Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tiếp tục độc quyền thị trường vàng

Phương Nguyên

 

(VNTB) – Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục giữ thế độc quyền thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng

 

Chưa biết bao giờ sẽ là hồi kết của độc quyền

Văn phòng Chính phủ trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới (Thông báo số 160/TB-VPCP ngày 11-4-2024) cho thấy vẫn tiếp tục giữ thế độc quyền thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông báo 160/TB-VPCP ngày 11-4-2024 đã nhấn tới, nhấn lui về yêu cầu như “thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP” – “thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành” – “Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp”.

Ý kiến ghi nhận từ ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước trở thành “đơn vị kinh doanh” là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước là kiến tạo chính sách.

Cũng theo ông Đinh Nho Bảng, quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng ngay từ Nghị định 24 là hoàn toàn “không phù hợp” với thông lệ quốc tế và “đi ngược lại tiến trình phát triển của thị trường”. Thêm nữa, nếu Ngân hàng Nhà nước sản xuất vàng miếng cũng có nghĩa đã sử dụng vàng tiêu chuẩn quốc tế chế tác thành vàng thương hiệu quốc gia. Điều này, vừa tốn kém chi phí, vừa biến vàng tiêu chuẩn quốc tế có khả năng thanh khoản cao trở thành vàng nguyên liệu khi xuất khẩu ra thế giới.

“Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc kỹ hơn để vừa bảo đảm được yêu cầu can thiệp thị trường và để tiết kiệm chi phí cho Ngân sách Nhà nước”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam khuyến cáo.

“Xét từ nguồn cung, cần giải quyết vấn đề cách thức, mức độ liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới. Việt Nam không là đất nước tự sản xuất được vàng nguyên liệu, vậy mức chênh lệch giá vàng thế nào là phù hợp? Chênh lệch vàng trang sức và vàng miếng so với vàng thế giới khác nhau, mức chênh nào hợp lý hơn và vì sao đạt được mức chênh đó? Giải quyết chênh lệch giữa vàng miếng với vàng thế giới như thế nào?” – ông Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, đặt vấn đề.

Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cũng cần câu trả lời là xét từ phía cầu, giao dịch vàng trên thị trường cần tuân thủ những yêu cầu nào? Những điều kiện cụ thể với việc trao đổi vàng trang sức ra sao? Có nên tiếp tục duy trì độc quyền vàng miếng SJC hay không và trong trường hợp thay đổi, bao nhiêu nhà cung ứng là phù hợp? Nếu để tư nhân tham gia kinh doanh vàng miếng, điều kiện sẽ thế nào?

Câu trả lời ở đây của ông Đinh Trọng Thịnh là hãy mạnh dạn “bỏ độc quyền vàng miếng, để một số lượng doanh nghiệp nhất định được tham gia kinh doanh mặt hàng này dưới các quy định và sự giám sát chặt chẽ của pháp luật”.

 

Cơ hội để gia tăng buôn lậu vàng

Số liệu thống kê của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy, trung bình mỗi năm thị trường Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ khoảng 20 tấn vàng trang sức, mỹ nghệ. Như vậy, mỗi tháng có nhu cầu tiêu thụ khoảng 1,5 tấn vàng trang sức. Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, trong đó có nhẫn trơn 24K là không nhỏ.

Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng (từ năm 2012 đến nay), Ngân hàng Nhà nước độc quyền quản lý thương hiệu vàng miếng SJC, đồng thời chưa cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC cho doanh nghiệp nào. Nguồn vàng nguyên liệu trên thị trường hiện nay chủ yếu từ mua đi bán lại và lượng vàng doanh nghiệp mua trôi nổi trên thị trường.

Và khi việc buôn lậu vàng gia tăng, sẽ ảnh hưởng lớn đến tỉ giá VND/USD trên thị trường tự do, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỉ giá chính thức, từ đó ảnh hưởng bất lợi tới việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; gây thất thu thuế cho Ngân sách Nhà nước.

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tổ chức công đoàn nào đối với người lao động tự do?

Do Van Tien

Vàng tăng giá liên tục, tỉ giá trung tâm phá đáy

Phan Thanh Hung

VNTB – GDP quý I của Việt Nam tăng 5,66% và những ‘vùng xám’ trái chiều

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo