Võ Hàn Lam
(VNTB) – Giọt nước đã tràn ly cho việc đeo đuổi nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xã hội chủ nghĩa là gì để có thể định hướng nền kinh tế thị trường?
Câu hỏi này cho đến nay vẫn được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong đeo đuổi và vẫn chưa đúc kết một nguyên tắc lý thuyết khoa học nào có giá trị về thực thi.
“Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những nội dung thường xuyên bị các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc, phê phán, bóp méo.
Họ cho rằng, không có cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản,… Chính vì vậy, việc nhận diện và chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch về nội dung này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay”.
Đoạn mở đầu ở trên nằm trong bài báo “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – mô hình sáng tạo của Việt Nam”, ký tên tác giả có kèm học hàm, chức vụ là PGS, TS. Ngô Đình Xây, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, đăng ngày 22-05-2021.
Thế nhưng ngày cả bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, ký tên Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có đoạn mà nếu người viết là ‘dân đen’ thì rất có thể đối mặt cáo buộc là ‘thế lực thù địch’:
“Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học-công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”.
Tuy nhiên ở bài viết được giới thiệu là “Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5/2021), Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, mà tất cả các báo đều phải đăng đó, tác giả Nguyễn Phú Trọng chủ quan khi đưa ra lập luận như sau (bài viết của tác giả Nguyễn Phú Trọng viết nguyên đoạn dài, không ngắt câu xuống dòng – người viết đã ‘xuống dòng’ để người đọc dễ theo dõi):
“Và hôm nay, chúng ta lại chứng kiến cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế đang diễn ra dưới tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc.
Những tình huống “phát triển xấu”, những nghịch lý “phản phát triển”, từ địa hạt kinh tế – tài chính đã tràn sang lĩnh vực xã hội, làm bùng nổ các xung đột xã hội, và ở không ít nơi từ tình huống kinh tế đã trở thành tình huống chính trị với các làn sóng biểu tình, bãi công, làm rung chuyển cả thể chế.
Sự thật cho thấy, bản thân thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản không thể giúp giải quyết được những khó khăn, và trong nhiều trường hợp còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo; làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu.
Sự thật đó cũng làm phá sản những lý thuyết kinh tế hay mô hình phát triển vốn xưa nay được coi là thời thượng, được không ít các chính khách tư sản ca ngợi, được các chuyên gia của họ coi là tối ưu, hợp lý”. (dừng trích)
Phần kết của bài viết, tác giả Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự thận trọng:
“Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.
“Xã hội chủ nghĩa là gì để có thể định hướng nền kinh tế thị trường?” – Câu hỏi này không có câu trả lời ở bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Đứt gãy chuỗi cung ứng: hệ lụy đến từ nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa?
Rất có thể là như vậy vì cho đến nay người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam chống dịch bệnh Covid bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Tin tức cập nhật cho biết Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), trong quá trình giãn cách xã hội, các sàn thương mại liên tục gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, giao hàng từ nhà sản xuất, đơn vị bán lẻ, kinh doanh tới tay người tiêu dùng.
Do đó Vecom kiến nghị Thủ tướng giao cho UBND các địa phương, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội, căn cứ tình hình thực tế để hỗ trợ người giao hàng tối ưu hóa hoạt động của mình, qua đó cũng giúp các sàn thương mại điện tử phục vụ người dân tốt hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội. Thực tế, nhiều khi hai địa điểm ở hai quận liền kề lại gần hơn hai địa điểm cùng một quận.
Ngoài ra, cho phép lưu thông danh mục hàng hóa như trong điều kiện bình thường. Vì trong thời điểm hiện nay, nhu cầu của cá nhân và các đơn vị, tổ chức không chỉ giới hạn ở các mặt hàng thực phẩm, thuốc men mà rất đa dạng mới đáp ứng được hoạt động sinh sống, học tập và làm việc tại nhà và trực tuyến.
Theo các sàn thương mại điện tử, hiện nay các đơn hàng trên sàn thương mại điện tử đang bị ùn ứ, trì hoãn do không thể giao đến khách hàng. Nhiều mặt hàng bị xếp vào danh sách “không thiết yếu” nên không được thực hiện nhưng lại rất cần thiết với người dân. Ngay cả mặt hàng thiết yếu là thực phẩm tươi sống, rau củ quả, các sàn cũng phản ảnh không thể làm hết công suất vì trở ngại trong giao hàng liên quận.
Người viết cho rằng sai lầm lớn nhất khi đeo đuổi học thuyết nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là không tin tưởng tư nhân và xã hội dân sự.
Đơn giản thôi, Tổng bí thư chỉ cần đọc các tờ báo có chủ quản là cấp ủy các địa phương, sẽ nhận ra ngay trong công cuộc chống dịch, việc trao bớt quyền cho lĩnh vực tư nhân và các tổ chức xã hội vẫn sẽ tốt hơn rất nhiều việc cấm đoán và tốn thêm nguồn lực công để kiểm soát sự tuân thủ, trong khi những nhu cầu chính đáng của xã hội lại không được giải quyết.
Để đáp ứng duy trì cuộc sống thường nhật cho thành phố hơn 10 triệu dân như Sài Gòn, hệ thống logistics phải bao gồm hàng triệu xe máy, hàng trăm nghìn taxi, xe buýt và xe tải lớn nhỏ. Ngoài ra còn thêm lượng tàu bè, xuồng ghe từ đồng bằng sông Cửu Long và vô số các phương tiện vận tải thô sơ không tên khác.
Dịch bệnh xảy ra, hầu hết các phương tiện buộc phải dừng hoạt động. Không có thống kê chi tiết, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy sự thiếu hụt năng lực logistics so với nhu cầu sinh hoạt và kinh doanh của thành phố, khi áp dụng chỉ thị 16 và các biện pháp hạn chế hoạt động công cộng khác.
Đồng ý là ở các đô thị, các biện pháp ứng phó mỗi khi có thiên tai địch họa có thể tác động tiêu cực đến những lĩnh vực khác, trong đó có hệ thống lương thực thực phẩm. COVID-19 cùng với các lệnh phong tỏa, đóng cửa, hạn chế đi lại cũng không là ngoại lệ. Thế nhưng trên thế giới, chúng ta có bài học của DHL – hãng thầu lại dịch vụ cung cấp các thiết bị y tế cá nhân ở Mỹ, hay gần hơn là Grab Indonesia hỗ trợ chính phủ chiến dịch tiêm chủng bằng hệ thống taxi và hạ tầng các trung tâm xe của họ.
Những nguồn lực tư nhân đủ sức cung cấp dịch vụ logistics một cách chuyên nghiệp và an toàn nên được coi là một trong những giải pháp quyết định để chống dịch.