Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thủ Thiêm nghe mà đau đớn!

Và bây giờ nhắc tới Thủ Thiêm thì người dân thành phố lắc đầu, là ràn rụa, là thở dài.

 

“Khu đô thị mới Thủ Thiêm” từng là một mơ ước của người Sài Gòn. Cũng như nhiều người dân trong tư thế ngóc cao đầu của chục năm trước bị “say” theo truyền thông Việt Nam về một ước mơ “hóa rồng”, “bay cao thành rồng” ở tương lai rất gần, thành một nước rồng rắn lên mây gì đó của khu vực

Nhưng rồng thì không thấy, chỉ thấy người bán vé số, người bán hàng rong bằng xe ba càng ngày càng đông và trái cây Miền Tây ngày càng rớt giá thê thảm từ quýt, bưởi tới cam sành, thanh long, dừa, chuối…

Và bây giờ nhắc tới Thủ Thiêm thì người dân thành phố lắc đầu, là ràn rụa, là thở dài. Một khu Thủ Thiêm đã giải tỏa dân gần như là trắng, nhưng làm sao quăng hết người dân ra khỏi đất này? Cũng như dễ dầu gì xóa chữ Sài Gòn ra khỏi lòng người dân?

Làm gì mà giải tỏa “lố”, mạnh tay đến độ đình An Phú và chùa Liên Trì cũng không xong. Rồi nhà thờ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cũng có nguy cơ đến độ các bà sơ phải ôm bảng ra đứng ngoài đường kêu cứu?

Quá xá!

Làm cái gì cũng phải có cái tâm,không có tâm khó mà có dài lâu và sự vĩnh cửu. Đó là ăn mòn vào tuổi thọ của một niềm tin dầu là mong manh.

Nhớ nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có câu nhạc từ những năm 1968 :” Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu?”

Đất Sài Gòn, đất Nam Kỳ là sản phẩm của lưu dân, là sự tâm linh của nhiều vong hồn người khai hoang chém cọp,đánh sấu ngày xưa.

Đất Thủ Thiêm cũng có nhiều hồn vía của người dân đâu đó dầu người ta muốn gạt bỏ dân ra một bên.

Hồn ở đâu đây!

Hồn ơi!

Hồn hỡi!

Xa cây xa cối

Xa cội xa cành

Ðầu bãi cuối gành

Hùm tha, sấu bắt

Bởi vì thắt ngặt

Manh áo chén cơm

Nói ra không phải phân biệt, bới lông tìm vết, bản thân chúng ta là người trung dung đọc sử , nhìn nhận rất công tâm.

Nhưng không nói thì không đặng.

1/ Đất Sài Gòn,đất Thủ Thiêm xưa

Nhìn trên bản đồ Sài Gòn thì cái miếng đất có phong thủy tốt nhứt là đất Thủ Thiêm

Sông Sài Gòn uốn éo chảy qua Sài Gòn tạo ra Thủ Thiêm một thế đất kết tụ tinh khí gọi là Thủy Hử , đó là phần đất được sông bồi ra một cái ẹo lòi ra sông, cái thế đất ngay chỗ sông đổi hướng mà tạo thành.

Phong thủy tốt, song người Việt và người Pháp lại không chọn Thủ Thiêm để xây thành trì,thành phố mà lại chọn mé bên cái hõm phía quận 1 ngày nay.

Đơn giản vì đất Thủ Thiêm thấp, ngập nước,nước lên xuống, không thích hợp xây thành.

Vùng Bến Nghé Sài Gòn đối diện Thủ Thiêm ai dè lại là vùng đất cao,có gò,có giồng

Sơn Nam chép vầy:

”Đây là vùng đất giồng ở sông Sài Gòn, rạch Thị Nghè lên Hốc Môn, Gò Vấp; vùng Chợ Lớn ngày nay ăn xuống Bình Điền, Bình Chánh; Gò Đen, nối liền đến Cần Đước, Cần Giuộc, những giồng thuận lợi để làm ruộng và làm rẫy. Nếu vùng cù lao Phố được ưu thế là có nước ngọt quanh năm, thì vùng Sài Gòn lại bị ảnh hưởng nước mặn từ biển tràn vào, giồng cao ráo, đào giếng có thể gặp mạch nước ngọt, phần còn lại là đất quá thấp.”

Đất “giồng” là phương ngữ Nam Kỳ chỉ một dải đất phù sa nổi lên ven sông, rạch.

Ra quận 1 bạn có để ý là nó có thế đất cao không? Có nhiều cái dốc lắm, bạn để ý sẽ thấy.

Thí dụ cái dốc ngay ngã tư Lý Tự Trọng (Gia Long) và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý). Khu này là đất gò, giồng, nên xây dinh Gia Long, xây tòa nhà pháp đình , kế bên là cái dinh Norodom (Độc Lập) cũng nằm trên một cái gò cao tự nhiên. Nhà thờ Đức Bà, bưu điện cũng nằm trên gò đất.

Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự) khúc đài truyền hình cũng có cái dốc, khu này xưa là thành Ông Dèm của Pháp cũng xây trên gò cao.

Đất Sài Gòn cao lên dần từ Nam lên phía Bắc, đất Gò Vắp cao hơn đất Bến Thành, có một dốc nghiêng từ Bắc xuống Nam.

Thành Bát Quái Sài Gòn (thành Quy) được xây trên vùng đất cao, đổ dốc xuống khu vực Bến Nghé sông Sài Gòn.

Bên Thủ Thiêm không có gò, giồng, nhưng chếch lên một chút có một khu cổ, đó là đất Giồng Ông Tố.

“Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải

Ngó lên Giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai

Giồng Ông Tố là cái giồng đất cổ mang tên của ông Trương Vĩnh Tố tướng Minh Hương “phản Thanh phục Minh” chạy từ Trung Quốc sang Nam Kỳ cùng đợt với Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch.

Trần Thượng Xuyên dựng nên Nông Nại Đại Phố (Biên Hòa). Dương Ngạn Địch lập Mỹ Tho Đại Phố.

Trương Vĩnh Tố tới Giồng Ông Tố.Do không quan trọng nên sử không nhắc.

Về hướng Chợ Lớn quận 5 thì có vùng đất cao ở gò Cây Mai , Phú Lâm, Chợ Rẫy.

Khu gò Cây Mai,Phú Thọ,Phú Lâm xưa là đất của người Khmer sanh sống.

Sau khi Tây Sơn tàn sát cù lao Phố, người Minh Hương từ Cù Lao phố Biên Hòa chạy đến khu vực giữa gò Cây Mai và kinh Tàu Hủ định cư tạo ra Chợ Lớn thì người Khmer bỏ xứ lui về Trà Vinh, Sóc Trăng.

Sài Gòn Chợ Lớn xưa không bao giờ bị lụt lội, không bị nước ngập dù khu này nước lên xuống theo thủy triều sông sài Gòn, Soi Rạp. Tất cả là nhờ hệ thống kinh rạch tự nhiên chằng chịt.

Văn minh Nam Kỳ là sông nước, sự thạnh vượng, thoáng đãng của Sài Gòn là nhờ kinh rạch,giao thông cũng kinh rạch, mà thoát nước cũng kinh rạch.

Khu Thủ Thiêm có nhiều rạch. Khu cầu Cá Trê bạn sẽ thấy tòa là dừa nước.

2/ Trở về Thủ Thiêm

Ở Nam Kỳ khi nói về chữ “thủ” bạn có thể hiểu rằng trước nhứt đó là chức trấn thủ 鎮守,chức này là quan đóng giữ một địa phương nào đó.

Ba năm trấn thủ lưu đồn

Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan

Người ta nói về Thủ Đức, Thủ Đức là ông thủ tên Đức.

Nhiều người nói rằng Thủ Đức là hiệu của ông Tạ Dương Minh chủ cái chợ của vùng này.

Tuy nhiên thuyết này chưa chắc lắm.Trước khi có chợ người ta đã kêu xứ này Thủ Đức.Có thể Thủ Đức là xưa có ông quan trấn thủ tên Đức nào đó.

Xứ Thủ Thừa của tỉnh Tân An là tên của ông Mai Tự Thừa,ông này làm làm Thủ ngự đứng đầu trạm thâu thuế đường sông, lâu ngày quen gọi là ông Thủ Thừa.

Cón thủ  nghĩa nữa là liên quan tới đình làng.

Trong ban hội tề làng xưa có những chức lo về đình làng ,thí dụ “Thủ bổn” lo việc sổ sách và kiểm tra lễ vật,”Thủ từ” là ông già giữ đình,”Thủ sắc “ là người giữ sắc thần

Trường hợp Thủ Thiêm tới ngày ny còn mơ hồ cách lý giải

Thủ Thiêm là ông quan tên Thiêm làm chức thủ ngự đường sông hay là ông quan trấn thủ,hay ông già làm chức thủ gì đó của đình làng tên Thiêm?

Tại vùng Thủ Thiêm có đình An Lợi Đông và đình An Phú.

Thủ Thiêm xưa là vùng nước lên xuống, đầy lau lách, dừa nước,quân trộm cướp cũng nhiều , xứ này cách con sông ngay mặt tiền thành Gia Định , thành ra triều đình cho quan trấn thủ canh phòng cũng là có lý.

Tuy nhiên,Thủ Thiêm có xuất xứ từ Cựu Thiêm.

,Đại Nam nhứt thống chí ghi:

“Ở thôn Giai Quới, huyện Ngãi An (tức Thủ Đức xưa) tục chợ gọi là Cựu Thiêm; trước chợ có sông Bình Giang (sông Sài Gòn), đối diện tỉnh Gia Định. Tàu biển, thuyền sông tấp nập, dân sở tại làm nghề chở đò ngang, đò dọc và theo dòng nước đem bán thực phẩm như cá, thịt, rau, quả”.

Từ thành Gia Định muốn qua Thủ Thiêm thì phải qua đò giang, đò đi từ bến Cây Bàng Thủ Thiêm qua đến bến Chợ Cũ (đường Hàm Nghi ) thì gọi là đò ngang , đò từ bến Cột Cờ Thủ Ngữ lên phía Bình Quới, Thủ Dầu Một kêu là đò dọc.

Chắc mọi người còn nhớ cuốn”Đò dọc” của Bình-nguyên Lộc.

Trong cuốn sách này thì gia đình ông bà Nam Thành đã di tản từ bến sông Cột Cờ Thủ Ngữ lên Thủ Đức bằng đò dọc.

Thành thử ,trong bài hát “Đò dọc” của Trầm Tử Thiêng có câu:

Hò lơ, ho lờ!

Đò dọc ,đò ngang

Trôi trên con sông tình

Sông tình ngược xuôi quen nhấp nhô

Trôi theo con sóng yêu

Đò cắm bờ này thương bến kia thấy đời quạnh hiu

Con đò Thủ Thiêm và sau này là cái bắc Thủ Thiêm đã vô tâm khảm và ký ức dân Nam Kỳ lục tỉnh.

Chừng nào Chợ Lớn hết vôi

Nước Nam hết giặc em thôi đưa đò

Bắp non mà nướng lửa lò

Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm

Và :

Hỡi cô lái đò bến Thủ Thiêm

Cố nhơn nay đã về tìm cố nhơn

Thủ Thiêm là chánh long mạch của Sài Gòn.

Sông Sài Gòn uốn éo chảy qua đất Sài Gòn, tạo ra cái hõm đất lòi ra giữa sông Thủ Thiêm.

Vùng Thủ Thiêm được các nhà phong thủy gọi là chân long, dáng Thủ Thiêm gọi là đại cát, rất tốt đẹp cho cơ nghiệp và vinh hiển cho công danh.

Thủ Thiêm không làm “đô thành” chánh trị được vì bị ngập nước,có nhiều khí âm.Vùng này làm trung tâm tài chánh thì thích hợp nhứt.

Đối diện Thủ Thiêm là Thủ Ngữ.

Nam Kỳ mình có quá trời những vùng đất bắt đầu từ chữ “Thủ” , thí dụ : Thủ Thừa, Thủ Bộ, Thủ Đoàn, Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Đào, Thủ Hy, Thủ Huấn, Thủ Khúc, Thủ Tắc, Thủ Tọa, Thủ Thuật, Thủ Ngữ , Thủ Triệu, Thủ Cẩm, Thủ Chánh , Thủ Chiến Sai , Thủ Tam Giang…

Trở lại đề tài,vậy thống nhứt “Thủ” là cái gì? Sao từ Cựu Thêm thành Thủ Thiêm?

Trong cuốn tự điển của mình. Huỳnh Tịnh Của giải thích rằng: ”Thủ ngữ là chức quan giữ cửa biển, đồn thủ tại cửa biển.”

Học giả Vương Hồng Sển giải thích :”Thủ ngữ, tấn thủ: chức quan giữ cửa biển, đồn thủ tại cửa biển.”

Sơn Nam:”Thủ là chăm sóc, giữ gìn, còn có nghĩa một đồn binh, đồn tuần tra.”

Trong quan chế chúa Nguyễn và nhà Nguyễn xưa có một chức danh là quan “Thủ ngự” và thường do một cai cơ đứng đầu.

Thủ ngự có hai nghĩa:

– Chức quan võ phụ trách canh giữ biên giới

– Chức quan trông coi một thủ, nhỏ hơn tuần ty, giữ việc thâu thuế

Biên giới thì có đường biển,đường sông.Một ông cai cơ sẽ mang chức “Thủ ngự ” tại cửa sông và cửa biển.

Thủ Chiến Sai ở An Giang nằm trên bờ sông Vàm Nao.Thủ là thủ ngự,Chiến Sai là vùng đất cái đồn tọa lạc,Chiến Sai tên gốc tên Khmer là Kiên Svai, có nghĩa là chòm cây xoài.

Thủ Thừa là ông thủ ngự tên Mai Tự Thừa.Thành ra ở huyện Thủ Thừa tỉnh Long An có tên đường,tên trường học là “Thủ khoa Thừa” là sai be bét ý nghĩa.

Thủ Thiêm cũng vậy luôn.

Và có lẽ Thủ Đức cũng theo logic này.

Thủ Ngữ là một cái cột cờ ở Sài Gòn.

Đèn nào cao bằng đèn Thủ Ngữ

Gió nào dữ bằng gió Ðồng Nai

Trai nào khôn bằng trai Cao Lãnh

Gái nào bảnh bằng gái Ba Tri

3/ Rốt cuộc viết về Thủ Thiêm thì nói làm sao đây?

Vấn đề “khu đô thị mới Thủ Thêm” không giải quyết trọn vẹn chí ít tới hiện tại. Là vì quyền lợi người dân vẫn không thống nhứt với lợi ich của “khu đô thị mới Thủ Thiêm.”

Đất Nam Kỳ có “ma” đó.

Lịch sử Miền Nam không có lũy tre, không có cổng làng, không có cụ tiên chỉ, ông lý trưởng nện ba toong vô đầu dân làng, không có cảnh quan làng ép dân quỳ mọp, nửa đêm tụt quần chị Dậu.

Miền Nam không có đơn vị kinh tế biệt lập nên những giá tri xã hội, tôn giáo, phong tục đều cũng khác biệt, thông thoáng, thực tiễn và mở rộng.

Nam Kỳ có một nền văn hóa thoáng đãng,open hoàn toàn.

Người Nam không giáo điều trên miệng đọc tè le kiểu đầu môi chót lưỡi những thứ giáo điều, lề luật nằm trong máu, là luật bất thành văn. Bỏ thứ luân lý cầu lợi cho bản thân, bỏ thói giả hình, bề ngoài thơn thớt.

Nếu có luân lý thì đó là thứ luân lý khi thấy hoạn nạn thì tương cứu, đùm bọc, sống chết có nhau.

Tánh nết người dân cương trực, biểu có là có, biểu không là không. Miền Nam trọng cái đạo lý giang hồ, trọng nghĩa khí, lấy chữ tín làm đầu, biết khinh miệt bọn lòng lang dạ sói.

Miền Nam tôn trọng con người nên không có những Thị Nở, Chị Dậu và Chí Phèo dựa trên một xã hội độc đoán, phi nhân và tàn bạo.

Đất Thủ Thiêm tốt thiệt,đất vàng, đất phong thủy. Nhưng phong thủy tốt nhứt là ở con người, ở cái tâm, cái lòng sáng, sự tin tưởng của mọi người dân. Không có tâm sẽ không có gì hết.

Con người muốn là được, bỏ cái phong thủy hão huyền đó đi.

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Sài Gòn: Tết này ‘ai ở đâu ở yên đó’

Phan Thanh Hung

VNTB – Vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm: Vì sao không giải quyết qua tố tụng tòa án?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn bao dung: Những bọc sách vô tình

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo