Châu Nam Việt
(VNTB) – Thực phẩm cứu trợ hết hạn sử dụng, tự chế biến, tự hút chân không, hay không được bảo quản đúng dễ gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng
Mỗi lần xảy ra thiên tai như lũ lụt cũng là lúc tình đồng bào của người Việt được thể hiện rõ ràng nhất. Cứ đi ra quốc lộ là thấy những chuyến xe cứu trợ từ khắp các tỉnh thành phía Nam chuyển thẳng ra miền Trung để chung tay hỗ trợ người dân gặp nạn. Vậy mới thấy người Việt lúc hoạn nạn thì yêu thương đùm bọc nhau vô cùng.
Những chuyến xe ra Bắc lúc này không chỉ là mì gói, nước sạch, sách vở…, mà còn những thứ phải tự tay người dân làm ra. Ở Thanh Hoá, Nghệ An, những nơi cũng thường xuyên gặp bão lũ, người dân làm hàng chục ngàn cái bánh chưng gửi ra Yên Bái, Tuyên Quang vừa trải qua cơn bão Yagi.
Ở trong miền Nam, chị em bày nhau hút chân không gửi bánh mỳ, chà bông, cả bánh chưng bánh tét ra ngoài Bắc. Người dân còn cùng lập nhóm thu gom quần áo cũ gửi tặng những người dân bị cuốn trôi tài sản ở trung du Bắc Bộ.
Nhưng không phải mọi món hàng cứu trợ đều có thể sử dụng được. Một video trên facebook cho thấy người dân phải đào hố để chôn bánh chưng hư. Cái hố lớn, sâu gần 2 mét, có lẽ sẽ còn chôn thêm nhiều bánh và thực phẩm hư khác nữa. Bánh chưng, bánh tét khi vận chuyển một đoạn đường xa, mất nhiều thời gian bị hư là điều không tránh khỏi. Nên không phải cứ có tâm, gói bánh là sẽ đến được tay người dân gặp nạn.
Dẫu sao thì thực phẩm hư được phát hiện sớm cũng đỡ hơn không biết mà ăn để bị ngộ độc. Nhưng thực phẩm hút chân không cũng chưa chắc là tốt. Một số loại thực phẩm tự chế biến rồi được hút chân không để kéo dài thời gian sử dụng thì lại dễ sinh vi khuẩn kị khí có tên là clostridium botulinum. Đây là loại vi khuẩn sinh trưởng trong môi trường thiếu không khí rất nguy hiểm.
Bào tử vi khuẩn này có thể sống trong nhiều năm trong thực phẩm, nhưng không gây nguy hiểm trong môi trường bình thường. Tuy nhiên, khi thức ăn được hút chân không thì lại là môi trường ký tưởng để vi khuẩn được kích hoạt trở lại. Trong điều kiện yếm khí, chúng sẽ tiết ra chất độc thần kinh gây nguy hiểm chết người, dù chỉ là một lượng siêu nhỏ.
Trung bình 12-36 giờ (có thể vài ngày) sau khi ăn phải các loại thức ăn bị nhiễm vi khuẩn này, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc botulinum dẫn tới các triệu chứng như đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân, sau cùng là khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Loại ngộ độc này không dễ điều trị. Hiện loại thuốc duy nhất sử dụng giải độc cho bệnh nhân ngộ độc độc tố botulinum là antitoxin botulinum, giá rất đắt đỏ, loại mua từ Thái Lan tới 8.000 USD/lọ. (2)
Năm 2020 đã có hàng chục người bị ngộ độc clostridium botulinum do ăn phải pate Minh Chay. Và bệnh viện không có thuốc điều trị, chính phủ Việt Nam phải liên hệ chính phủ Thái Lan để mua được 2 lọ về điều trị cho bệnh nhân. Nhưng thuốc cũng chỉ có tác dụng tốt nhất trong vòng 7 ngày sau khi nhiễm độc.
Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo người dân không cứu trợ bằng việc tự ý hút chân không thực phẩm. Vì việc này sẽ gây cảm giác rằng thực phẩm nhìn có vẻ còn tươi, nhưng vi khuẩn độc hại phát triển bên trong rất nhiều.
Ngoài ra, một số loại thực phẩm tự làm cũng không có ghi ngày sản xuất, khi gửi đi cứu trợ cũng có thể gây ngộ độc nếu bị quá hạn sử dụng, lên mốc. Trong điều kiện ngập lụt, thuốc men không có sẵn, các trung tâm y tế bị cô lập do lũ lụt, điều kiện đi lại khó khăn, người dân bị ngộ độc thì sẽ rất khó được cứu chữa kịp thời.
Tấm lòng tương trợ lúc nguy cấp là vô cùng đáng quý, nhưng nếu làm không đúng cách thì lại gây nguy hiểm thêm, hoặc lãng phí nguồn lực và vật chất, tài sản. Người dân, mạnh thường quân, thiện nguyện viên cần nghiên cứu kỹ để có cách làm hiệu quả, có thể cứu trợ kịp thời, đúng cách, đúng người, đúng nơi!
________________
Tham khảo:
(1) https://www.facebook.com/share/r/T4MQEsnTfbFNPmnn/?mibextid=UalRPS
(2) https://tuoitre.vn/vu-ngo-doc-pate-minh-chay-vi-sao-dieu-tri-kho-khan-20200907205356942.htm