Diệp Chi
(VNTB) – Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị các sở ngành, các quận huyện và TP Thủ Đức tùy điều kiện thực tế, vận động người dân, công chức, viên chức đi làm bằng xe buýt thông qua ứng dụng Go! Bus.
Việc này nằm trong mục tiêu tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, giảm và hạn chế sử dụng xe cá nhân. Ứng dụng Go! Bus có thể giúp người tham gia phương tiện biết được giờ xe tới, bản đồ, địa điểm quan tâm, danh sách các tuyến xe buýt qua khu vực đang ở và phản ảnh những điều hài lòng, không hài lòng về xe buýt.
Có thể thấy, trong thời điểm giá xăng dầu đang cao ở Việt Nam, xe bus cũng là một lựa chọn để người dân có thể phần nào “tiết kiệm” chi phí.
“Đúng là thực tế có thể như vậy thật. Nhưng, dân gian cũng nói, thời gian là vàng bạc. Đơn cử một trường hợp, kẹt xe. Với phương tiện đi lại là xe máy, bạn có thể len lỏi, thậm chí là leo lề nếu bạn có nhu cầu cấp bách, khả dĩ, kịp giờ đi học đi làm.
Còn đi xe bus thì sao? Với thân hình to lớn, kẹt xe, dù có “tay lái lụa” hay giành đường, chen vào lane đường của xe máy đi chăng nữa, tốc độ vẫn chậm hơn xe máy. Vì tính tiện dụng trong công việc, cá nhân tôi, vẫn ưu tiên chọn xe máy”, chị Ngọc, một người dân chia sẻ suy nghĩ.
Đồng suy nghĩ với chị Ngọc là một cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM: “Thời gian đầu đi học, mình đi xe bus đó chứ. Ngày đó mình đi tuyến 50. Xe chở sinh viên, chạy nhanh hơn các xe bình thường khác, ít dừng hơn. Ngày đó mình đi sớm, trước cả giờ của tuyến đầu tiên trong ngày xe chạy luôn, chờ hoài không thấy xe. Rồi xe cũng tới, chạy từ Đinh Tiên Hoàng lên làng đại học, kẹt xe ở ngã tư Thủ Đức, lên tới nơi, trễ giờ. Mà môn đó quy định không được nghỉ quá một buổi. Thế là tự dưng mình nghỉ 1 buổi vô duyên.
Biết là bây giờ có thể đã thay đổi, nhưng đường sá vẫn còn kẹt xe. Xe sinh viên mà còn như vậy, làm sao mình dám “giao phó” công việc đang làm cho phương tiện đi lại là xe bus?”.
“Hồi còn học cấp hai trong thành phố, ba mẹ đi làm không đưa đón được, mình hay đi xe bus lắm. Lên đại học, mình cũng y vậy nhưng rồi nhận ra có nhiều vấn đề xảy ra lắm. Thứ nhất, số lượng tuyến xe bus thì ít, thời gian giữa chuyến trước với chuyến sau lại dài. Thứ hai, giờ giấc thì khác nhau, có những tuyến xe, đóng cửa sớm. Mình thì đôi khi cũng có nhu cầu ở lại làng đại học sau 21 giờ. Mà giờ đó, khi từ làng đi ra trạm, để tìm một chiếc xe bus cũng khó khăn hơn. Trong khi đó, mình không thể ở lại làng vào ban đêm, biết ngủ ở đâu bây giờ? Xe máy vẫn là tối ưu, có công việc, 22 giờ hay trễ hơn, về vẫn được”, sinh viên năm hai Nguyễn Long chia sẻ suy nghĩ.
Một độc giả khác, cũng bút danh Long, chia sẻ về vấn đề này: “Tôi đề nghị Sở giao thông buộc tất cả cán bộ nhân viên của sở phải đi xe buýt đi làm hằng ngày…. Chỉ có trực tiếp đi xe buýt thì cán bộ của Sở mới cảm nhận cần phải điều chỉnh những gì”.
Tựu trung lại, việc đi xe bus để đi làm, đi học, có thể nói, không cần Sở Giao thông vận tải hay chính quyền địa phương phải “nhọc lòng” vận động. Giữa tình hình bão giá như hiện tại, người dân cũng đủ hiểu và biết mình nên chọn phương án nào đi lại vừa tiện dụng vừa tiết kiệm cho gia đình.
Thay đổi chất lượng cho tốt, tự khắc người dân sẽ chọn lựa thôi. Hữu xạ tự nhiên hương mà.
2 comments
Tui ủng hộ ý kiến là nhân viên giao thông vận tải bắt buộc phải đi xe buýt đến công sở để làm việc,kể cả lảnh đạo, để làm gương,nếu được như vậy thì mọi người sẽ dùng xe buýt công cộng nhiều hơn và hy vọng lảnh đạo,nhân viên ngành giao thông vẫn tải không phản đối,vui vẽ đi làm bằng xe buýt công cộng.
“nhân viên giao thông vận tải bắt buộc phải đi xe buýt đến công sở để làm việc”
Đưa đến 1 nghịch lý . Tài xế xe bus phải đi cái gì tới sở khi xe bus còn nằm ụ chờ tài xế ?