Hoàng Mai
(VNTB) – Tết mà!
Cây nhang trên bàn thờ cháy gần tàn, châm thêm một lần nước trước khi chuẩn bị lạy ông bà, đốt giấy vàng mã cúng bàn thờ gia tiên, Tết đang hiện diện…
Không biết những người khác như thế nào, nhưng tôi lại thích Tết. Thích lắm!
Nhớ lại cái thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, khi đã có kết quả của học kỳ 1, là đám “thứ ba học trò” chúng tôi chẳng thèm để ý gì đến bài giảng của thầy cô nữa, thay vào đó, là nôn nao hương vị ngày Tết. Rồi thì những buổi ăn vụng; những len lén của xì-dzách với 1.000/ 2.000; những “bóc lúa” với viên bi; những hẹn hò, tính toán cho việc tết năm nay sẽ gặp ở đâu, ra quán hay tới nhà đứa nào để làm đồ nướng?
Lớn lên một tí, Tết là thời gian để đoàn viên.
Dù làm ăn xa, nếu không kẹt những lý do bất khả kháng, có lẽ, ai lại chẳng muốn được về quê. Được tự tay dọn dẹp, bưng đồ cúng bàn thờ ông bà; tự tay chuẩn bị hoa quả, bánh trái, trang trí nhà cửa để đón một cái Tết, một năm mới sắp sửa đến. “Ngày hội dọn nhà cuối năm”, mệt thì có mệt thiệt, nhưng mà vui…
“Năm nay khó khăn quá, chắc hổng có Tết”. Than thì than cho vui vậy thôi, chứ sao mà hổng có Tết cho được? Nếu nhà khá giả, ăn Tết lớn hơn một tí. Nhà khó khăn, thì mình ăn Tết nhỏ lại, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo.
“Phải cũng có cái mâm cơm, thịt kho, hột vịt, hoặc là đòn bánh tét, rồi với vài cái trái cây để mà mình tượng trưng cúng ông bà. Mình cũng có cúng mâm cơm vậy đó để cuối năm mình làm được như vậy thành quả thì mình cũng cảm ơn để tạ ơn vậy thôi. Chứ còn ông bà ở đây mình đâu có ông bà đâu.
Nếu ở lại thì ăn Tết đơn giản lắm, đâu có bà con đông đâu. Đâu có sum họp được gia đình thì mình chỉ có gia đình mình với lại con cái ở, tại vì mình đâu có nhà cửa thuê mà, thì mình chỉ ăn Tết đơn giản qua mấy ngày Tết xong rồi tiếp tục công việc thôi”.
Tết đến nhanh thật đấy. Mới ngày nào cúng đưa ông bà mùng 3 của năm Tân Sửu đây thôi, mà giờ đã là Tết của năm Nhâm Dần. Một năm đầy biến động, có lẽ, là khó quên của nhiều đồng bào miền Nam.
Quên sao được khi Tết năm ngoái với việc xuất hiện những ca nhiễm, rồi Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng với quận Gò Vấp bị cách ly theo chỉ thị 16, sau đó là lan ra khắp thành phố; nhiều tỉnh thành ở phía Nam phải chịu sống trong cảnh giãn cách, cách ly kéo dài, để rồi hậu quả là số ca nhiễm, số ca tử vong không những không giảm mà còn tăng.
Người gây ra hậu quả đó vẫn còn nhởn nhơ, chỉ một lời nói nhận trách nhiệm, là xong. Để lại đó là biết bao đau thương, mất mát cùng những sự kỳ thị, dè chừng lẫn nhau. Để lại đó là nỗi lo không biết năm nay có về quê được hay không, về được rồi có lên lại được hay không?
Âu cũng là do miền Nam thoáng, không thù dai nhưng có lẽ, sẽ khó có thể quên những ngày tháng ấy. Biết gây ra phương hại cho mình đó, buồn nhiều lắm chứ; ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét, ắt hẳn, cũng có một số người lôi ra “chửi” lắm chứ. Nhưng rồi, cũng thôi, Tết mà. Chỉ mong năm sau bình an, là được.
Tết là vậy.
Ngày Tết thường bỏ qua cho nhau tất cả những vụn vặt; ngày Tết, người ta luôn vui vẻ; ngày Tết là “dịp” mọi người tề tựu đông đủ đầy gặp mặt nhau, để chúc nhau những điều tốt lành; lũ con nít chúng tôi thì hí hửng với những phong bao lì xì nho nhỏ màu đỏ…
Thế nhưng, cũng chẳng biết, năm nay có được như vậy không khi dịch bệnh đã kéo quá dài, khi bà con trong nhà còn ngại nhau trong gặp mặt!
Thôi thì, cũng chẳng sao, tự nhủ, cũng vui thôi. Tết mà…