VNTB – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo đuổi chủ nghĩa bảo thủ

VNTB – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo đuổi chủ nghĩa bảo thủ

Trường Sơn

 

(VNTB) – Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là một đại biểu trung thành của chủ nghĩa bảo thủ đặc trưng của người cộng sản.

 

Sáng 15-5, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc tại thủ đô Hà Nội.

Trong phát biểu khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng, “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Với mặc định trên, cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là một đại biểu trung thành của chủ nghĩa bảo thủ đặc trưng của người cộng sản.

“Cơ đồ – tiềm lực”: nhìn từ sức khỏe doanh nghiệp

Người viết bài này không là đảng viên nên chỉ muốn nêu hai thực tế đang diễn ra, qua đó cho thấy trúng nhất là Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cần có câu trả lời vì cớ sự nào khiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dường như vẫn ngộ nhận về “cơ đồ – tiềm lực – vị thế và uy tín” của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới.

Thứ nhất, nếu Tổng bí thư đúng về nhận định mà giờ ông chỉ điều chỉnh đôi chút khi dùng thể khẳng định “chúng ta vẫn có thể nói rằng…”, thì cần giải thích vì sao trong vòng bốn tháng đã có khoảng 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước?.

Số liệu cụ thể đó là do ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố mới đây, với thừa nhận nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được đều đã bán…

Ông Đậu Anh Tuấn – phó tổng thư ký kiêm trưởng ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận doanh nghiệp tiếp cận vốn khó khăn vì nhiều lý do, trong đó có lãi suất quá cao nên hoạt động kinh doanh bình thường sẽ khó đáp ứng được mức lãi vay ngân hàng đưa ra hiện nay.

Tiếp theo là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp hiện rất khó, nhiều ngành kinh doanh có xu hướng suy giảm nên doanh nghiệp rất cân nhắc khi vay vốn ngân hàng. Theo ông Tuấn, chính phủ cần đẩy mạnh thực thi các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, phí mạnh mẽ hơn nữa để giúp họ giảm chi phí, có tiền duy trì sản xuất kinh doanh.

Có phải vì thiếu động lực cạnh tranh đảng phái chính trị?

Theo ông Đậu Anh Tuấn, những chương trình cải cách thực hiện trong thời gian qua cần được tiếp tục mạnh mẽ hơn.

Ví dụ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, chính phủ từng dự kiến ban hành một nghị định về đổi mới cơ chế quản lý thực phẩm nhập khẩu. Tin tức hành lang cho biết, Thủ tướng đã có quyết định về việc ban hành nghị định này, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang chủ trì xây dựng, nhưng đến nay nghị định này chưa được thông qua vì nhiều bộ đang phản đối việc xây dựng nghị định.

“Những chính sách như thế này cần được ban hành sớm để đổi mới cơ chế quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, giúp giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bối cảnh bên ngoài có nhiều khó khăn thì các vấn đề về chính sách, thể chế quản lý trong nước cần phải thuận lợi hơn để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh.

Tôi mong rằng bên cạnh các nhóm giải pháp về tiền tệ, nhóm giải pháp về tài khóa thì những giải pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đặc biệt là tổ chức thực thi chính sách của bộ máy hành chính các cấp phải thuận lợi hơn. Đây là những giải pháp tổng thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay” – ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

“Vị thế và uy tín”: nhìn từ quyền được đi học của người nghèo

Giáo dục là vấn đề thứ hai cho thấy Tổng bí thư đã ngộ nhận về “cơ đồ – tiềm lực – vị thế và uy tín”.

Việc mới đây chính phủ đưa ra quyết định tăng học phí đại học công lập với lý do “tập trung ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục tại khu vực khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, hải đảo”, cho thấy diễn biến về ngân sách đầu tư vào giáo dục ở bậc đại học trong suốt 3 nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng yếu kém rất rõ.

Theo đó, một khảo sát của nhóm chuyên gia ở một số trường đại học công lập công bố tại hội thảo về tự chủ đại học, diễn ra tại TP.HCM tháng 4-2023, cho thấy năm 2017 ngân sách nhà nước cấp phát chỉ chiếm 24% tổng doanh thu của các trường đại học công lập, trong khi học phí đóng góp 57% và 19% còn lại đến từ các nguồn khác như nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khác.

Đến năm 2021, phần đóng góp của hộ gia đình đã tăng vọt lên 77% và nguồn ngân sách nhà nước giảm xuống chỉ còn tương đương 9%.

“Thực trạng này gióng lên hồi chuông báo động về tính thiếu bền vững trong tài chính giáo dục đại học, gánh nặng tài chính cũng như nguy cơ bị bỏ lại phía sau ngày càng rõ ràng hơn cho sinh viên từ các hộ gia đình có khó khăn về tài chính” – nhóm này cảnh báo.

…Với ít nhất hai lãnh vực trên, tin rằng dù lạc quan cách mạng đến đâu, nếu là người có sức khỏe tâm thần bình thường, tin rằng khó ai đủ can đảm cũng như kể cả bảo thủ trong vững tin như phát biểu hôm sáng 15-5-2023 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, “chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    T Vy 11 months

    Nếu VN có bầu cử tự do như Thái Lan, người dân nào sẽ bỏ phiếu cho một ứng viên như ông này? Thử so sánh ông ta với Hunsen về khả năng lãnh đạo xem. Hunsen làm cho Campuchia phát triển vù vù, mà chẳng cần lò liếc gì cả.