Định Tường
(VNTB) – “Mấy gia đình có con lấy chồng Hàn Quốc xây nhà bự lắm.”
Chuyện người nghèo ở miền Tây vì “nhà hết gạo” nên phải mò cua, bắt cá ăn qua bữa là thường tình, dù nơi đây là vựa lúa số một Việt Nam.
Bưng tô cơm nguội, ngả trái dừa tươi chặt chừng 3 nhát dao bén rồi chan trực tiếp nước dừa vào tô cơm, nạo thêm miếng cơm dừa non cũng xong bữa. Bến Tre xứ dừa, nhiều nhà nghèo khó đã chọn ăn như vậy.
Một khảo sát của Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long nhận định hiện tượng lao động nông thôn, đặc biệt lao động trẻ, lên các vùng đô thị, các khu công nghiệp ngày càng nhiều.
Biến đổi khí hậu hay cụ thể hơn là thời tiết bất thường là một trong các nguyên nhân của tình trạng trên. Yếu tố thay đổi tự nhiên như biến đổi khí hậu, cộng thêm tình trạng suy thoái môi trường và tài nguyên thiên nhiên, các chính sách còn bất cập, tâm lý xã hội, thất nghiệp, nghèo, thu nhập thấp, gia tăng dân số nông thôn, nhu cầu lao động tăng cao ở các vùng đất đang phát triển công nghiệp… là những nguyên nhân thúc đẩy tình trạng di dân.
Sự dịch chuyển lao động này có một số lợi ích nào đó cho người lao động nhưng cũng để lại nhiều tiêu cực. Có thể kể đến như làm cho các vùng nông thôn đìu hiu, vắng vẻ, nhiều nơi đồng ruộng bỏ hoang hoặc thiếu đầu tư canh tác.
Người trẻ lên thành phố thường phải bỏ con lại cho ông bà ở nhà chăm lo, thiếu quản lý, dạy dỗ dễ hư hỏng, thậm chí bị xâm hại. Một số thanh niên nam nữ lên các vùng đô thị lại nhiễm một số thói xấu chốn thị thành. Trong khi đó, việc gia tăng dân số cơ học thiếu kiểm soát vùng đô thị cũng góp phần phá vỡ nhiều quy hoạch cơ sở hạ tầng, tăng ô nhiễm, kẹt xe, rác thải, nước thải, tai nạn công nghiệp…
Đã có một dạo những nhà đạo đức lên án chuyện “bia ôm toàn con gái miền Tây”. Đâu chỉ vậy, miền Tây còn có những xóm Đài Loan, xóm Hàn Quốc, đảo Việt kiều…
Nhiều người ngậm ngùi nói rằng xóa đói giảm nghèo thiết thực, hiệu quả có được ở miền Tây đó là nhờ Đảng và Nhà nước “cho phép” những cô gái hiếu thảo, tự nguyện làm những nghề gọi là “tệ nạn xã hội” hay mại dâm trên khắp vùng miền, những “khu đèn đỏ” nước lân cận hoặc chấp nhận lấy chồng các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Mã Lai… để có cơ hội, thu nhập cao hơn bình thường giúp đỡ gia đình.
Rất nhiều cô gái đi “hành nghề” giúp được bố mẹ già, tưởng chừng cả đời ở nhà lá, nay được ở nhà xây ấm áp, những đứa em trai có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, thành người có ích cho xã hội.
Cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Cần Thơ nằm tách biệt với đất liền, bao quanh bởi dòng sông Hậu. Để đến đây phải đi qua đò. Hiện có 5 bến đò đặt ở các vị trí khác nhau, hoạt động ngày đêm để đưa người dân, khách du lịch… qua sông.
Đường đi khó, nhưng vào sâu trong làng, từng con đường được láng nhựa sạch sẽ. Những căn nhà cao tầng, xây theo phong cách biệt thự khang trang.
Một viên chức địa phương cho biết, cả phường Tân Lộc hơn 7 ngàn hộ dân, khoảng 29 ngàn nhân khẩu, nhưng có hơn một ngàn cô gái lấy chồng nước ngoài. Trung bình 10 nhà thì 8 nhà cho con gái lấy chồng ngoại quốc.
Gần chục năm qua, việc các cô gái lấy chồng Đài Loan ở Tân Lộc đã giảm hẳn. Nếu như trước đây 10 cô gái qua đó làm vợ thì giờ chỉ còn 2-3 người. Đổi lại, các gia đình định hướng cho con chuyển sang lấy chồng… Hàn Quốc.
Nguyên nhân được giải thích rằng: “Lương ở Đài Loan chỉ có mười mấy triệu một tháng, trong khi đó, ở Hàn Quốc mấy chục triệu. Mấy gia đình có con lấy chồng Hàn Quốc, xây nhà to và cao lắm”.
“Đừng chỉ trích nữa, hãy làm cái gì đó, mình chưa cho họ bát cơm nào thì chỉ trích làm gì?” – một ý kiến đầy chua chát trong bối cảnh người đứng đầu Đảng và Nhà nước luôn một mực tin rằng, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”…