Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc – Chương 7: Triển vọng tăng trưởng

 

Đoàn H. Quốc

 

(VNTB) – Triển vọng tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chưa rõ vì còn bị đè nặng bởi 4D (debt, deflation, de-risking and demographic) nhưng triển vọng chiến tranh thương mại rất có thật

 

Chương 1: Mô hình kinh tế qua các mốc thời gian

Chương 2: Chính sách kinh tế qua các giai đoạn

Chương 3: Khủng hoảng địa ốc

Chương 4: Tài chánh

Chương 5: Thời đại Tập Cận Bình

Chương 6: Tham nhũng và tăng trưởng

Chương 7: Triển vọng tăng trưởng

 

 

Cách nhìn của Hoa Kỳ về Trung Quốc thay đổi liên tục kể từ khi đảng Cộng sản lên nắm quyền cho đến nay:

1. Từ 1945 cho đến cuối thập niên 1960: Mỹ xem hai nước cộng sản Nga-Hoa là hiểm họa cho thế giới tự do.

2. Từ đầu thập niên 1970 cho đến cuối thập niên 1980: Nixon trong chuyến công du sang Bắc Kinh đã vẽ lại thế chân vạc. Bắc Kinh dù không đứng về phía Mỹ nhưng không còn là kình địch, trái lại Liên-Xô phải đối đầu với cả hai phía Mỹ-Trung.

3. Từ đầu thập niên 1990 cho đến khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001:  Đặng Tiểu Bình theo chính sách mở cửa nên Hoa Kỳ giúp cho Trung Quốc phát triển kinh tế, một mặt vì quyền lợi của doanh nghiệp Mỹ nhưng đồng thời với niềm tin lạc quan và ngu xuẩn rằng tăng trưởng kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến dân chủ hóa[1].

4. Từ WTO 2001 cho đến Trump 2016: Mỹ bị hai vố nặng trong lần khủng bố 9/11/2001 và Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2007-08 nên chẳng những lơ là cảnh giác đối với Bắc Kinh mà còn nương tựa vào Trung Quốc như cái phao của ổn định: 

a. Trung Quốc bán hàng giá rẻ rồi dùng thặng dư mậu dịch cho Mỹ vay nợ. Nhờ vậy lạm phát ở Hoa Kỳ không tăng cho dù chi phí chiến tranh Iraq và A-Phú-Hãn nhảy vọt giúp Bush (con) tái đắc cử.

b. Bắc Kinh không bán tháo đổ nợ công và các khoản đầu tư ở Mỹ trong cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2007-08 giúp đồng USD không bị phá giá. 

5. Trung Quốc trở thành đầu tàu tăng trưởng cho các nước đang mở mang nhờ vào gói kích cầu trị giá 586 tỷ USD trong khi hai nền kinh tế Âu-Mỹ phục hồi chậm chạp.

Cho dù Hoa Kỳ trong thế yếu không còn thúc đẩy Trung Quốc dân chủ hóa nhưng bù lại cả hai chính quyền Bush (con) và Obama đều bang giao với Trung Quốc như một đối tác trách nhiệm (responsible party). Thực tế trái ngược vì tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh tăng theo đà phát triển kinh tế nên Trung Quốc không còn muốn nép mình trong trật tự thế giới tự do (liberal world order) do Mỹ lãnh đạo.

6. Trump 2016 cho đến nay: Trump đánh thức giới tinh hoa chính trị của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ rằng Trung Quốc là một kình địch về kinh tế. Biden tiếp tục chính sách của Trump nhưng đưa Trung Quốc lên hàng đối thủ địa chính trị trong khi vẫn mong Bắc Kinh hợp tác chống biến đổi khí hậu.

Bối cảnh chính trị như đã phân tích phần trên giúp chúng ta hiểu đánh giá của Hoa Kỳ về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm gần đây thay đổi như thế nào:  

1. Cho đến năm 2021-22 không ít các nhà nghiên cứu Tây Phương cho rằng GDP Tàu sẽ qua mặt Mỹ khoảng cuối thập niên 2020. Tuy đã có dấu hiệu nợ và khủng hoảng địa ốc cản trở đà tăng trưởng từ năm 2013 nhưng đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh đối phó với bão tố và từng chứng tỏ hiệu năng của một nhà nước độc tài kỷ trị. Uy quyền của Bắc Kinh càng thêm nổi bật trong hai năm đầu đối phó với đại dịch Vũ Hán khi chính sách phong tỏa khắc nghiệt ở thành phố Vũ Hán đã ngăn chận độc trùng phát tán và giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng. Trong khi đó đại dịch lan tràn khắp Âu-Mỹ từ 2020-22 dẫn đến nhiều xáo trộn về kinh tế, chính trị và xã hội ở Tây Phương. 

2. Từ năm 2022-2023 các nhà nghiên cứu lại đổi ý cho rằng Trung Quốc hoặc đã lên đến đỉnh điểm, hay ít ra Bắc Kinh không ba đầu sáu tay như người ta tưởng tượng. Vào lúc Âu-Mỹ bắt đầu ổn định nhờ vào thuốc tiêm ngừa kể từ năm 2022 thì đại dịch lại tái bùng phát ở Trung Quốc do biến thể Delta và do chính sách zero-Covid độc đoán và ngoan cố của nhà cầm quyền. Bắc Kinh sau đó lại vụng về trong quyết định phong tỏa rồi bất ngờ gỡ bỏ phong tỏa ở các thành phố lớn. Các kinh tế gia Âu-Mỹ ngạc nhiên thấy kinh tế Trung Quốc trì trệ thay vì nhảy vọt sau đại dịch Vũ Hán.

Cũng trong khoảng thời gian này cho thấy Bắc Kinh từ bỏ trào lưu đổi mới của Đặng Tiểu Bình vốn ưu tiên cho phát triển, thay vào đó Tập Cận Bình đặt nặng “hồng hơn chuyên” khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp tư nhân trở nên dè dặt về triển vọng tăng trưởng ở Trung Quốc. Bốn thách thức cho nhà cầm quyền Bắc Kinh bắt đầu lộ rõ, gọi tắt là 4D (debt, deflation, de-risking và demographic):

– Nợ (debt): tổng số nợ lên đến 270% GDP đè nặng các địa phương làm ngưng trệ những đầu tư xây cất hạ tầng và địa ốc vốn là đầu tàu tăng trưởng từ năm 2008 và hiện chiếm 30% GDP ở Trung Quốc.

– Giảm phát (deflation): kinh tế trì trệ, công ăn việc làm khó tìm, giá địa ốc xuống thấp (giá nhà chiếm 60-80% tài sản của dân chúng) khiến dân Tàu không dám tiêu xài làm doanh nghiệp phải hạ giá hàng hóa, tạo nên vòng xoáy giảm phát giống như ở Nhật kể từ 1990.

– Chính sách giảm thiểu rủi ro (de-risking) của Hoa Kỳ để không lệ thuộc vào hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc nhất là trong các ngành nghề công nghệ cao và chiến lược khiến đà tăng trưởng của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. 

– Nạn lão hóa (demographic) ở Trung Quốc lộ rõ từ năm 2022.

 2. Dù vậy cho đến cuối năm 2023 sang đầu năm 2024 Trung Quốc lại tạo ra nhiều bất ngờ:

– Mặc dù bị Hoa Kỳ phong tỏa về kỹ thuật cao cấp nhưng Huawei sản xuất điện thoại đời mới dùng công nghệ 7nm sản xuất trong nước cạnh tranh với iPhone, cho thấy ngành sản xuất chip điện toán ở Trung Quốc chạy đuổi sát nút TSMC (Đài Loan), Samsung (Nam Hàn) và Intel (Mỹ).

– Trung Quốc nhảy vọt trở thành nước xuất cảng xe hơi hàng đầu trên thế giới, với hãng BYD cạnh tranh ngang ngửa với Tesla mà qua mặt BMW, VW, GM, Ford…về xe hơi điện. 

– Trung Quốc khẳng định ưu thế áp đảo về đất hiếm, điện gió, điện mặt trời, và bình điện xe hơi. Đầu tư của Trung Quốc trong các ngành này đè bẹp những công ty Âu Châu và trở thành đối thủ cạnh tranh với ngân sách 780 tỷ USD của Biden vào năng lượng xanh. Sản phẩm từ Trung Quốc len lỏi sang Việt Nam và Mexico dán nhãn nhằm tránh thuế để thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ trong lúc hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tràn ngập thị trường những nước đang mở mang. 

Trung Quốc đưa ra khẩu hiệu thúc đẩy “năng lực sản xuất mới với phẩm chất cao” (new, quality productive forces) nhằm thay thế cho các ngành nghề với giá trị lao động thấp. “Bộ ba mới” (new trio) gồm đất hiếm, điện gió & mặt trời, xe hơi điện thay thế “bộ ba cũ” (old trio) gồm may mặc, đồ gỗ và dụng cụ tiêu dùng trong nhà (appliances như Tivi, tủ lạnh…) Bên cạnh đó Bắc Kinh đầu tư ào ạt vào trí tuệ nhân tạo và sản xuất chip điện toán để chạy đua với Hoa Kỳ. Mục tiêu của Trung Quốc nhằm thúc đẩy sáng tạo và tăng trưởng trong các ngành nghề sản xuất công nghệ cao và năng lượng sạch. Trung Quốc có tham vọng trở thành nước dẫn đầu về năng lượng tái tạo của thế kỷ 21 mà không phải lệ thuộc vào nhập cảng dầu hỏa như hiện thời. Nhìn về các mặt này thì tranh hùng Mỹ-Trung hiện thời gây cấn với tỷ số 1/1: Mỹ hơn Tàu từ 1-5 năm về trí tuệ nhân tạo và chip điện toán; Tàu chiếm ưu thế áp đảo ít nhất cho đến năm 2030 về năng lượng sạch.

Ngược lại Bắc Kinh không đưa ra kế hoạch cụ thể để giải quyết nợ nần hay nâng đỡ các địa phương và ngành địa ốc đang suy sụp, mà cũng không kích cầu nhằm hỗ trợ dân Tàu tăng tiêu thụ. Thay vì giúp đỡ dân chúng trong lúc kinh tế trì trệ thì nhà cầm quyền tăng cường kiểm soát để ngăn ngừa xáo trộn xã hội, đồng thời được rảnh tay tập trung đầu tư thúc đẩy các “quả đấm sắt” nhằm chạy đua với Tây Phương và đẩy mạnh vị trí của Trung Quốc trên toàn thế giới. Bên Tây Phương nợ xấu khiến ngân hàng tư hụt vốn không dám cho doanh nghiệp vay mượn đầu tư; trái lại ở Trung Quốc các ngân hàng nhà nước không thiếu vốn vì dựa vào (1) dự trữ ngoại tệ, và (2) dân Tàu tăng tiết kiệm do bớt chi tiêu, nên ngân hàng đủ tiền đầu tư vào các ngành nghề công nghệ chiến lược do đảng đề ra. Ngân hàng nhà nước ôm nợ xấu sẽ thanh toán từ từ vì dân Tàu không dám đòi sợ ở tù.

Nói cách khác, Tập Cận Bình chọn lựa thúc đẩy đầu tư thay vì tiêu thụ – tức là trái hẳn với dự đoán của Âu-Mỹ rằng Trung Quốc sẽ phải cân bằng hóa nền kinh tế giữa đầu tư và tiêu thụ nội địa để đối phó với khủng hoảng và tránh một cuộc chiến tranh thương mại với Tây Phương. 

 

***

Khoảng từ 2007-08 các kinh tế gia Hoa Kỳ cho rằng mô hình phát triển kinh tế lúc đó của Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm và cần thay đổi: tăng trưởng ở Trung Quốc dựa vào tiết kiệm trong nước thúc đẩy đầu tư nội địa nhằm nâng cao sản xuất và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài nên lệ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của Tây Phương. Mô hình này lộ rõ khuyết điểm khi sức mua của Âu-Mỹ sụt giảm từ sau Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2007-08 và khủng hoảng đồng Euro 2010-12. Giải pháp mà các chuyên gia Mỹ tiên liệu là Bắc Kinh phải chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng qua đầu tư trở thành tăng trưởng bằng tiêu thụ nội địa (thay thế cho xuất khẩu hàng hóa) bằng cách mở rộng mạng lưới an sinh xã hội (thay thế cho đầu tư sản xuất.)

(Dùng thí dụ đơn giản giả sử Trung Quốc là một doanh nghiệp thì lẻ thường khi công ty tăng trưởng tất nhiên nhân công đòi tăng lương để có thêm tiền chi tiêu. Nhưng công ty Trung Quốc không cho công nhân tăng lương mà dùng tiền lời thúc đẩy đầu tư tăng sản xuất hòng bán thêm nhiều hàng hóa ra ngoại quốc, cho đến lúc nước ngoài gặp khó khăn không còn dư tiền nhập cảng thêm hàng hóa.)

Bắc Kinh từ năm 2008 chọn giải pháp trái ngược, thay vì kích cầu (tăng lương thất nghiệp, tiền hưu trí, bảo hiểm y tế và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ) thì lại kích cung với ngân sách 586 tỷ USD cọng thêm 1 ngàn tỷ tín dụng nhằm thúc đẩy xây cất hạ tầng và địa ốc để bù đắp cho xuất khẩu hàng hóa sang Tây Phương. Kết quả kinh tế Trung Quốc tăng vọt từ 2008-13, nhân công không cần tiền thất nghiệp vì tìm ra việc làm trong ngành xây dựng; ngược lại ngành địa ốc chiếm kỷ lục 30% GDP, đầu tư dư thừa khiến nợ xấu tăng vọt lên đến 270% GDP. 

Cho đến năm 2020 khi nợ xấu và khủng hoảng địa ốc hiện rõ thì các chuyên viên Tây Phương lại tiên liệu Bắc Kinh sẽ phải tung gói kích cung đầu tư vào mạng lưới an sinh xã hội và tài trợ cho doanh nghiệp nhỏ (theo kiểu Mỹ và Âu Châu kích cung trong hai lần khủng hoảng kinh tế và đại dịch Vũ Hán.) Nhiều chuyên viên còn đề nghị Bắc Kinh tài trợ vốn hoàn tất các công trình xây cất dang dở giúp cho doanh nghiệp và các địa phương sớm thoát ra khỏi quá trình thanh toán nợ (de-leveraging) để dân chúng dọn vào nhà mới, mua sắm bàn ghế, tivi, tủ lạnh…thúc đẩy tiêu thụ nội địa hòng đẩy kinh tế tránh tình trạng suy thoái do bị nợ xấu đè (balance sheet recession).

Trung Quốc một lần nữa chọn giải pháp trái ngược, thay vì kích cầu thì lại kích cung – nhưng thay vì đầu tư vào “Bộ ba cũ” (xuất khẩu hàng hóa may mặc, đồ gỗ và đồ dùng trong nhà) hay hạ tầng và địa ốc như trước đây thì nay tung vốn vào “Bộ ba mới” (đất hiếm, điện gió và mặt trời, xe hơi điện) cùng 2 ngành trí tuệ nhân tạo và sản xuất chip điện toán. Bắc Kinh kỳ vọng giá trị gia tăng của năm ngành này sẽ bù đắp cho mức lương thấp trong “Bộ ba cũ” và trong ngành xây dựng, bù đắp cho tình trạng lão hóa và bù đắp cho nợ xấu. Quan trọng hơn hết, năm ngành công nghệ chiến lược sẽ giúp cho Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu trong thế kỷ 21. 

Một điều các chuyên viên Tây Phương không bao giờ hiểu là người cộng sản được đào tạo để dùng kinh tế như phương tiện nhằm đạt đến mục tiêu chính trị (hay địa chính trị), hoàn toàn trái ngược với Tây Phương xem kinh tế là cứu cánh mang lại phúc lợi cho dân chúng trong xã hội dân chủ. Cho nên trống đánh xuôi kèn thổi ngược, Bắc Kinh lúc nào cũng đi ngược với các khuyến cáo của Tây Phương.

Gút mắt nơi đây là Mỹ cũng đang đầu tư ào ạt vào “Bộ ba mới”, trí tuệ nhân tạo và sản xuất chip điện toán vì Hoa Kỳ không muốn đánh mất vị thế lãnh đạo trong thế kỷ 21. Âu châu lo sợ trở thành lục địa già nua (old continent) nên hội họp tung ra nhiều cảnh giác bị Mỹ bỏ rơi và bị Nga-Tàu lấn áp nhưng cho tới giờ này chưa thấy đưa ra kế hoạch gì cụ thể. Kế hoạch nào đầu tiên cũng là tiền đâu nhưng Âu Châu không tăng chi đủ cho quốc phòng và các ngành công nghiệp chiến lược của thế kỷ 21.

Bộ trưởng tài chánh Janet Yellen sẽ đến Bắc Kinh cảnh cáo Trung Quốc đầu tư dư thừa đe dọa tràn ngập thế giới với sản phẩm điện gió, điện mặt trời và xe hơi điện[2]. Tuần báo The Economist cảnh giác chính sách đầu tư dư thừa của Tập Cận Bình sẽ dẫn đến chiến tranh thương mại[3]. Đại diện thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai lưu ý Mexico đừng mở cửa sau cho Trung Quốc[4] (hình như Việt Nam cũng bị bà Tai nhắc khéo). 

Hàng hóa Trung Quốc luồn lách tìm đủ cách tràn vào Hoa Kỳ như trường hợp công ty Temu hiện đang cạnh tranh ráo riết với Amazon lợi dụng lỗ hổng thuế má là hàng tiêu dùng do dân Mỹ đặt mua trực tiếp từ công ty Trung Quốc không bị đánh thuế nhập khẩu. Khi Âu-Mỹ dựng hàng rào thương mại với Huawei thì công ty này vẫn đứng vững bán sản phẩm giá rẻ sang các nước đang mở mang. Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ (và hình như có cả Việt Nam) đang lên tiếng về chênh lệch cán cân thương mại quá đáng với Trung Quốc.

Trump dọa khi lên tổng thống sẽ đánh thuế 65% vào hàng hóa từ Trung Quốc và 25% từ tất cả các nước khác nhằm tránh tình trạng Mỹ bị lợi dụng. Không khéo thì hàng rào thương mại này sẽ được dựng lên dù Trump hay Biden đắc cử với quá khứ cho thấy chính sách của Biden rồi cũng bắt chước Trump!

Triển vọng tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chưa rõ vì còn bị đè nặng bởi 4D (debt, deflation, de-risking and demographic) nhưng triển vọng chiến tranh thương mại rất có thật.

Đến đây là chấm dứt loạt bài về Tìm Hiểu Kinh Tế Trung Quốc. 

______________

Chú thích:

[1] Xem sách The End of History

[2] https://www.nytimes.com/2024/03/27/business/yellen-china-green-technology.html

[3] https://www.economist.com/finance-and-economics/2024/01/09/xi-jinping-risks-setting-off-another-trade-war

[4] https://www.cbc.ca/news/world/tai-brookings-usmca-comments-1.7135517


 

   

Tin bài liên quan:

VNTB – Kinh Tế Dễ Hiểu: Lạm Phát và Giảm Phát (Chương 13)

Phan Thanh Hung

VNTB – Áp lực lạm phát

Phan Thanh Hung

VNTB – Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: Dân Chủ Xã Hội và Xã Hội Chủ Nghĩa

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo