Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Vướng mắc lớn nhất của việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các bệnh viện là giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì, đặc biệt là về tài chính và cán bộ.
Bốn mục tiêu
Ngày 17-2-2020, phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 268/QĐ-TTg, về “Phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020 – 2021”.(1)
Quyết định cho biết có bốn mục tiêu đặt ra cho bệnh viện Bạch Mai về chuyện ‘thí điểm’ này:
“1. Thực hiện mục tiêu quy định tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 04 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế (Nghị quyết số 33); đặc biệt là hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng các dịch vụ, thuốc, vật tư, xét nghiệm không cần thiết để tăng thu; giảm tỷ lệ giường bệnh điều trị theo yêu cầu; tiết kiệm chi từ bảo hiểm y tế và từ người bệnh.
2. Quản lý, sử dụng hiệu quả vốn và tài sản của Bệnh viện, không để thất thoát, lãng phí. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
3. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thực hiện việc chăm sóc toàn diện, giải quyết được tình trạng quá tải. Từng bước xây dựng bệnh viện hiện đại ngang tầm với các bệnh viện uy tín trong khu vực và trên thế giới và thực hiện tốt vai trò bệnh viện tuyến cuối.
4. Thực hiện quản trị bệnh viện theo hướng hiện đại, minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý toàn diện hoạt động của Bệnh viện, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và Bảo hiểm xã hội Việt Nam”.
Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ nói về việc thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K, với ba mục tiêu: “1. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sửc khỏe cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, uy tín của các bệnh viện; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài.
2. Thực hiện trách nhiệm xã hội của bệnh viện, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý.
3. Không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu”.
Tự chủ cái gì?
Theo đề án, bệnh viện Bạch Mai sẽ lập hội đồng quản lý (HĐQL) bệnh viện. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành viên HĐQL và chủ tịch HĐQL. Đây là cơ quan quản lý cao nhất của bệnh viện cho tới khi bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn thành viên HĐQL. Bệnh viện sẽ hoạt động giống như mô hình doanh nghiệp.
Tuy nhiên khi đọc hết nội dung của Quyết định số 268/QĐ-TTg, về “Phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020 – 2021”, câu hỏi đặt ra là việc thực hiện cơ chế tự chủ trong bệnh viện được giao tự chủ là tự chủ cái gì, đặc biệt là về tài chính và cán bộ?.
“Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý” – trích điều 1.III.2, Quyết định số 268/QĐ-TTg, cho thấy toàn bộ ê kíp quản lý với tên gọi mới là “Hội đồng quản lý” đều được Bộ trưởng Bộ Y tế ‘chỉ định’, thay vì dùng từ ‘bổ nhiệm’. Hội đồng này sẽ tương tự như hội đồng quản trị ở doanh nghiệp, sẽ chọn ra các chức danh quản lý chuyên trách như giám đốc, phó giám đốc, và việc chọn lựa nhân sự chức danh này phải được sự phê chuẩn của Bộ trưởng Y tế.
Ở Quyết định số 268/QĐ-TTg nói rằng, “Việc đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư (bao gồm đầu tư công), quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị quyết số 33”. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản lý chịu trách nhiệm toàn bộ vấn đề này.
Về lý thuyết, sẽ có ba cái lợi cơ bản khi bệnh viện được giao quyền tự chủ tài chính. Thứ nhất là, họ sẽ huy động được nguồn vốn dồi dào của xã hội để đầu tư cho hệ thống bệnh viện công. Hiện nay, do thiếu vốn, cơ sở vật chất của khối bệnh viện công thường được trang bị kém. Thứ hai là, giúp đổi mới phương thức quản lý bệnh viện, vì thực tế hiện nay hầu hết lãnh đạo các bệnh viện công trên cả nước đều rất thiếu chuyên môn về quản lý. Vì vậy, giao quyền tự chủ sẽ làm cho cơ chế quản lý minh bạch hơn, khoa học hơn và được giám sát chặt chẽ hơn nhờ các cổ đông.
Thứ ba là, Nhà nước sẽ giảm bớt được đáng kể gánh nặng về đầu tư cho các bệnh viện và có thể sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm này điều tiết cho những lĩnh vực y tế khác đang cần để phục vụ an sinh xã hội tốt hơn như: y tế dự phòng, y tế cơ sở, đào tạo nhân lực ngành.
Bài học nào từ những cú đấm thép tập đoàn nhà nước?
Cần lưu ý là ở Việt Nam chưa có cơ chế cạnh tranh quản trị ở cấp chính phủ. Hầu hết các vấn đề trong quản trị quốc gia đều thực hiện tuân theo nghị quyết của đảng cộng sản. Do đó từ vô số bài học ở các tổng công ty 90, 91 cho tới các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước từng tự hào là những cú đấp thép, cho thấy vị trí những người đứng đầu như Đinh La Thăng trong ngành dầu khí, đều phải được sự phê chuẩn của cấp lãnh đạo cao nhất trong đảng.
Điều đó đang lặp lại trong việc thí điểm đề án bệnh viện tự chủ. Liệu toàn bộ nhân sự của Hội đồng quản lý mà Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ lựa chọn chỉ định, có dễ đưa đến những phiên bản khác nhau của các doanh nghiệp sân sau – như vụ án công ty dược VN-Pharma, khi dàn lãnh đạo công ty này có ‘người nhà’ của bộ trưởng?.
Một ưu tư khác. Giả dụ ở một bệnh viện X.Y.Z. đang ‘ăn nên làm ra’, lẽ gì đó vào ngày đẹp trời nọ, bất chợt Thủ tướng ‘bổ nhiệm’ chủ tịch Hội đồng quản lý làm… thứ trưởng Bộ Y tế như ông Nguyễn Trường Sơn – người đang giữ chức giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy chẳng hạn.
Hay ngược lại, đang ‘yên bề’ thứ trưởng Bộ Y tế, ‘đùng một cái’, bác sĩ Nguyễn Thanh Long được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘điều về’ ngồi ghế phó ban tuyên giáo trung ương; và rồi khi mùa dịch virus Vũ Hán bùng lên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại ‘tái nhiệm’ cho ông Nguyễn Thanh Long chức thứ trưởng Bộ Y tế, có nghĩa ông bác sĩ này vừa ẳm em bên tuyên giáo, vừa phải gánh nước bên y tế…
Với ‘dụng nhân’ như kể trên, xem ra tự chủ nhưng việc gì cũng phải nhìn sắc mặt của ‘quan trên’ để mà liệu bề ứng xử, tránh bị ‘cơ cấu’ bất ngờ và cả bất đắc dĩ.
Chú thích: