Hồng Dân
(VNTB) – Sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng nội tệ là những rủi ro đáng báo động.
Tổng lượng trái phiếu phát hành bằng đồng nội tệ của khu vực Đông Á mới nổi đã tăng 7,1%, lên tới mức cao nhất từ trước đến nay là 9 nghìn tỉ USD trong năm 2021, theo ấn bản mới nhất của báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á, được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố mới đây.
Trong ba tháng cuối năm ngoái, tổng lượng trái phiếu bằng đồng nội tệ của Đông Á mới nổi đã tăng 3,6% so với quý trước, lên tới 22,8 ngàn tỉ USD. Trong giai đoạn từ 30 tháng 11 năm ngoái tới mùng 9 tháng 3 năm nay, lãi suất trái phiếu trong khu vực đã tăng lên trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu và lãi suất gia tăng ở các thị trường tiên tiến.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Các điều kiện tài chính ở Đông Á mới nổi vẫn rất mạnh, được hỗ trợ bởi thanh khoản dồi dào. Hầu hết các ngân hàng trung ương trong khu vực đã duy trì lập trường tiền tệ thích ứng, ngay cả khi các nền kinh tế tiên tiến thắt chặt chính sách. Tuy nhiên, áp lực lạm phát tiếp tục có thể khiến nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt hơn, từ đó có thể làm giảm thanh khoản và làm suy yếu các điều kiện tài chính”.
Phí bảo hiểm rủi ro đã tăng lên trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư ảm đạm hơn do việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ dự kiến thắt chặt tiền tệ và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Giới quan sát thấy rằng lần đầu tiên kể từ năm 2018, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất vào ngày 16 tháng 3 vừa qua, và cho thấy khả năng tăng thêm lãi suất khi lạm phát gia tăng, một phần do sự gia tăng giá dầu và lương thực liên quan đến chiến tranh. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và quỹ đạo không chắc chắn của đại dịch do vi-rút corona cũng đang đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu.
Các nền kinh tế thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chứng kiến lượng phát hành trái phiếu nội tệ cao kỷ lục với 1,5 ngàn tỉ USD vào năm ngoái. Con số này chiếm 17% tổng lượng phát hành ở Đông Á mới nổi, bao gồm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Hồng Kông; Indonesia; Hàn Quốc; Malaysia; Philippines; Singapore; Thái Lan và Việt Nam.
Tổng lượng trái phiếu chính phủ đang lưu hành trong khu vực đạt 14,3 ngàn tỉ USD vào cuối năm 2021, trong khi trái phiếu doanh nghiệp tăng lên tới 8,5 ngàn tỉ USD. Tăng trưởng của phân khúc trái phiếu doanh nghiệp giảm nhẹ trong quý cuối cùng của năm, trong bối cảnh sự chững lại của Trung Quốc, thị trường trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong khu vực.
Tổng lượng trái phiếu bền vững trong khu vực ASEAN cùng với Trung Quốc; Hồng Kông, Trung Quốc; Nhật Bản và Hàn Quốc đã tăng lên tới 430,7 tỉ USD vào cuối năm 2021, so với con số 274,1 tỉ USD một năm trước đó. Trái phiếu xanh tiếp tục chi phối thị trường trái phiếu bền vững của khu vực, chiếm 68,2% trong tổng số, cho dù sự quan tâm tới trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững cũng đang gia tăng.
(Tham khảo https://www.adb.org/news/higher-bond-yields-developed-markets-spill-over-emerging-east-asia).
Giới chuyên gia tài chính ở Việt Nam liên tục đưa ra cảnh báo rằng như số liệu được ADB đưa ra cho thấy cùng với sự lớn nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng nội tệ là những rủi ro đáng báo động.
Theo đó, ở Việt Nam, các ngân hàng rất đa chức năng, đồng thời vừa là ngân hàng thương mại vừa là ngân hàng đầu tư. Thực tế cũng cho biết chỉ số ít trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tức nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay. Như vậy, phần lớn số trái phiếu còn lại chỉ được bảo lãnh phát hành. Nghĩa là, nếu phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại.
“Các ngân hàng chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Điều này đồng nghĩa, rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu doanh nghiệp phát hành vỡ nợ.
Nhìn chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng đồng nội tệ ở Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh Covid-19 khiến doanh nghiệp không thể hoạt động nhưng vẫn đi vay vốn. Và các rủi ro đều đổ dồn vào trái chủ” – một người quan sát chính trị độc lập đã đưa ra khuyến cáo như vậy với trang Việt Nam Thời Báo, trong bàn luận về thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ ở Việt Nam đang có cùng nhịp với khu vực?
1 comment
Nhịp nhạc rock. Slayer & Cinderella cùng nhịp nhạc rock