin được thông qua trang Việt Nam Thời Báo để chuyển đến người đứng đầu Bộ Chính trị như lời “phê bình – chỉ trích” theo đúng cách Bác Hồ đã dạy: tự phê bình như rửa mặt hàng ngày, mình nể nang mình không dám tự phê bình để khuyết điểm chứa chất lại khác gì mình tự bỏ thuốc cho mình…
1 comment
“phê bình và tự phê bình”! vậy CSGT cần máy bắn tốc độ làm gì? các ông cộng sản có thấy tài xế nào chạy quá tốc độ, tự giác đến trạm CSGT thú nhận “tui tự thú nhận tui chại quá tốc độ” hay ko?