VNTB – Tiếng Việt: coi chừng nói hớ

VNTB – Tiếng Việt: coi chừng nói hớ

Vi Tiểu Bảo

 

(VNTB) – “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”.

 

Tuy ngôn ngữ Việt không phải thuộc nhóm ngôn ngữ được nhiều quốc gia khác sử dụng như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… song từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt cũng phong phú và đa dạng vô cùng. Chỉ cần đặt sai dấu phẩy, dấu chấm hoặc dùng một từ sai là nguyên một câu, nguyên một đoạn, thậm chí có thể cả một bài văn dẫn đến một nghĩa khác.

Một trong những ví dụ vui về vấn đề từ ngữ này mà ắt hẳn, chắc là nhiều người biết. Câu tuyên truyền: “Mỗi gia đình hai con vợ chồng hạnh phúc”. Đây là một tấm biển cổ động kế hoạch hóa gia đình.

Tuy nhiên, theo thông tin từ báo chí, cũng nội dung này, một bức ảnh ghi lại một tấm biển cổ động “lạ” ở Thái Bình đã lan truyền trong cộng đồng mạng Việt Nam với một tốc độ chóng mặt. Chỉ vì do thiếu dấu phẩy cùng cách ngắt dòng bất hợp lý, tấm biển đã bị nhiều người hiểu lầm thành: “Mỗi gia đình có hai con vợ. Chồng hạnh phúc”. Phía trên tấm biển là dòng chữ “Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư”.

Gần đây hơn, lại là câu chuyện về từ ngữ.

Trong một video đăng trên một trang Youtube của một tổ chức đảng phái ở nước ngoài, người phát biểu trước ống kính đã nói: “Năm 2020 chứng kiến nhóm Xã Hội Dân Sự cuối cùng ở Việt nam đã hoàn toàn tan rã. Đó là Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam của nhà báo Phạm Chí Dũng”.

Tin tức về ông chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là Phạm Chí Dũng bị bắt là điều được đăng không chỉ trên các trang mạng xã hội, mà còn ở các tờ báo trong nước và nhiều kênh truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc tổ chức nghề nghiệp, sân chơi báo chí của nhiều cây bút từ tập sự đến chuyên nghiệp trên trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị tan rã.

“Theo tôi được biết thì ban lãnh đạo hội vẫn còn hoạt động là ông Nguyễn Thiện Nhân và ông JB Nguyễn Hữu Vinh. Ngoài ra chưa có tuyên bố nào về việc giải tán hội thì làm sao có thể nói là hội hoàn toàn tan rã?”, một hội viên của Hội Nhà báo Độc lập bức xúc.

Định nghĩa theo Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, “tan rã” là bị rời ra từng mảng, không còn là một khối có tổ chức, có lực lượng nữa – ví dụ “hàng ngũ tan rã”…

Có thể nói, đúng là có “3 cây bút” của Hội đã bị bắt. Song, vẫn còn đó hội viên mới gia nhập, các thành viên khác của Hội ở nước ngoài cũng tích cực đóng góp bài vở – đặc biệt một biếm sĩ sống ngay tại Sài Gòn vẫn đều đặn cộng tác suốt từ đó đến nay mà không ngại chi chuyện đe dọa bắt bớ.

Với tình hình như vậy, liệu chăng hai chữ “tan rã” ở đây có hoàn toàn là chính xác, hay lại là một cách tung hỏa mù quen thuộc của lực lượng dư luận viên?

“Tôi không phải là người tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ hay nghiên cứu sinh về ngôn ngữ, nhưng tôi thấy tiếng Việt phong phú, đa dạng lắm. Chỉ như một tính từ ‘xanh’, tiếng Việt mình phân thành nhiều nhóm từ nhỏ như xanh ngắt, xanh đậm, xanh nhạt, xanh xao….

Cho nên, từ ngữ phong phú như vậy, sử dụng từ ngữ càng phải chú ý hơn, nhất là đối với những người có tiếng, được không ít người biết đến. Và đặc biệt là khi người có tiếng đó nói về một tổ chức nghề nghiệp; nói về các phóng viên, nhà báo – nên cần thận trọng hơn về vấn đề sử dụng từ ngữ”, ông Triều An, một học giả sinh sống ở Sài Gòn chia sẻ quan điểm.

“Bởi tiếng Việt phong phú, nhiều hàm nghĩa nên ông bà xưa mới truyền dạy lại với con cháu rằng nên uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, ông An nói tiếp.

Nếu như trong vụ việc VTV gọi hàng rong Sài Gòn là sống ký sinh, ký sinh trùng, nhiều ý kiến cho rằng nên truy vấn đề trách nhiệm không chỉ ở phát thanh viên, mà còn là trách nhiệm của biên tập viên, kỹ thuật viên. Vậy thì ở phát biểu nói trên, phải chăng đó không chỉ là do ở người phát biểu ý kiến mà đó còn là trách nhiệm của kỹ thuật viên dựng video và cả biên tập viên trang Youtube của tổ chức đã đăng video lên?

Ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm? Ai sẽ nói câu xin lỗi, đính chính lại? Hay rồi cũng sẽ dùng cách hành xử như nhà đài VTV: im lặng?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)