Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thư viện Trung Quốc thanh trừng sách có nội dung xa lý thuyết Cộng sản

Sách bị cấm

Phạm Đình Bá sưu tập và lược dịch 

(VNTB) – Các sách bị loại bỏ đang được thay thế bằng sách mới  theo chỉ thị của Bộ Giáo dục như  “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và kỷ nguyên mới”, những bài thơ của Mao Trạch Đông và “Túp lều của bác Tom”, tiểu thuyết nổi tiếng thế kỷ 19 về chế độ nô lệ ở Mỹ.

 

Tóm lược: 

Tập Cận Bình đã lãnh đạo một chiến dịch củng cố Đảng Cộng sản Trung Quốc và tái khẳng định ý thức hệ Cộng sản. Năm 2013, Đảng đã ban hành một chỉ thị về bảy hiểm họa ý thức hệ từ phương Tây mà theo quan điểm của đảng đang gây nguy hiểm cho xã hội Trung Quốc. Đảng cũng lo sợ là các ý niệm như “giá trị phổ quát”, “chủ nghĩa hợp hiến”, “xã hội dân sự” và “chính trị dân chủ” đã trở nên phổ biến và được tranh luận rộng rãi ở lục địa. Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ thị vào tháng 10 năm 2019 cho các trường tiểu học và trung học loại bỏ khỏi thư viện các sách “bất hợp pháp” và “không phù hợp”. Giáo viên đã gỡ bỏ các sách này ra khỏi các trường học tại ít nhất 30 trong số 33 tỉnh và thành phố ở đại lục. Cho đến nay, ước tính hàng trăm ngàn sách đã bị loại bỏ. Chiến dich này thể hiện phần nào quan điểm của đảng là các cuộc biểu tình quyết liệt ở Hồng Kông là vì thiếu “giáo dục yêu nước” ở thành phố này. 

Cái gì mới từ bài này?

Những phát hiện chính:

  • Chính sách loại bỏ sách với nội dung không phù hợp với lý thuyết Cộng sản hiện nay sao chép lại chiến dịch “đốt sách” từ thời Mao Trạch Đông và chiến dịch “đốt sách chôn sống học giả” dưới thời bạo chúa Tần Thủy Hoàng.   
  • Đây là phong trào đầu tiên và rộng lớn nhắm vào các thư viện kể từ Cách mạng Văn hóa của thời Mao Trạch Đông.
  • Tập Cận Bình đã gia tăng kiểm soát của đảng trong giáo dục, từ đại học vào khoảng năm 2017, đến trung và tiểu học qua chiến dịch kiểm duyệt sách hiện nay.

Điều nào thêm vào những gì được biết:

  • Đảng xem giáo dục là công cụ để uốn nắn đầu óc của thế hệ trẻ để duy trì quyền lực của lãnh đạo.
  • Cách giáo dục này không chắc là phù hợp với kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức, một nền kinh tế trong đó tăng trưởng phụ thuộc vào số lượng, chất lượng và khả năng tiếp cận thông tin rộng rãi và cởi mỡ, thay vì các phương tiện sản xuất.
  • Sau hơn 30 năm với chính sách cải cách và cởi mở với thế giới dưới sự lãnh đạo và ảnh hưởng của Đặng Tiểu Bình, không rõ liệu loại hình giáo dục mà Tập Cận Bình áp đặt sẽ thành công trong việc hiện đại hóa Trung Quốc.

Gợi ý cho bạn đọc

  • Đảng Cộng sản có đủ tự tin để chuyển đổi Trung Quốc từ một nước với thu nhập trung bình để trở thành một nước với nền kinh tế tân tiến và tri thức cũng như một nền kinh tế với thu nhập cao không? 
  • Sự thất bại của đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian chuyển đổi này có hệ lụy gì cho hệ thống chính trị hiện tại ở Việt Nam?

 

Nhiệm vụ đầu tiên khi các trường học ở Trung Quốc mở cửa lại sau đại dịch là một chiến dịch toàn quốc để loại bỏ những cuốn sách không được coi là phù hợp với hệ tư tưởng Cộng sản, làm sâu sắc thêm thúc đẩy của Chủ tịch Tập Cận Bình để nâng cao lòng “yêu nước” và tinh khiết hóa tư tưởng trong hệ thống giáo dục, theo một bài báo của Reuters (1).

Một chỉ thị của Bộ Giáo dục vào tháng 10 năm 2019 đã kêu gọi các trường tiểu học và trung học loại bỏ khỏi thư viện các sách về những tác phẩm “bất hợp pháp” và “không phù hợp”. Giáo viên đã gỡ bỏ các sách này ra khỏi các trường học tại ít nhất 30 trong số 33 tỉnh và thành phố ở đại lục, theo các đánh giá của cơ quan thông tấn Reuters. Tin tức này được đúc kết từ các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, các tài liệu của trường học và chính quyền địa phương, và các cuộc phỏng vấn với giáo viên.

Từ phía tây tỉnh Cam Túc đến Thượng Hải, lượt duyệt các nguồn tin tức này cho thấy hàng trăm ngàn sách đã bị loại khỏi thư viện trong chiến dịch này.  

Kiểm duyệt ở Trung Quốc đã được tăng cường dưới thời Tập Cận Bình, nhưng các nhà phân tích nói rằng đây là chiến dịch quốc gia đầu tiên nhắm vào các thư viện trong nhiều thập kỷ. Nó xuất hiện khi các nhân viên chính phủ ở Hồng Kông đầu tháng 7 năm 2020 đã gỡ bỏ sách của các nhà hoạt động dân chủ khỏi các thư viện công cộng để kiểm tra xem liệu họ có vi phạm luật an ninh quốc gia mới hay không.

“Đây là phong trào đầu tiên nhắm vào các thư viện kể từ Cách mạng Văn hóa”, Wu Qiang, một nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Bắc Kinh và cựu giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa nói. Vào cuối những năm 1960, những thanh thiếu niên nhiệt thành do Mao Trạch Đông điều hành đã thực hiện một chiến dịch toàn quốc nhắm vào các thư viện và phá hủy hoặc đốt cháy những gì họ có thể có trong tay, như một phần của sự hủy diệt văn hóa truyền thống.

Chiến dịch hiện nay có nhiều lựa chọn hơn, và được chỉ đạo từ đầu, với các trường đặt các nhóm giáo viên phụ trách việc kiểm tra. Những cuốn sách bị xóa chủ yếu là những sách cũ hoặc sách lậu, nhưng chiến dịch cũng đặt trọng tâm để hủy hoại sách mà trên nguyên tắc là hợp pháp, nhưng có nội dung nhạy cảm với chính sách của lãnh đạo hiện nay.  

Chỉ thị của Bộ không liệt kê sách cụ thể, nhưng cho biết những cuốn sách “bất hợp pháp” là những cuốn sách “gây tổn hại cho sự thống nhất của đất nước, chủ quyền hoặc lãnh thổ”; những cuốn sách “làm đảo lộn trật tự xã hội và gây tổn hại cho sự ổn định xã hội”; những cuốn sách “vi phạm qui định của Đảng, bôi nhọ lãnh đạo và anh hùng của đất nước.”

Những cuốn sách “không phù hợp” là “không phù hợp với các giá trị cốt lõi của xã hội chủ nghĩa, có quan điểm lệch lạc về thế giới, lệch lạc về quan điểm sống và giá trị” hoặc là những cuốn sách “thúc đẩy các học thuyết và giáo lý tôn giáo, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và phân biệt chủng tộc.”

Cả Bộ Giáo dục lẫn Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, đóng vai trò là người phát ngôn của chính quyền trung ương, đều từ chối trả lời các yêu cầu bình luận từ Reuters.

Một giáo viên ở khu vực nông thôn nói với Reuters rằng trường trung học của ông đã loại bỏ những cuốn sách truyện tranh truyền thống, phổ biến ở Trung Quốc cho đến những năm 1990; sách về Kitô giáo; sách về Phật giáo; và đáng chú ý là các tác phẩm “Trại súc vật” và “1984” – tiểu thuyết kinh điển của George Orwell về chủ nghĩa độc đoán đã lưu hành ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.

Giáo viên, tiết lộ với điều kiện giấu tên, cho biết một nhóm nhân viên dẫn đầu bởi một nhân viên thư viên đã ở lại sau giờ làm việc vào cuối tháng 4 để kiểm tra và gỡ bỏ sách.

Mỗi đêm trong các phiên lên đến năm hoặc sáu giờ trong bảy ngày, họ lướt qua hàng ngàn cuốn sách để chọn khoảng 100 cuốn sách thích ứng với các hướng dẫn do chính quyền địa phương ban hành và loại bỏ các sách này. Sau đó nhóm này lập bản báo cáo về việc làm của ho.  

“Tất nhiên, những cuốn sách này, học sinh không thực sự dùng,” giáo viên nói. “Vì vậy, nếu chúng tôi phải loại bỏ một số, chúng tôi sẽ bắt đầu với các cuốn sách này.”

Một số trường học và các quận đã dùng các phương tiện truyền thông xã hội như Weibo, giống như mạng Twitter ở Trung Quốc dưới sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền, để thông báo sự tham gia của họ vào chương trình kiểm duyệt sách thư viện.

“Kiểm tra sách và loại bỏ sách bất hợp pháp và không phù hợp là công việc tỉ mỉ nhưng tẻ nhạt, gánh vác trách nhiệm nặng nề của việc ‘tưới hoa cho quê hương’”, một bài đăng trên Weibo vào tháng 5 của trường Xianlai ở tỉnh Giang Tây, phía trên bức ảnh một người phụ nữ mặc váy hoa đang kiểm tra sách trên kệ.

“Trường học của chúng tôi đã có những hành động cụ thể để uốn nắn thanh niên có đạo đức, và đã nâng chất lượng sách thư viện của chúng tôi lên một bước nữa.”

Hiệu trưởng trường Xianlai không trả lời điện thoại từ Reuters. Số điện thoại của trường không được công khai ở Trung Quốc.

Reuters đã cố gắng gọi hơn 100 trường học khác trên cả nước để hỏi về chiến dịch kiểm duyệt sách thư viện; 44 trường có số điện thoại đã hoạt động. Trong số 44 trường này, nhân viên từ 23 trường từ chối bình luận hoặc gác máy. Không có phản hồi từ 21 trường còn lại.

Không rõ làm thế nào các cuốn sách đã bị loại bỏ sẽ được xử lý, giáo viên nói. Cho đến nay, chúng đã được niêm phong và đưa vào lưu trữ tại chỗ.

Các sách bị loại bỏ đang được thay thế bằng các cuốn sách mới từ một danh sách dài 422 trang được xuất bản theo chỉ thị của Bộ Giáo dục. Gợi ý bao gồm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và kỷ nguyên mới”, những bài thơ của Mao Trạch Đông và “Cabin của chú Tom”, tiểu thuyết nổi tiếng thế kỷ 19 về chế độ nô lệ ở Mỹ.

Kiểm duyệt ở Trung Quốc thay đổi liên tục. Một trong những cuốn sách trong danh sách được phê duyệt là “Winnie the Pooh”, tác phẩm kinh điển của trẻ em về một cậu bé và chú gấu bông của mình. Trước đây, các bài đăng trực tuyến chỉ ra rằng ngoại hình mập mạp của Pooh giống với dáng dấp với Chủ tịch Tập Cận Bình. Các bài nầy đã bị kiểm duyệt. Năm 2018, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của công ty Walt Disney cho phép chiếu một bộ phim về Winnie the Pooh.

 

Hiểm họa của ý thức hệ chính trị

 

Tập Cận Bình, người lên nắm quyền năm 2012, đã lãnh đạo một chiến dịch củng cố Đảng Cộng sản Trung Quốc và tái khẳng định ý thức hệ Cộng sản. Năm 2013, Đảng đã ban hành một chỉ thị được gọi là “Văn bản số 9”, chỉ thị về bảy hiểm họa ý thức hệ từ phương Tây mà theo quan điểm của đảng đang gây nguy hiểm cho xã hội Trung Quốc (2). Các hiểm họa này có thể tóm gọn như sau.

  1. Thúc đẩy dân chủ lập hiến phương Tây: Một nỗ lực làm suy yếu sự lãnh đạo hiện tại và chủ nghĩa xã hội với hệ thống quản trị đặc trưng của Trung Quốc. Vì sao đảng lại lo ngại về vấn đề nấy? Trái với cơ chế hiện nay ở Trung Quốc, một chính phủ dân chủ làm việc dựa vào hiến pháp. Trong đó, tất cả những ai muốn có tiếng nói về một quyết định mà tất cả mọi người cùng chia sẻ sẽ được lắng nghe.
  2. Thúc đẩy các “giá trị phổ quát” trong nỗ lực làm suy yếu nền tảng lý thuyết của ban lãnh đạo Đảng. Các giá trị phổ quát mà đảng lo sợ bao gồm các giá trị được công nhận gần như toàn cầu, bao gồm hòa bình, tự do, tiến bộ xã hội, quyền bình đẳng và phẩm giá con người, được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và trong Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người.
  3. Thúc đẩy xã hội dân sự trong một nỗ lực để phá hủy nền tảng xã hội của đảng cầm quyền. Đảng lo sợ về những tổ chức nào? Thí dụ về xã hội dân sự có thể bao gồm các nhóm cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức lao động, các nhóm địa phương, các tổ chức từ thiện, các tổ chức dựa trên đức tin, và các hiệp hội chuyên nghiệp, cùng nhiều tổ chức mà đảng và chính phủ không kiểm soát được.
  4. Thúc đẩy trường phái tự do mới (neoliberalism), cố gắng thay đổi hệ thống kinh tế cơ bản Trung Quốc. Tại sao đảng lo sợ về trường phái này? Bởi vì trường phái này được đặc trưng bởi thị trường thương mại tự do, giảm bỏ quy luật trong việc quản lý thị trường tài chính, một nền văn hóa đặt nặng giá trị vào cá nhân và sự giàu có, và giảm đi vai trò của nhà nước trong đời sống và xã hội. Có thể điểm đặc biệt mà đảng lo ngại là trường phái này nhấn mạnh vào việc rời khỏi một nền kinh tế quản lý tập trung.
  5. Thúc đẩy ý tưởng báo chí tự do phương Tây, thách thức nguyên tắc của Trung Quốc về hệ thống truyền thông và xuất bản phải tuân theo kỷ luật của Đảng.
  6. Thúc đẩy chủ nghĩa hư vô lịch sử, cố gắng làm suy yếu lịch sử của đảng Cộng sản và của Trung Quốc trong thời đại mới.
  7. Đặt câu hỏi về cải cách, mở cửa và bản chất xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Đảng muốn cấm các hiểm họa và ý niệm ở trên bởi vì theo quan điểm của đảng, chúng đã trở nên phổ biến và được tranh luận rộng rãi ở Trung Quốc.

Tại hội nghị thượng đỉnh quốc gia về giáo dục năm 2018, Tập Cận Bình đã nói về những thách thức đối với giáo dục trong nước và đưa ra 9 nghị quyết để giải quyết chúng.

Đầu tiên, theo một bản tóm tắt bài phát biểu của Tập được công bố trên một tạp chí của Đảng, Tập nói rằng đất nước nên “hiểu sâu sắc và tăng cường yêu cầu cơ bản cho toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng trong giáo dục.”

Ban đầu, các trường đại học là trọng tâm: Từ năm 2017, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã được giao nhiệm vụ đặt hệ tư tưởng của Tập Cận Bình, mà hắn đã đặt tên là “Tư tưởng Tập Cận Bình”, vào cốt lõi của chương trình giảng dạy ở đại học và chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các trường đại học để bắt đầu các trung tâm nghiên cứu về tư tưởng Tập Cận Bình.

Sau đó, trọng điểm này được mở rộng đến tâm trí của lớp trẻ hơn. Năm 2018, chính phủ đã phát động một chiến dịch nhằm loại bỏ nội dung cho là bị ảnh hưởng nước ngoài mà đảng không chấp thuận khỏi sách giáo khoa được sử dụng trong chín năm đầu tiên trong giáo dục bắt buộc.

Theo chỉ thị của Bộ Giáo dục, ba loại sách mà trường phải loại bỏ gôm: sách bất hợp pháp, sách không phù hợp và sách có ngoại hình kém hoặc không có giá trị.

Chỉ thị cũng kêu gọi các trường hoàn thiện một cơ chế quản lý danh mục của thư viện để bất kỳ cuốn sách đến nào cũng được kiểm tra. Nếu một vấn đề phát sinh, cả người giới thiệu cuốn sách cho học sinh và người quyết định sử dụng nó phải chịu trách nhiệm, chỉ thị nêu rõ. 

“Tranh đấu để uốn nắn bộ não của giới trẻ là một trong những điều quan trọng nhất đối với Đảng”, Wu Qiang, nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh nói.

Những người biểu tình trẻ tuổi ở Hồng Kông năm 2019 đã chỉ ra lý do tại sao Đảng quyết tâm kiểm soát chặt chẽ việc giáo dục giới trẻ.

Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản, đã nói rằng nền giáo dục của Hồng Kông bị “đầu độc”. Truyền thông nhà nước đã điều hành nhiều bài xã luận trong những tháng gần đây tấn công truyền thống giáo dục công dân của Hồng Kông. Theo Sun Peidong, giáo sư của Đại học Fudan Thượng Hải, đảng nghĩ: “các cuộc biểu tình đó lại diễn ra kiên quyết như vậy là vì thiếu giáo dục yêu nước ở Hồng Kông.”

Đốt sách

Tỉnh Cam Túc phía tây là một trong những nơi đầu tiên loại bỏ sách vi phạm chỉ thị của đảng.

Vào tháng 12, một bức ảnh hai người phụ nữ đang đốt sách trước một thư viện ở Zhenyuan, một quận nhỏ của Cam Túc, đã lan truyền trên mạng. Việc đốt sách kích động một luồng chỉ trích công khai trên Weibo.

Một số bài viết cho biết Trung Quốc đã “đốt sách và chôn sống học giả Nho giáo”, một sắc lệnh được cho là của hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng, hơn 2.000 năm trước để phá hủy các tác phẩm mà vị vua tàn bạo này coi là nguy hiểm về mặt chính trị.

Cam Túc đã đưa ra một thông báo trên toàn tỉnh để bảo đảm việc tuân thủ theo chỉ thị của Bộ Giáo dục vào cuối tháng 10, nhưng Reuters không thể xác định liệu thư viện ở Zhenyua có phải là một phần của chiến dịch kiểm duyệt sách nhắm mục tiêu vào các trường học hay không. Chính quyền quận Zhenyua cho biết vào thời điểm đó bằng cách đốt sách, những người phụ nữ liên hệ đã không tuân thủ các quy định.

Các trường học đã không tự hào về việc đốt sách kể từ đó. Nhưng các trường học và chính quyền địa phương ở bốn khu vực đã công khai tuyên bố số sách họ đã xóa bỏ, tổng cộng hơn 60.000 cho mẫu nhỏ gồm bốn khu vực này, Reuters phát hiện.

Ví dụ:

Theo một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội của chính quyền địa phương, thành phố Anning ở phía tây nam tỉnh Vân Nam đã loại bỏ tổng cộng 16.365 tập sách, bao gồm 1.835 tập “không phù hợp” và 14,530 cuốn sách “có ngoại hình kém hoặc không có giá trị”.

Ở thành phố Zhoushan, gần Thượng Hải, 100 trường học đã thanh trừng 11.871 cuốn sách có “nội dung cũ và lỗi thời không phù hợp cho học sinh đọc, hoặc có ngoại hình kém và không có giá trị bảo quản”, theo tài liệu thông báo trong một tạp chí phát hành bởi chính quyền tỉnh.

Tại hạt Xixia, thuộc tỉnh miền trung Hà Nam, các trường học đã dọn sạch tổng cộng 6.000 cuốn sách “không phù hợp hoặc có hình thức bên ngoài kém” và 22.700 sách không có giá trị, truyền thông địa phương đưa tin.

Nhiều thư viện ở các trường học, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, là nhỏ và không có nhiều sách nhạy cảm, một giáo viên nói. Tuy nhiên, kệ của họ thường chứa đầy những cuốn sách cũ hoặc sách in lậu. Một số trong số sách này đã sắp rơi từng mảnh, một giáo viên ở tỉnh Cam Túc cho biết. Trường học của ông ở một ngôi làng nông thôn đã loại bỏ khoảng 80 tập sách. Sau khi hoàn thành công việc, ông nói, chúng tôi cất những cuốn sách bị kiểm duyệt vào kho.

Cách mạng Văn hóa

Mặc dù các tác phẩm “1984” và “Trại súc vật” đã bị xóa khỏi một trường nông thôn, các tác phẩm này vẫn có thể mua từ các cửa hàng và trực tuyến tại Trung Quốc.

Giáo viên ở trường nông thôn cũng nói rõ ràng rằng trong các sách bị loại bỏ cũng có những cuốn truyện hình truyền thống từ thời Cách mạng Văn hóa.   

Ở một giai đoạn, những cuốn truyện tranh từ thời kỳ đó bị chỉ trích chính trị, nhắm vào những nhân vật như đối thủ của Mao và Khổng Tử, những tác phẩm mà Tập muốn mang lại vào chương trình giáo dục. Nhưng cuộc Cách mạng Văn hóa đã trở thành một chủ đề nhạy cảm hơn trong những năm gần đây.

Ví dụ, giáo sư Sun của Đại học Fudan, một chuyên gia về lịch sử của thời kỳ Cách mạng Văn hóa hiện đang sống ở Paris, cho biết cô đã phải đối mặt với sự kiểm duyệt ngày càng tăng kể từ năm 2015. Vào năm 2019, cô đã ngừng dạy lớp học lâu dài của mình về thời đại Cách mạng Văn hóa và rời khỏi khoa lịch sử của trường đại học.

Chính quyền “không muốn người dân thường của Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ Trung Quốc biết” về điều đó, Sun nói.

Khi Reuters liên lạc, người đứng đầu khoa lịch sử của đại học nói rằng giáo sư Sun đã tình nguyện lựa chọn việc từ chức, với lý do cá nhân.

_________________

Nguồn: 

  1. Huizhong Wu. In echo of Mao era, China’s schools in book-cleansing drive. Thursday, July 09, 2020 by Thomson Reuters. Edited by Sara Ledwith. https://wkzo.com/news/articles/2020/jul/09/in-echo-of-mao-era-chinas-schools-in-book-cleansing-drive/1037767/?refer-section=national
  2. Document 9: A ChinaFile Translation. How Much Is a Hardline Party Directive Shaping China’s Current Political Climate? November 8, 2013. https://www.chinafile.com/document-9-chinafile-translation

 

 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cách làm việc trạm xăng cục gạch và đổi thay

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Thư số 135: gởi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Đảng có chết yểu không?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.