Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiếu thuốc: đổ lòng vòng

Mai Lan

(VNTB) – “Đổ lòng vòng” xong cũng không quy được trách nhiệm cuối cùng 

Nhà sản xuất vắc-xin tuyên bố là họ không thiếu vắc-xin để cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Thế nhưng đáng lo ngại là hiện nay nhiều nơi tiếp tục thiếu vắc-xin 5 trong 1 có thành phần ngừa bạch hầu.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, các ca mắc bệnh bạch hầu đều không rõ nguồn lây. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường phòng, chống dịch bạch hầu.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo một trong những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, hiện nay việc mua sắm vắc-xin phòng bệnh còn nhiều khó khăn. Đại diện  Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Điện Biên cho hay do khó khăn trong đánh giá nguy cơ bùng phát dịch, kéo theo khó xác định chính xác nhu cầu vật tư, thuốc, vắc-xin, kinh phí.

“Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 30-4, địa phương đã thực hiện đấu thầu vắc-xin Td (vắc-xin phòng bệnh bạch hầu), đến nay mới thực hiện đấu thầu xong được hơn 2.000 liều, đủ tiêm phòng cho một ổ dịch. Địa phương đang tiếp tục đấu thầu. Dự kiến số vắc-xin này sẽ được tiêm chủng cho người từ 7 đến 20 tuổi”, đại diện CDC Điện Biên cho hay.

Trong số các loại vắc-xin Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, vắc-xin “5 trong 1” sử dụng tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên để phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B đã cạn nguồn từ lâu mà không biết khi nào mới cung cấp trở lại.

Một số lãnh đạo CDC ở các tỉnh nhìn nhận việc đấu thầu vắc-xin Td gặp khó khăn khi nguồn cung khan hiếm, trong khi quy trình đấu thầu đúng quy định phải mất 3 tháng nên không thể đáp ứng ngay được nhu cầu chống dịch tại địa phương.

Hội truyền nhiễm TP.HCM đưa ra lời giải thích rằng chính những quy định, thủ tục hành chính rườm rà trong mua sắm, đấu thầu ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch mua sắm vắc-xin của Việt Nam. “Vắc-xin có những lúc cầu vượt cung, doanh nghiệp nhập ít, thành ra họ sẽ đi bán cho những chỗ đơn giản hơn về thủ tục hơn là nơi thủ tục rườm rà. Mà dịch vụ tư nhân, người ta không đấu thầu gì, mua bao nhiêu bán bao nhiêu là quyết định của họ” – trích ý kiến của Hội truyền nhiễm TP.HCM.

Cựu phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan nhận định: “Nguyên nhân không phải do không có nhà sản xuất vắc-xin, không phải do nguồn cung, nhưng chúng ta luôn vướng thủ tục, việc lập kế hoạch chậm trễ, chưa kể vấn đề năng lực cũng như khả năng bảo quản vắc-xin cho tốt.

Chúng ta cứ vướng mãi thủ tục, mà thủ tục do chúng ta đặt ra. Việc trung ương hay địa phương đấu thầu không liên quan đến người dân. Mà hiện nay, yêu cầu chính đáng của người dân làm sao có vắc-xin kịp thời tiêm chích cho con em họ. Đây là vấn đề trách nhiệm, chúng ta đổ lòng vòng thì bao giờ mới có vắc-xin cho các cháu?”.

Thế nhưng ngay cả khi “đổ lòng vòng”, rốt cuộc người ta cũng không quy được trách nhiệm cuối cùng là ở cụ thể địa chỉ nào, chức danh ra sao.

Ông Nguyễn Đăng Hiền – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) – cho biết Trung tâm không thiếu các loại vắc-xin tiêm chủng mở rộng mà Trung tâm sản xuất.

Ông Dương Hữu Thái – Viện trưởng Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) – thông báo IVAC có khả năng cung ứng được 1.800.000 liều vắc-xin BCG (phòng bệnh lao), 3.250.000 liều vắc-xin DPT (bạch hầu – ho gà-uốn ván), 2.230.000 liều liều vắc-xin TT (phòng uốn ván) và 1.400.000 liều vắc-xin Td (phòng uốn ván – bạch hầu hấp phụ) cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở sáu tháng cuối năm 2023.

Nguyên nhân được các CDC địa phương đưa ra là từ năm 2023 Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vắc-xin tiêm chủng mở rộng, thay vào đó các địa phương bố trí ngân sách mua vắc-xin, tuy nhiên do quy trình mua sắm, đấu thầu, nguồn cung khó khăn nên nguồn vắc-xin bị gián đoạn.

Nguyên nhân sâu xa hơn, theo giới báo chí chuyên ngành y tế thì đó là hệ lụy từ vụ án xảy ra tại CDC Hà Giang. Theo đó, sau gần 20 năm, dịch bạch hầu lại bùng phát ở Hà Giang với hơn 100 người mắc và đã có tử vong.

Dịch bạch hầu bùng phát ngay sau thời điểm Toà án Hà Giang xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến Việt Á xảy ra tại CDC Hà Giang (ngày 10 và 11-2023). Và kết quả phiên tòa khó mà không ảnh hưởng đến việc chống dịch.

Khi đến tận nơi thực địa, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – đại biểu Quốc hội, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội – đã viết trên FB của mình: “Hệ thống phòng dịch được khởi động, sự nhiệt huyết của nhân viên y tế dự phòng vẫn còn nguyên, nhưng nói đến mua sắm phòng dịch thì ai cũng ‘lắc đầu le lưỡi’. Điều này rất dễ hiểu vì tòa Hà Giang vừa xử vụ Việt Á với bản án rất nặng như 825 triệu đồng bị lĩnh 16 năm 6 tháng tù, hay 150 triệu đồng là 9 năm…”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Lây lan Covid-19 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT: lo lắng đã thành sự thật

Phan Thanh Hung

VNTB – Siết giờ làm thêm của sinh viên là thêm gánh nặng tài chính cho chuyện ăn học

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Bảo hiểm xã hội Việt Nam ‘chây ì’… trả nợ các bệnh viện công lập

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo