Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tìm hiểu tư tưởng Tập Cận Bình (Phần 2)

Đoàn Hưng Quốc

 

(VNTB) – “Một quốc gia, một dân tộc, một ý thức hệ, một đảng, một lãnh tụ”

 

Phần 1: Tìm hiểu tư tưởng Tập Cận Bình 

 

MỘT LÃNH TỤ, MỘT ĐẢNG

Nếu Tây Phương phê bình Tập là một lãnh tụ tập quyền thì ngược lại Tập hẳn tự xem mình là đấng minh quân trị nước (sage emperor). Quân minh thần trung cho nên quân xử thần tử thần bất tử bất trung.

Đặng và cha của Tập đều bị thanh trừng dưới thời Mao, nhưng Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình đều kết luận từ bài học Liên Bang Xô Viết tan rã rằng sự ổn định, toàn vẹn và canh tân của Trung Quốc phải đi đôi với sự sống còn của đảng cộng sản. Khác biệt nơi Đặng chủ trương mô hình lãnh đạo tập thể nhằm ngăn ngừa quyền hành không cho tập trung vào một lãnh tụ tối cao kiểu Mao Trạch Đông. Cho nên đến thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào trong nội bộ chia ra nhiều phe phái như Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, phe Trùng Khánh, phe Thượng Hải.

Trái lại Tập hô hào “đả hổ diệt ruồi” để diệt cỏ diệt tận gốc các phe phái đối lập và đối thủ chính trị, trong đó có nhiều vụ nổi tiếng của Bộ Trưởng Bộ Đường Sắt Lưu Chí Vân 2013, cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị và Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Chu Vĩnh Khang 2014 cùng hơn 300 ngàn cán bộ đảng viên về tội tham nhũng.

Tập tái lập cơ chế đảng với kỷ luật nghiêm khắc theo mô hình lãnh đạo tập trung kiểu Lê-nin-nít trong đó mọi tầng lớp đảng viên từ trên xuống dưới đều phải tuyệt đối trung thành với một lãnh đạo là Tập Cận Bình, bởi vì Tập và Đảng sẽ sáng suốt dẫn dắt dân tộc “phục hưng Trung Quốc” hoàn thành “giấc mộng Trung Hoa” vào năm 2049 trước kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.

Cán bộ đảng viên và những thành phần nòng cốt trong xã hội (như ban giám đốc công ty công hay tư) hàng ngày đều phải học tập tư tưởng Tập Cận Bình qua ứng dụng điện thoại cầm tay để tiện bề theo dõi và kiểm điểm. Tư tưởng Tập còn được giảng dạy từ cấp bậc tiểu học đến đại học rồi hàng ngày tuyên truyền rộng rãi trên các mạng xã hội, báo chí, truyền hình.

Tư tưởng Tập Cận Bình được chính thức ghi vào Hiến Pháp nên đảng viên và quần chúng không thể chao đảo giữa mô hình dân chủ Tây Phương và độc quyền đảng trị, giữa quyền tự do cá nhân và xã hội trật tự hài hòa, giữa tam quyền phân lập và tập quyền đảng trị, giữa tự do kinh doanh và nhà nước chỉ đạo.

Bức Vạn Lý Tường Lửa được dựng lên để chặn đứng mọi tuyên truyền bóp méo từ Tây Phương. Hai công ty mạng xã hội Alibaba và WeChat bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ để thông tin không còn cơ hội rao truyền chống đảng. 

Khổng Giáo được phục hồi để biện minh cho xã hội trật tự hài hòa phù hợp với truyền thống lịch sử và văn hóa Trung Quốc thay vì nền dân chủ tư bản hỗn loạn và vị kỷ của Tây Phương, với hàm ý tô bóng cho vai trò lãnh đạo tối cao của đấng minh quân Tập Cận Bình. Tính chính danh (legitimacy) của nhà cầm quyền không do dân bầu mà nơi dân chúng được cơm no áo ấm, nên đảng thường xuyên nhắc nhở hơn 1 tỷ người Trung Quốc đã thoát ra khỏi cảnh nghèo đói và nền kinh tế nhảy vọt lên hàng thứ 2 trên thế giới trong thời gian kỷ lục 30 năm nhờ sự lãnh đạo của đảng.

Điểm đáng nói là Bắc Kinh tuyên truyền so sánh Mác với Khổng Tử mà không nhắc đến Lê-nin, trái lại Tập áp dụng kỹ thuật Lê-nin-nít dùng tuyên truyền nhồi sọ, kỷ luật khắt khe, hình phạt nghiệt ngã để thuyết phục, đe dọa và cai trị.

Chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” phải do Đảng phát động từ trên xuống thấp thay vì nơi phong trào quần chúng tự phát từ dưới lên trên, cho nên các nhà đối lập chống tham nhũng, bảo vệ môi trường đều bị bỏ tù rục xương về tội tiết lộ bí mật nhà nước.  

Tuyên truyền “Thịnh Vượng Chung” đã phá hố sâu giàu nghèo và những xa hoa thái quá của thành phần cán bộ tham nhũng và tư bản đỏ, nhưng lại không thể để trở thành phong trào quần chúng tự phát nổi lên đe dọa đến tăng trưởng kinh tế và quyền lực của đảng thì bị bỏ tù rục xương về tội phá rối an ninh trật tự. Lý do vì Tập đã sống qua thời kỳ “Cách Mạng Văn Hóa” đấu tố thành phần tinh hoa trong xã hội khiến Trung Quốc nghèo đói suốt nhiều thập niên. Ngày nay sự sống còn của Đảng và cuộc tranh hùng Mỹ-Trung đều lệ thuộc vào kinh tế nên tăng trưởng phải là mục tiêu hàng đầu của Đảng cho dù có sinh ra bất công trong xã hội.

GDP Trung Quốc giảm tốc từ sau Covid; nền kinh tế bị đè nặng bởi các gánh nợ xấu ở địa phương trong ngành địa ốc; nhà cửa sụt giá, việc làm khó tìm nên dân chúng không dám tiêu xài khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ điêu đứng. Tây Phương (như kinh tế gia nổi tiếng Paul Krugman) chê Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo kinh tế… tồi vì không kích thích tăng trưởng bằng cách thúc đẩy tiêu thụ nội địa để nền kinh tế có cơ nguy sẽ rơi vào tình trạng suy thoái triền miên giống như Nhật Bản từ thập niên 1990 cho đến nay.

Trái lại Bắc Kinh không kích cầu mà lại kích cung bằng cách đầu tư ồ ạt vào các ngành năng lượng xanh (khai thác đất hiếm, dẫn đầu thế giới về điện gió, điện mặt trời, bình chứa điện và xe hơi điện), vào sản xuất chip điện toán và trí tuệ nhân tạo khiến Âu-Mỹ hốt hoảng dựng hàng rào thuế quan chống hàng phá giá từ Trung Quốc đe dọa các công ty nội địa.

Điều này cho thấy Tập Cận Bình tự tin lãnh đạo kinh tế mà không hề bị lung lạc bởi những lời xúi dại của các chuyên gia Tây Phương vốn không tiên liệu được cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chính ở Mỹ năm 2007-08. Mô hình đầu tư của đảng Cộng Sản đã thành công trong suốt 30 năm liên tục thì không thể vì các lời dèm pha của giới chuyên gia Âu-Mỹ mà đổi sang tiêu thụ.

Tập lại là đấng minh quân “phụ mẫu chi dân” thì “thương cho roi cho vọt” (tức là dân chúng đòi cải tiến an sinh thì bỏ tù rục xương) chớ không “ghét cho ngọt cho bùi” thúc đẩy dân chúng tiêu xài theo kiểu Tây Phương.

Thị trường địa ốc ở Trung Quốc mang thói ỷ lại (moral hazard) trong một thời gian dài khiến các địa phương và dân chúng đầu tư cẩu thả vì tin chắc sẽ được Bắc Kinh cứu vớt, nay Tập để mặc cho thị trường co thắt để quét sạch cặn bã. Đầu tư nhà nước không thể cứu trợ những doanh nghiệp đang phá sản hay dân chúng tham lam đầu tư liều lĩnh mà phải tài trợ các ngành công nghệ tiên tiến để chạy đua trong cuộc tranh hùng Mỹ-Trung vào thế kỷ 21.

Tập giáo điều nên cho rằng nợ xấu do các chính quyền địa phương cùng tư nhân ỷ lại và thiếu giám sát nên sinh thành thói hư hỏng đầu tư cẩu thả, mà Tập không chấp nhận nguồn cội vấn đề chính nơi cộng sản độc quyền đảng trị. Tập cho rằng trong sạch hóa hàng ngũ cán bộ đảng viên bằng kỷ luật đảng và học tập, đồng thời để mặt thị trường quét sạch các đầu tư kém hiệu quả, nhưng đây chỉ là liều thuốc chữa ghẻ ngoài da cho căn bệnh ung thư. Hiểm họa cho Trung Quốc ngày nay là Tập nắm toàn bộ quyền hành nên không còn tiếng nói phản biện phê bình các sai phạm để nhắc nhở đấng minh quân là “ông vua đang cởi truồng” (the emperor has no clothes).

Các quan sát viên Tây Phương hiện chia thành 2 phe: một bên cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm trong 3-5 năm tới đây để giải quyết tình trạng nhà cửa xây cất dư thừa rồi sau đó sẽ “bốc” nhanh trở lại nhờ linh hoạt tẩy xóa được cặn bã (get rid of the fat); phe còn lại cho rằng nợ xấu, nạn lão hóa và tranh chấp mậu dịch khiến Trung Quốc đầu tư dư thừa mà tiêu thụ không đủ nên sẽ rơi vào tình trạng vòng xoáy trả nợ (de-leveraging) như nước Nhật kể từ 1990.

Dù sau thì cũng không ai còn dám xem thường nền kinh tế chỉ huy, khả năng huy động nhân vật lực và nguồn vốn trong nước để khuất lấp nợ xấu địa ốc mà tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng dựa vào năng lượng xanh và các ngành công nghệ tiên tiến của thế kỷ 21, cho nên khả năng Tập thành công vẫn 50/50.

 

MỘT Ý THỨC HỆ, MỘT DÂN TỘC

Các tổ sinh hoạt đảng nay thành hình trong doanh nghiệp tư nhân. Công ty tư nhân phát hành loại cổ phần vàng (golden shares) dù chỉ chiếm 1% nhưng cho phép cán bộ chính trị hiện diện và tham gia trong các quyết định quan trọng điều hành công ty. Doanh nghiệp nước ngoài chỉ được được đầu tư nếu hợp doanh với công ty Trung Quốc để chuyển giao công nghệ.

Các đại công ty Apple, Tesla, Airbus được khuyến khích buôn bán ở Trung Quốc để dùng làm thước đo cho các công ty Trung Quốc như Xiaomi, BYD, Comac học hỏi và cạnh tranh ở cấp độ quốc tế. Tập đoàn Huawei lớn và thành công nhất nhưng nay không còn phân biệt công hay tư. Ngân hàng và các quỹ đầu tư (investment funds) được khuyến khích cho vay hay góp vốn vào các ngành nghề công nghệ chiến lược trong Made In China 2025 và trong đại kế hoạch Vòng Đai Con Đường. Nói chung, thị trường tư nhân trở thành công cụ thi hành các mục tiêu do Đảng đề ra.

Trong khoảng thời gian trước và sau khi gia nhập WTO Trung Quốc giải thể hay thu nhỏ nhiều công ty quốc doanh lỗ lã. Bắc Kinh khuyến khích các chuyên viên và công ty thượng thặng Âu-Mỹ như Goldman Sach, Deutsche Bank… cố vấn cho những ngân hàng nhà nước và công ty quốc doanh lớn như China Mobile, China Telecom hùn hạp hay bán cổ phần để nhận vốn đầu tư từ Tây Phương, đồng thời hữu hiệu hóa cơ chế điều hành nhằm chuẩn bị cạnh tranh ra quốc tế.

Đến thời Tập các doanh nghiệp nhà nước đủ lông cánh nên vắt chanh bỏ vỏ rút ra khỏi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ để không phải công khai hóa nhiều dữ kiện kinh doanh thuộc loại “bí mật nhà nước” theo những quy định của cơ quan giám sát SEC bên Mỹ.

Ý thức hệ Mác-Xít nhưng tuyên truyền cho chủ nghĩa Đại Hán. Cựu ngoại trưởng thời Tập là Dương Khiết Trì thể hiện quan điểm này kể từ năm 2010 với lời tuyên bố liên quan đến tranh chấp biển Đông: “Trung Quốc là đại quốc, các nước còn lại là tiểu quốc, sự thật đó rất hiển nhiên…”

Bắc Kinh đơn phương vẽ lại bản đồ biển Đông, biển Hoa Đông, biên giới Tây Tạng và Ấn Độ. Trung Quốc thường xuyên nhắc nhở mối quốc nhục trăm năm bị đế quốc Tây Phương và Nhật Bản xâm lấn bởi vì Tập Cận Bình là đấng minh quân sẽ dẫn dắt dân tộc “phục hưng đất nước” để thực hiện “Giấc Mộng Trung Hoa.”

Chủ nghĩa Đại Hán nên Tập hủy diệt hai nền văn hóa của người Tây Tạng và Duy Môn Nhĩ.

Nhà cầm quyền chú trọng đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất thay vì mở rộng mạng lưới an sinh xã hội để cải tiến dân sinh. Tập phê bình mô hình nhà nước tế bần (welfare state) của Tây Phương sẽ khiến dân chúng trở nên ỷ lại lười biếng. Kinh tế suy thoái trầm trọng nhưng Bắc Kinh không tung ra gói kích cầu đủ lớn để thúc đẩy tiêu thụ mà mặc tình cho thị trường co thắt để chừa bỏ thói ỷ lại (moral hazard) mong chờ nhà nước cứu vớt.

Dân chúng đi làm phải chấp nhận đồng lương thấp (giống như thế hệ Tập lớn lên nghèo khổ) thay vì nằm phè (lie flat, do ra trường Đại Học mà không tìm được việc làm đúng khả năng) hay thành lập công đoàn đòi tăng lương. Tăng trưởng kinh tế và tự túc về công nghệ quan trọng hơn là Thịnh Vượng Chung.

Lê-nin cho rằng sự phát triển của xã hội chủ nghĩa phải dựa trên công nghiệp nặng (heavy industries, gồm nhà máy sản xuất, công xưởng quốc phòng, luyện thép, sản xuất điện và than đá…) Tập chủ trương nền an ninh quốc gia (national security) và an toàn chế độ (regime security) đặt trên các ngành công nghiệp chiến lược trong thế kỷ thứ 21. Vì vật Tập đề ra đại kế hoạch Made In China 2025 để Trung Quốc dẫn đầu hay tự lực về trí tuệ nhân tạo, tin học, hàng không không gian, hàng hải, hỏa xa, năng lượng (điện gió, điện mặt trời, xe hơi điện, nhà máy điện hạt nhân), người máy, sinh học và vật liệu tiên tiến (advanced material)). Bù lại Tập kiểm soát chặt chẽ các mạng xã hội (Alibaba, Tencent), dịch vụ mạng (Ant Financial, Didi) và Bitcoin (tiền phi chính phủ) không cho phép mạng Internet ảnh hưởng lên dư luận thoát ra ngoài tầm kiểm soát của đảng.

Như vậy Tập thi hành Lê-nin-nít chú trọng đầu tư sản xuất hơn là tiêu thụ nội địa, tức mô hình kinh tế trọng cung (supply-side economic) theo kiểu xã hội chủ nghĩa, hoặc là khác với kinh tế trọng cung theo kiểu tư bản chủ nghĩa (Ronald Reagan, Margaret Thatcher) hay kinh tế trọng cầu (demand-side economic) theo kiểu dân chủ xã hội của Âu-Châu và đảng Dân Chủ.

 

MỘT QUỐC GIA

Tập có tham vọng sát nhập Đài Loan trước năm 2030 để hoàn thành Giấc Mộng Trung Hoa trong đó “Mao Trạch Đông thống nhất lục địa; Đặng Tiểu Bình canh tân đất nước; Tập Cận Bình phục hưng Trung Quốc.” Nhìn như vậy thì Tập tiếp nối chớ không phải thay đổi so với Đặng, bởi vì Đặng Tiểu Bình chỉ dạy “giấu ánh đèn trong đống trấu” như Câu Tiễn nằm gai nếm mật trong khi thế lực còn yếu; đến thời Tập khi Trung Quốc đã hùng mạnh thì không còn che dấu tham vọng.

Bắc Kinh dùng tấm bản đồ 9 đoạn để tranh giành biển Đông kể từ năm 2008, nhưng đến thời Tập thì Trung Quốc mới thúc đẩy xây các đảo nhân tạo đe dọa các nước láng giềng. Tập cho phép máy bay và tàu chiến vi phạm không hải phận Đài Loan và vùng biển Hoa Đông thuộc Nhật Bản; dùng lính bộ để xâm lấn vùng biên giới với Ấn Độ.

Dù vậy, Bắc Kinh vẫn tuyên truyền rằng các dân tộc trên thế giới cùng chia sẻ một hoài bảo và tương lai (the same aspiration and destiny) nên cần sốt sắng tham gia vào “Cộng Đồng Chung Một Vận Mệnh” (Community of Common Destiny), hàm ý Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới phương Nam (global South) thay vì các nước chạy theo Tây Phương. Tập thay thế nền trật tự tự do toàn cầu (liberal world order) do Mỹ lãnh đạo bằng khái niệm về Thiên Hạ. Theo văn hóa Trung Hoa thì trong Thiên Hạ, trên cao là đấng minh quân trị nước Trung Quốc trở thành đại quốc ban phát nhiều lợi ít về văn hóa và thương mại cho các nước xung quanh.

Bắc Kinh tuyên truyền các nước tăng trưởng nhờ vào mua bán với Trung Quốc (mà không nhắc đến chênh lệch mậu dịch, hay bị chèn ép về thương mại khi quyền lợi kinh tế hay chính trị không đi song song) hoặc nhận đầu tư BRI (không nhắc đến bẫy nợ).

Bắc Kinh kêu gọi ổn định giữa các nước không can thiệp vào nội bộ lẫn nhau; không ràng buộc mậu dịch với những điều kiện về môi trường, dân chủ hay nhân quyền (miễn là không liên hệ ngoại giao với Đài Loan, không tiếp đón đức Đạt Lai Lạt Ma, không bênh vực người Duy Môn Nhĩ, không trao giải thưởng cho tù nhân chính trị, không thắc mắc về tham vọng lãnh thổ và không đặt câu hỏi về nguồn gốc đại dịch Vũ Hán.)

Trung Quốc so sánh nền trật tự thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo nhưng rơi vào chiến tranh (Ukraine, Gaza), hỗn loạn về an ninh và chính trị (Bắc Phi, Trung Đông, Ukraine hay bầu cử ở Mỹ năm 2020), thảm họa nhân loại (Syrie, Afghanistan) và suy thoái kinh tế (đại khủng hoảng tài chính 2007 suýt kéo sập nền kinh tế toàn cầu nếu không nhờ Trung Quốc làm đầu tàu tăng trưởng cho khối các nước đang phát triển.)

Theo các phát biểu của Tập thì Hoa Kỳ và Tây Phương đang trên đà suy thoái trong khi Trung Quốc và các nước phương Nam đang tiến lên. Cho nên Tập nhận xét với Putin vào năm 2023 “Có những cơ hội 100 năm mới đến một lần nên Ngài Putin và Tôi sẽ cùng nhau thúc đẩy các thay đổi đó.”

Tìm hiểu về Tập không phải để ca tụng mà vì trong lịch sử mỗi lần Trung Hoa có lãnh đạo giỏi lại đe dọa đến các lân bang. Tập tự tin và có chí lớn nên là mối thử thách rất lớn cho Việt Nam.

 

_____________________

Sách tham khảo: The Political Thought of Xi Jinping. Tác giả Steve Tsang và Olivia Cheung

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc – Chương 1: Mô hình kinh tế qua các mốc thời gian

Do Van Tien

VNTB – Trung Quốc lo sợ dư luận về vụ trộm 4000 xác người

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Bà Merkel: Âu Châu không về phe với Mỹ chống Trung Quốc*

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.