Ngọc Lan
(VNTB) – “Tiền nào thì của nấy”, không mấy liên quan đến chuyện thẩm định về chất lượng hàng hóa
Trung tuần tháng 9-2021, báo chí đồng loạt đưa tin Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký quyết định số 1547/QĐ-TT ngày 17-9-2021, về kinh phí để mua bổ sung 19.998.810 liều vắc xin ngừa Covid-19 BNT162 của Pfizer. Số tiền là hơn 2.652 tỉ đồng được lấy từ nguồn Quỹ vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam.
Hạ tuần tháng 9-2021, báo chí cho hay Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 29-9-2021 về bổ sung kinh phí mua và tiếp nhận 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc.
Số tiền được duyệt chi là 3.231,698 tỉ đồng để mua 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc. Khoản chi này được sử dụng 1.237 tỉ đồng từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế đã được Quốc hội đồng ý cho chuyển nguồn để mua vắc -xin phòng Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021 theo nghị quyết của Quốc hội. Kế tiếp là quyền sử dụng 1.994,698 tỉ đồng từ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam.
Cũng trong ngày cuối cùng của tháng 9-2021, Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký quyết định số 1644/QĐ-TTg về kinh phí mua, vận chuyển và tiếp nhận 5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất.
Tin tức cho biết, Bộ Tài chính sẽ xuất 742,62 tỉ đồng từ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để mua, vận chuyển và tiếp nhận 5 triệu liều vắc xin Abdala.
Giả dụ từ số tiền mua 5 triệu liều vắc xin Abdala, khái toán cho số lượng gấp 4 lần, tức 20 triệu liều vắc xin Abdala, khả năng số tiền xuất mua sẽ vào khoảng 2.970,48 tỉ đồng.
Lưu ý, nếu như 20 triệu liều vắc xin của của Pfizer hay của Vero Cell có thể chích được đủ liều cho 10 triệu người, thì quy định của vắc xin Abdala là để ‘đủ mũi’ theo quy định của nhà sản xuất, cần đến 3 liều, tức là để có 10 triệu người được chích cùng loại vắc xin Abdala, buộc phải nhập khẩu đủ 30 triệu liều Abdala. Khi đó tổng số tiền cho mua vắc xin này 4.455,72 tỷ đồng.
Vậy thì nếu lựa chọn vắc xin trên tiêu chí về giá cả, ‘tiền nào của nấy’, liệu có thể sắp theo thứ tự về vắc xin có giá đắt nhất mà chính phủ Việt Nam ký hợp đồng mua về chích cho dân chúng: Abdala – Vero Cell – Pfizer.
Hôm 26-9-2021, tờ báo Vietnamnet của Bộ Thông tin truyền thông có bài viết “Hiệu quả của vắc xin Moderna và Pfizer”. Bài báo nói rằng cho đến nay, khoảng 221 triệu liều vắc xin Pfizer đã được phân phối tại Mỹ, so với khoảng 150 triệu liều vắc xin Moderna. Trong nhiều nghiên cứu được công bố vài tuần qua, vắc xin Moderna có vẻ chống lại Covid-19 hiệu quả hơn vắc xin Pfizer sau khi chủng ngừa.
Vắc xin Pfizer và Moderna cùng dựa trên nền tảng mRNA. Trong các thử nghiệm lâm sàng ban đầu, cả hai có hiệu quả chống lại nhiễm Covid-19 có triệu chứng tương tự nhau: 95% đối với Pfizer và 94% đối với Moderna.
Còn về vắc xin Vero Cell, trang web của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cập nhật ngày 2-9-2021, cho biết như sau (chuyển Việt ngữ): Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược của WHO (Strategic Advisory Group of Experts – SAGE đã đánh giá kỹ lưỡng dữ liệu về chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vắc xin Vero Cell và đã khuyến nghị sử dụng vắc xin cho những người từ 18 tuổi trở lên.
Dữ liệu an toàn được giới hạn cho những người trên 60 tuổi (do số lượng nhỏ người tham gia thử nghiệm lâm sàng). Mặc dù không có sự khác biệt về hồ sơ an toàn của vắc xin ở người lớn tuổi so với nhóm tuổi trẻ hơn có thể được dự đoán, các quốc gia đang cân nhắc sử dụng vắc xin này ở những người trên 60 tuổi nên duy trì giám sát an toàn tích cực.
Một thử nghiệm lớn ở nhiều quốc gia ở Giai đoạn 3 đã chỉ ra rằng 2 liều Vero Cell, được sử dụng cách nhau 21 ngày, có hiệu quả chống lại nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng là 79% từ 14 ngày trở lên sau liều thứ hai. Hiệu quả của vắc xin đối với việc nhập viện là 79%.
Thử nghiệm không được thiết kế và cung cấp để chứng minh hiệu quả chống lại bệnh nặng ở những người mắc bệnh đi kèm, đang mang thai hoặc ở những người từ 60 tuổi trở lên. Phụ nữ không được đại diện trong thử nghiệm. Thời gian theo dõi trung bình có sẵn tại thời điểm xem xét bằng chứng là 112 ngày.
Hai thử nghiệm hiệu quả khác đang được tiến hành nhưng vẫn chưa có dữ liệu. Vắc xin Vero Cell vẫn chưa được đánh giá trong bối cảnh lưu hành rộng rãi các biến thể đáng lo ngại.
Hiện không có dữ liệu thực sự nào liên quan đến tác động của vắc xin Covid-19 Vero Cell đối với việc lây truyền SARS-CoV-2, loại vi rút gây bệnh Covid-19.
Còn về vắc xin Abdala thì cho đến nay phía Tổ chức Y tế Thế giới chưa phê duyệt cho sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.
Như vậy với những gì đang diễn ra ở Việt Nam, nếu ở đây không có nghi vấn của tham nhũng chính sách công trong duyệt mua vắc xin, thì rất có thể câu dặn dò của ông bà mình rằng “Tiền nào thì của nấy”, không mấy liên quan đến chuyện thẩm định về chất lượng hàng hóa.
2 comments
Việc nầy cần phải được giải thích rõ ràng,không hiểu nổi,tính toán thế nào mà vác tiền đi mua vaccine kém hơn về chất lượng mà giá lại cao hơn rối thật.
Cu gia tri hop dong nao cao thi gia tri ty le % la lon nhat, vay thoi. Luu y, Rieng voi cac nuoc phuong tay thi dung mo %. Cu the ma suy ra.