Ngọc Lan
(VNTB) – Hơn 600 ca nhiễm, Hải Dương có chậm ‘đóng cửa’ khi chống dịch Covid-19?
“Đến ngày 15-2, khi dịch đã xuất hiện 8/12 huyện, thị, thành phố của tỉnh thì chúng tôi quyết định giãn cách xã hội toàn tỉnh, đây là quyết định phù hợp và không muộn. Tất cả động thái khi triển khai tỉnh đều xin ý kiến của Ban Chỉ đạo trung ương, Bộ Y tế và đoàn công tác để đưa ra quyết định phù hợp” – Ông Phạm Xuân Thăng – bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, cho biết như vậy.
Có không việc trì hoãn giãn cách toàn tỉnh?
Cũng theo ông Thăng, đối với những công nhân, người địa phương khác đang làm việc ở Hải Dương thì từ khi dịch bùng phát, tỉnh cũng đã yêu cầu họ ở lại ăn tết và đa số đều lựa chọn ở lại, không trở về quê.
Tỉnh Hải Dương giãn cách xã hội toàn tỉnh từ 0g ngày 16-2, đã triển khai 949 chốt kiểm soát gồm 29 chốt tỉnh, 108 chốt huyện và 812 chốt xã. Thời điểm đó, tỉnh phong tỏa 64 khu dân cư, 9 thôn, 2 xã và 2 huyện/ TP gồm Chí Linh và Cẩm Giàng.
Tuy nhiên tin về giãn cách được loan báo từ đầu giờ trưa ngày 15-2, nên có quỹ thời gian đủ để giúp cho những ai muốn rời Hải Dương kịp chuẩn bị hành trang và dễ dàng lựa chọn phương tiện thích hợp.
Có ý kiến lý giải chuyện bùng dịch ở Hải Dương như sau, xét về dịch tễ học mà ông Bí thư Phạm Xuân Thăng đã không chú ý đến ngay từ đầu, hoặc ông đã không thật sự quan tâm đến những tham vấn y tế dẫn tới việc trì hoãn ‘đóng cửa’ – đó là tuy dịch bệnh Covid-19 lây qua đường hô hấp, về nguyên tắc sẽ bùng phát mạnh mẽ ở các thành phố có mật độ dân số đông đúc, ít xảy ra ở nông thôn thưa thớt, nhưng điều này còn phụ thuộc vào thói quen tụ tập đám đông tại địa phương.
Diễn biến dịch Covid-19 trên toàn thế giới đều tuân theo quy luật là dịch hiếm hoi bùng phát ở những ngôi làng nông thôn.
Nhưng đợt dịch thứ sáu tại Việt Nam đã ngược lại, Sài Gòn vẫn đang an toàn, Hà Nội cũng tương tự đang trong tầm kiểm soát, trong khi Hải Dương chỉ kiểm soát được ổ dịch thành phố Chí Linh, còn lại các làng xã dù đã cách ly nhưng đang diễn biến vô cùng phức tạp.
Bác sĩ Trần Văn Phúc, bệnh viện Saint-Paul kiến giải: “Người Việt, nhất là ở nông thôn đám cưới thường được tổ chức vào dịp cuối năm. Cỗ bàn ba ngày.
Theo phong tục tập quán ở quê, đám cưới phải mổ lợn, gà thịt bắt buộc vài trăm con, bày cỗ ít nhất ba ngày. Khách mời cả làng, thậm chí cả xã, mời hết bạn bè từ nơi rất xa, quy mô đám cưới được tính bằng đơn vị hàng trăm mâm cỗ, số lượng mâm cỗ thể hiện vị thế và uy tín của gia chủ.
Trong các gia đình nông thôn Việt Nam, mọi nhà đều có một cuốn sổ lớn ghi số tiền trong chiếc phong bì của những người đã từng đến ăn cỗ, sau đó họ có nghĩa vụ đi ăn cỗ “giả nợ” cũng với đúng số tiền như vậy, dù bận đến mấy hay xa đến mấy cũng sắp xếp đi ăn.
Nếu là họ hàng thân thích, đi ăn cỗ là phải đầy đủ cả gia đình, thiếu một người dù đó là trẻ con sẽ rất phiền phức, gia chủ hỏi rất nhiều và những người khác thì nhìn vào đánh giá nọ kia.
Hãy thử tưởng tượng, đám cưới ở làng quê Bắc Bộ được tổ chức vào mùa đông, trời lạnh giá, số lượng khách lên tới hàng nghìn người tập trung dưới một khung bạt quây kín gọi là rạp cưới, bàn kê sát bàn, khách quý được xếp vào những căn phòng chật kín, cửa sổ và cửa ra vào đương nhiên đóng chặt.
Và những đôi đũa dùng trong bữa cỗ, nó không bao được khử trùng bằng nhiệt độ cao, thâm chí thiếu đũa thì sẽ được tráng rửa qua loa để quay vòng; đũa ấy sẽ liên tục chọc vào các đĩa thức ăn, những người đàn bà mút chùn chụt, những người đàn ông gắp thức ăn cho người khác và cũng mút.
Chẳng ai đi ăn cỗ lại đeo khẩu trang. Trăm phần trăm (100%)… Dô! Trăm phần trăm… Dô! Trăm phần trăm… Uống!… Sau đó nhất thiết phải có màn bắt tay từng người.
Người Việt có đặc điểm, nếu người bên cạnh nói to, thì mình sẽ phải nói to hơn và nhiều hơn, trong bữa cỗ ai cũng phải cố gắng nói to hơn và nhiều hơn. Phô trương đã trở thành văn hóa. Nhà hàng xóm cỗ cưới ba ngày thì nhà mình phải bốn, hàng xóm 200 mâm thì cưới con mình phải 300, sĩ diện và so sánh là nét văn hóa rất đặc trưng của nông thôn vùng quê Bắc Bộ.
Là một bác sĩ, tôi đã từng đi ăn cưới ở những vùng quê và nhận thấy, điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn tương đối kém, thiếu phương tiện khử trùng, hầu hết bát đĩa không được vệ sinh đúng cách, không gian kín, tập trung đông người, không khí kém lưu thông, người dân ý thức bảo vệ phòng chống bệnh truyền nhiễm rất kém, đám cưới nông thôn trở thành tụ điểm có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Uống rượu đám cưới ba ngày nên xét nghiệm Covid-19. Tôi lấy ví dụ đám cưới diễn ra ngày 18 tháng 1, nhà trai đưa dâu từ huyện Nam Sách (Hải Dương) về Ba Vì (Hà Nội), chỉ riêng mỗi chiếc xe đưa dâu 16 người thì có 11 người dương tính, nên được ví là chiếc xe siêu lây nhiễm.
Đám hiếu cũng tương tự đám cưới.
Hầu hết đám bốc mả diễn ra vào cuối năm âm lịch, chưa kể ma chay, đều phải tổ chức linh đình, ăn uống và tụ tập đông người. Những từ khóa như “liên hoan”, “tiệc tất niên”, đi “siêu thị” cũng nằm trong nhóm xuất hiện với tần số cao nhất truy vết F1 của đại dịch Covid-19 ở vùng nông thôn.
Cỗ bàn đám cưới hay đám hiếu, không khó để khắc phục, chỉ cần chính quyền yêu cầu người dân không tổ chức, hoặc tổ chức trong giới hạn để phòng chống dịch bệnh, thì tôi tin chắc đa số sẽ chấp hành…”.
Như vậy, thay vì tránh né trách nhiệm liên quan chuyện có chậm ‘đóng cửa’ hay không, thì ngài Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cần cầu thị để xử trí bài bản, với những kịch bản chủ động, chi tiết và công khai trong phòng chống dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ tại địa phương.