VNTB – Thiên hạ luận: Chúng ta chỉ mới viết một nửa sự thật…

VNTB – Thiên hạ luận: Chúng ta chỉ mới viết một nửa sự thật…

Ghi chép của Triệu Tử Long

(VNTB) – Ngày 21 tháng 6, hầu hết các tòa soạn báo ở Sài Gòn đều mở tiệc. Men nồng hương rượu, những ‘thợ viết’ lên tiếng…

Nhà báo Lưu Nhĩ Dũ, tự trào: Một nền báo chí trung thực, khách quan và hướng thiện là biết tôn trọng sự thật, viết, nói đúng sự thật. Đó cũng chính là sức mạnh của báo chí để nói lên tiếng nói của người dân, chớ không phải chỉ là tiếng nói của Đảng …  

Lịch sử báo chí Việt Nam đã có gần 150 năm nếu tính từ tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ra đời năm 1865, tờ Gia Định Báo. Với chặng đường phát triển như vậy, báo chí Việt Nam đã có một nền tảng văn hóa, lịch sử và gắn liền với những thăng trầm của dân tộc.

Báo chí đang bước qua một giai đoạn mới đầy thách thức trên nền tảng truyền thông đa phương tiện. Trong bối cảnh đó và trên những tính chất căn bản của báo chí cổ điển, yêu cầu mới cho báo chí vẫn là xây dựng một nền báo chí trung thực, khách quan và hướng thiện.

Tính trung thực và khách quan được các nhà báo chuyên nghiệp coi như nguyên tắc làm báo. Trong “Lời tòa soạn” viết cho báo Tiếng Dân số 1 (10-8-1926), dưới chế độ thực dân Pháp, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng, sau này là Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã viết: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”.  Với tuyên ngôn này, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng khơi gợi nhiều điều về nhân cách của người làm báo.

Hướng thiện cũng là một nguyên tắc báo chí cổ điển và hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn mà báo chí lá cải ở nước ta manh nha hình thành. Hướng thiện cũng là một thách thức chính các nhà báo để xây dựng một nền báo chí nhân văn và tử tế khi mà cái ác, cái xấu ngày càng phơi bày nhan nhản trên báo chí.

Tôn trọng sự thật, viết đúng sự thật. Tôi và các đồng nghiệp đã làm được chưa? Hay chỉ mới là một nửa sự thật?”.

Nữ nhà báo Vương Liễu Hằng, đặt câu hỏi và tự lý giải: “Liệu mạng xã hội có thể giết chết báo giấy?” Đây chắc chắn là câu hỏi của không chỉ những người làm báo.

Một tờ báo giấy được xem là nóng hổi nhất, là nhật báo. Dẫu vậy, nhật báo vẫn không thể cạnh tranh nổi với lượng thông tin ngồn ngộn được cập nhật hàng giờ, phút, thậm chí giây trên mạng xã hội. Đó là chưa kể báo giấy luôn bị kiểm duyệt. Mạng xã hội thì không, người ta có thể đăng bất cứ thứ gì họ thích.

Vậy báo giấy có bị mạng xã hội triệt tiêu?

Không dễ! Bởi với 772 cơ quan báo chí, 142 tờ báo, 621 tạp chí và 25 tờ báo điện tử hoạt động độc lập, thì nghề báo vẫn là một nghề của hàng ngàn con người. Nhưng về bản chất, sự tồn tại của những hình thái báo chí này đã chuyển đổi. Trừ một số tờ, hiện nay đa phần từ tồn tại tự thân, đã qua bao cấp.

Và khi đã bao cấp, thì chắc chắn, lề phải giờ đây là tiếng nói tuyên truyền theo đúng chủ trương và đường lối của nơi đứng ra bao cấp: Chính quyền” …

Họa sĩ biếm Đỗ Anh Dũng nhẹ nhàng ‘trách yêu’: “Hơn 30 năm ‘chơi’ với báo chí, mình nhận ra nghề này là một nghề nguy hiểm, nguy hiểm đến cả tính mạng và “tính mạng chính trị” … Chỉ một sơ suất nhỏ, có thể phải trả giá lớn… Đã chứng kiến sự “ra đi” của nhiều anh chị nhà báo tâm huyết chỉ vì dám nói và nói nhiều về sự thật…

Luôn yêu quý những mối quan hệ, những tình cảm mà các bạn, các anh chị nhà báo dành cho mình dù mình không phải là nhà báo, chỉ là người vẽ châm biếm về những vấn đề bất cập của xã hội, chính quyền. Cá nhân mình luôn tiếc với việc buộc phải gác bút của những bạn, những anh chị nhà báo tâm huyết, dũng cảm…”.

Và, thưa quý bạn đọc trang Việt Nam Thời Báo, người viết bài ghi chép này xin được góp thêm câu chuyện, là cũng vì “sinh mạng chính trị”, nên dẫu lâu nay vẫn đều đặn gửi bài cộng tác trang Việt Nam Thời Báo, thế nhưng chỉ dám ký bút danh bằng gá tên một tráng sĩ trong tiểu thuyết La Quán Trung về thời tam quốc tận bên Tàu, để mong mình có thể sớm được dũng khí như Triệu Vân lúc xông pha trận mạc Đương Dương – Trường Bản…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)