VNTB – Kém hơn dân, nên từ chức

VNTB – Kém hơn dân, nên từ chức

Diệp Chi

 

(VNTB) – Nếu kém hơn dân nên chăng suy nghĩ đến vấn đề từ chức sớm, để dân…bớt khổ 

 

Khi tờ lịch cuối cùng được xé, năm 2021 đã qua với biết bao nhiêu là cảm xúc…

Giao mùa giữa 2020 và 2021, với sự xuất hiện của nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, các bệnh viện siết chặt hơn vấn đề khai báo y tế, những ai ở khu vực có dịch, nếu nghi ngờ, sẽ được đưa sang khu riêng để kiểm tra; thì đến giữa năm 2021 kéo dài đến tận tháng 10 là chuỗi ngày, nói có vẻ không ngoa, là đầy ám ảnh và tang thương đối với không chỉ dân Sài Gòn.

Hết giãn cách, mở lại cuộc sống, nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn khi các chốt chặn giữa tỉnh này với thành kia, vẫn còn, bất chấp nghị quyết 128, y như thời đang thực hiện chỉ thị 16.

Dư luận lên tiếng, truyền thông lên tiếng, chính phủ cũng lên tiếng, cuộc sống dần trở lại bình thường với vẻ bề ngoài vốn có của nó. Sở dĩ gọi là bề ngoài, vì còn nhiều nơi, vẫn xem tất cả dân thành phố như “kẻ có dịch”, e ngại hơn (thậm chí là từ chối hay nói sau lưng) trong giao tiếp với những người đến từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù con virus Covid-19 với biến chủng Delta này hoàn toàn không xuất phát từ TP.HCM, mà có thể là do từ phương Bắc đem vào.

Điều đáng để bàn luận hơn hết, nhớ lại, những giờ phút trước khi bắt đầu bước vào giãn cách theo chỉ thị 16 ngày 9-7-2021, người dân TP.HCM đều đồng lòng cùng chung tay với chính quyền chống dịch, chấp nhận “ngồi nhà” ăn vào khoản tiết kiệm để thực hiện nghiêm chỉ thị 16. Thế nhưng, hết lần này tới lần khác, kéo dài giãn cách với cấp độ ngày một tăng…

Thực tế đã chứng minh, giãn cách càng siết chặt, không cho dân ra đường, rào chắn ở nhiều nơi, kiểm soát đi lại giữa các quận, đã cho thấy, số ca nhiễm cũng như số ca tử vong đều tăng cao trong thời điểm đó. Và điều này đã được các chuyên gia nói từ trước chưa? Đã được góp ý nên “sống chung với dịch” từ chuyên gia HCDC Nguyễn Trí Dũng từ trước chưa? Câu trả lời là rồi.

Thế nhưng, ngài phó thủ tướng vẫn cao ngạo bất chấp lời chuyên gia. Có lẽ, vì cái mác “anh hùng chống dịch” đã làm cho ông “ngủ quên trên chiến thắng”? Dù chưa biết rằng, có thực sự chiến thắng bao giờ chưa?

Thôi thì cứ cho rằng chuyên gia nói cao siêu quá, mảng chuyên môn hẹp, đâu phải thiên tài mà hiểu cho hết. Vậy thì còn người dân thế nào?

Xuyên suốt những thời điểm gia hạn giãn cách, báo chí rồi phương tiện truyền thông đại chúng đều ghi nhận ý kiến từ những người nghèo, người khó khăn, người buôn bán…. Đa số đều mong muốn mở cửa sớm (đó là chưa nói đến doanh nghiệp). Với những người mưu sinh độ nhật, họ đã khổ quá rồi. Thế nhưng, đáp án họ nhận lại là gì? Tiếp tục giãn cách…

“Cái hồi đầu nó bị là do thành phố là cái dịch bệnh mình nó đến là nó quá mới mẻ đi, nhiều cái phương án bị sai bét hết, nó chống chiết này kia rồi bắt người ta ở nhà rồi F0 này kia đem tụ tập vô rồi không có chăm sóc thì làm lây nhiễm đồ này kia, chính những cái đó mới là cái tệ hại”, ông Tuấn, một cư dân ở thành phố chia sẻ.

Một sư huynh trong nghề chia sẻ, nhiều ông quan chức đều có thư ký cũng như dàn cố vấn riêng. Thiết nghĩ, nếu đúng như thế, chẳng lẽ họ cố tình ‘dùi’ sai?

Còn nếu như câu trả lời là không có ai cố vấn cũng chẳng có vụ thư ký gì hết (trong tiểu sử ông Vũ Đức Đam, trong thời điểm 8/1996 – 3/2003, từng làm Thư ký rồi Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt), thì thiết nghĩ, với những gì “uyên bác” từ trình độ được đào tạo cho đến thực tế trong chức vụ, chẳng lẽ không nhận ra mình đang làm sai? Để rồi, nói theo kiểu dân gian, một đống hậu quả đó, người dân lại phải gánh chịu.

Nếu kém hơn dân, có nên chăng, suy nghĩ đến vấn đề từ chức sớm, để dân…bớt khổ – thay vì chiêu trò của ‘thí tốt’ bằng chuyện “kỷ luật khiển trách” một thứ trưởng vốn là dân Ông Tạ Sài Gòn, người từng mấy nhiệm kỳ liền là giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)