VNTB
(VNTB) – Công trình hồ La Ngà 3 còn giúp giải quyết cấp nước cho hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu…
Một “thư ngỏ” có tiêu đề “Thủy lợi tỉnh Bình Thuận rất mong được giúp đỡ để triển khai công trình hồ La Ngà 3”, ngày viết là 31-12-2011, tác giả ghi trên lá thư là “Mai Chí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Thuận”.
Nội dung lá thư cho thấy liên quan toàn bộ vụ việc thời sự về chuyện các dự án xây dựng hồ thủy lợi ở tỉnh Bình Thuận hiện tại. Trang Việt Nam Thời Báo xin được đăng toàn văn “thư ngỏ” này – bao gồm cả cách viết tắt, viết hoa. Văn bản này hiện được lưu trữ ở văn phòng Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam:
“Hiện nay tỉnh Bình Thuận có sự vướng mắc lớn về việc đầu tư xây dựng Hồ chứa nước La Ngà 3 và Thủy điện La Ngâu. Trong đó, Hồ La Nga 3 (chưa xây dựng và đang trong giai đoạn được Bộ Nông nghiệp &PTNT cho phép lập Báo cáo Đầu tư, công trình do Bộ NN&PTNT quản lý. Còn Thủy điện (TĐ) La Ngâu đã thi công xong phần mặt bằng thi công như: Đường thi công, nhà lán trại, hố móng nhà máy… ước kinh phí khoảng 100 tỷ VNĐ công trình do Bộ Công Thương quản lý. Nhưng do TĐ La Ngâu nằm trong lòng hồ La Ngà 3, nếu xây dựng Hồ La Ngà 3 sẽ làm ngập TĐ La Ngâu.
Theo Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt tại Quyết định số 3519/QĐ-BNN-KH ngày 17 tháng 11 năm 2006. Hồ La Ngà 3 có dung tích toàn bộ Wtb = 470 tr.m3, dung tích phòng lũ Wpl = 40 tr.m3.
Công trình có nhiệm vụ tưới cho 39.000ha gồm: chuyển nước vùng cao thượng nguồn sông Cà Ty 20.000ha, thượng Sông Dinh 14.000ha và vùng cao thượng suối Gia Huynh 5.000ha và có nhiệm vụ kết hợp phát điện với công suất lắp máy Nlm = 24 Mw và sản lượng điện hàng năm 110 triệu Kwh.
Và theo Đề án Phát triển thủy lợi tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2812/QĐ-UBND ngày 06/12/2010. Trong đó, đặt nhiệm vụ đầu tư công trình hồ La Ngà 3 để giải quyết được lượng nước thiếu tại Cảng nước sâu Kê Gà quy mô (315ha), Khu đô thị Tân Thành (1.000ha), Khu công nghiệp Hàm Cường (1600ha), cấp nước cho các KCN Hàm Kiệm (579ha), KCN Tân Đức + KCN Tân Phúc và tiếp bổ sung cho KCN Sơn Mỹ tổng cộng 2.336ha và các vùng canh tác đất nông nghiệp khác của huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 2011-2020 và những năm tiếp theo.
Ngoài ra việc đầu tư công trình hồ La Ngà 3 sẽ giải quyết cấp nước cho hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý chủ trương mở rộng kênh chính Nam thuộc hệ thống thủy lợi Tà Pao (đang thi công) để lấy nước từ hồ La Ngà 3 chuyển vào hồ Biển Lạc (đi qua kênh Biển Lạc – Hàm Tân đang thi công) bổ sung tưới cho 1.500 ha, cấp nước cho khu công nghiệp Tân Đức, Tân Phúc và bổ sung nguồn nước cho hồ Sông Dinh 3 huyện Hàm Tân.
Trong khi đó, Nhà máy thủy điện La Ngâu là công trình sử dụng nguồn nước xả của Nhà máy thủy điện ĐaMi, công trình chỉ có nhiệm vụ phát điện với công suất lắp máy 46MW, tương ứng sản lượng điện 204 triệu KWh/năm. Đây là công trình thuộc dạng thủy điện nhỏ.
Xuất phát từ lợi ích kinh tế nêu trên, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận đầu tư xây dựng Hồ La Ngà 3 đề tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là đối với các huyện phía Nam tỉnh.
Tồn tại: TĐ La Ngâu mặc dù có ý kiến của UBND tỉnh đề nghị Văn phòng (VPCP) Chính phủ xem xét dừng lại, nhưng VPCP có công văn cho phép doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng (công văn số 799/VPCP-KTN ngày 26 tháng 7 năm 2011 của VP CP).
Nếu không xây dựng được hồ La Ngà 3, tỉnh Bình Thuận sẽ không đủ nguồn nước để phát triển kinh tế xã hội cho khu vực Nam Bình Thuận (các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tx La Gi, Tánh Linh, Đức Linh). Do vậy, đề nghị Hội Đập lớn & PT Nguồn nước giúp nghiên cứu và có tiếng nói của Hội về vấn đề này, để Bộ NN&PTNT kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo cho phép tỉnh tiếp tục thực hiện đầu tư xây sựng hồ La Ngà 3”.