VNTB – Thực trạng “mua, bán người” có dễ ngăn chặn?

VNTB – Thực trạng “mua, bán người” có dễ ngăn chặn?

Hồng Dân

 

(VNTB) – “Xuất khẩu lao động” cũng là một phương thức của “mua, bán người” tại Việt Nam.

 

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ ra Báo cáo năm 2023 về tình hình mua bán người trên thế giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người.

Muôn mặt buôn người

Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam nhìn nhận về thực trạng đất nước lúc này là, “nạn nhân của tội phạm mua bán người không chỉ tập trung vào phụ nữ, trẻ em như trước đây mà đã có nhiều nam giới trong độ tuổi lao động, do hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật còn thấp, bị các đối tượng phạm tội lợi dụng đưa sang nước ngoài bóc lột lao động”.

Theo cơ quan tư pháp của Quốc hội, thì “nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, thường núp dưới các hình thức vỏ bọc hợp pháp như xuất cảnh du lịch, xuất khẩu lao động, kết hôn có yếu tố nước ngoài… nên rất khó ngăn chặn, phát hiện” nạn buôn người ở Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Công an cho biết, trong 5 năm (giai đoạn 1-1-2018 đến 31-12-2022), trên cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, trong đó xử lý hình sự 386 vụ với 808 đối tượng.

Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng đã khởi tố và chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền 54 vụ với 68 đối tượng. Đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, xảy ra ở hầu hết các địa phương, trong đó tập trung ở một số tỉnh có đường biên giới với các nước láng giềng, nhất là ở vùng núi phía Bắc.

Nếu như trong giai đoạn trước đây, từ 2012 – 2020, mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ); trong thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước (riêng năm 2022, số vụ mua bán trong nước chiếm trên 45% tổng số vụ).

“Việc nhẹ lương cao” và có yếu tố Trung Quốc

“Mua bán người ở trong nước”, được Bộ Công an ghi nhận là phổ biến qua chiêu thức “việc nhẹ lương cao”.

Trích báo cáo về một trường hợp được giải cứu từ hồ sơ của Bộ Công an. Vụ việc có liên quan đến yếu tố ‘người Trung Quốc’:

“Sau khi được lực lượng lượng chức năng giải cứu đưa trở về Việt Nam, ngày 22-9-2022 ông Nông Văn T. (sinh năm 1992), trú tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đắk Nông trình báo và tố cáo hành vi lừa đảo của các đối tượng.

Theo tường trình của ông Nông Văn T., đầu tháng 3 năm 2022, ông lên mạng xã hội tìm kiếm việc làm thì được 1 tài khoản Facebook giới thiệu, hướng dẫn làm việc liên quan đến máy tính của một Công ty tại Campuchia với mức lương từ 800 đến 1.000 USD/tháng.

Ngày 16-3-2022, ông T. làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia (mọi chi phí do Công ty bên Campuchia chi trả). Khi đến thủ đô Phnôm Pênh, ông T. được các đối tượng đưa đến làm việc tại 1 công ty do người Trung Quốc quản lý và điều hành với nhiệm vụ hàng ngày là tư vấn, thu hút người chơi game, đánh bạc trực tuyến và các app kinh doanh hẹn hò, kinh doanh, buôn bán với hình thức lừa đảo người tham gia ở nhiều nước khác nhau, trong đó có Việt Nam…

“Sang bên đó, tôi và nhiều người khác bị ép buộc làm việc nhưng không được trả lương và bị đánh đập. Làm việc được 1 tháng thì tôi bị công ty bán sang 1 công ty khác (hình thức kinh doanh tương tự).

Trước khi bán công ty thông báo, nếu ai muốn về Việt Nam thì liên hệ gia đình đưa cho chúng khoảng 200 triệu đồng để chuộc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền chuộc nên tôi đã ở lại làm việc cho công ty mới.

Đến tháng 5-2022 không chịu được cảnh làm việc cơ cực, bị đe dọa, đánh đập nên thông qua mạng xã hội, tôi đã nhờ các lực lượng chức năng của Campuchia và Việt Nam đến giải cứu cùng với 4 người khác. Được may mắn trở về quê hương tôi thật sự rất hạnh phúc và mong mọi người hãy cảnh giác đừng nghe, đừng tin theo những chiêu trò dụ dỗ, lừa đảo của kẻ xấu….”. Ông Nông Văn T. viết tường trình có đoạn như vậy.

“Độ trễ” của pháp luật Việt Nam

Đánh giá thực trạng trên từ góc nhìn xử trí bằng các quan hệ pháp luật, từ một hội luận quanh vấn đề buôn người này của nhóm thân hữu trang Việt Nam Thời Báo ở hôm mừng sinh nhật tuổi lên 9 của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, ý kiến chung là pháp luật hiện hành còn một số quy định chưa tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Đơn cử như định nghĩa về hành vi “mua bán người” giữa Điều 3 Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hiệp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, và Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) còn khác biệt dẫn đến nhiều trường hợp phía nước ngoài xem là nạn nhân bị mua bán (theo phán quyết của tòa án), nhưng theo pháp luật Việt Nam lại chưa đủ cơ sở xác định nạn nhân; ví dụ như trường hợp ngư dân Việt Nam bị phía Thái Lan xem là nạn nhân bị mua bán trên tàu cá.

Ngoài ra chế độ hỗ trợ nạn nhân chưa phù hợp với thực tiễn.

Việc hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân hiện nay mới chỉ được áp dụng trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, trong khi nhiều nạn nhân bị sang chấn về mặt tâm lý kéo dài, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp lời khai cho cơ quan chức năng hoặc sau khi trở về địa phương bị kỳ thị, xa lánh cũng rất cần được hỗ trợ tâm lý.

Việc hỗ trợ văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu chỉ áp dụng với nạn nhân thuộc hộ nghèo; mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu còn thấp chỉ có 1.000.000 đồng/người, không bảo đảm cho nạn nhân hòa nhập cộng đồng khi về địa phương; trong khi đó, trình tự, thủ tục nhận hỗ trợ chưa được quy định cụ thể trong luật nên áp dụng chưa thống nhất…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)