Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng ngoài rủi ro mất vốn, ngân hàng còn đối mặt với tính thanh khoản khi cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
Về việc tăng giá, thổi giá thị trường bất động sản, bà Hồng cho hay đã có quy định chỉ đạo ngân hàng thương mại khi cho vay phải đánh giá tài sản đảm bảo. Tổ chức tín dụng cho vay có tài sản đảm bảo ở những địa bàn mà giá bất động sản bong bóng cao thì phải cẩn trọng kiểm soát rủi ro.
Về nhu cầu mua nhà để ở và sửa chữa, theo Thống đốc có 2,2 triệu tỷ đồng dư nợ bất động sản, thì 65% cho nhu cầu ở và sửa chữa nhà, phục vụ tiêu dùng. Với nhu cầu mua nhà với người thu thập thấp, cũng có chính sách và hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng đã triển khai cho vay cho đối tượng như mua nhà ở xã hội…
Số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 12% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14% và có thể linh hoạt cao hơn hoặc thấp hơn, tùy theo diễn biến của nền kinh tế. Tuy nhiên, sau đó thì Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, vào những khách hàng lớn, dự án lớn, các dự án BOT, BT giao thông, chỉ tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực, chính đáng.
“Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt hơn nữa dòng tiền chảy vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt sẽ siết chặt tín dụng bất động sản có tính chất đầu cơ”, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng cho rằng, nếu không siết chặt tình trạng ngân hàng cho vay sân sau, bắt tay với doanh nghiệp bất động sản mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ…, thì đến một lúc nào đó, mức độ nguy hiểm sẽ lan rộng và ngoài tầm tay của cơ quan thanh tra giám sát.
Vấn đề này cũng được cổ đông của ngân hàng quan tâm trong mùa đại hội cổ đông năm 2022.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, cổ đông VIB (ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam) đặt câu hỏi chất vấn ban lãnh đạo về danh mục cho vay và kế hoạch tài trợ của ngân hàng cho việc phát triển các dự án bất động sản.
Trả lời câu hỏi này, ông Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch hội đồng quản trị cho biết, danh mục cho vay của VIB có 87% là khách hàng cá nhân, 10% khách hàng doanh nghiệp và 3% là các định chế tài chính. Trong đó, cho vay có tài sản bảo đảm là bất động sản chiếm khoảng 48% danh mục cho vay khách hàng cá nhân. Đây cũng là sản phẩm mà VIB cho vay nhiều nhất.
Để nâng cao hiệu quả tín dụng và xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã yêu cầu thực hiện nghiêm quy định cho vay, đảm bảo đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ rủi ro. Trường hợp doanh nghiệp khó khăn, hệ thống thực hiện tái cơ cấu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục vay, cũng như tổ chức tín dụng chủ động trích lập dự phòng, trường hợp xảy ra có giải pháp xử lý nợ xấu.
Cụ thể hơn, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định cơ quan quản lý tiền tệ không có chủ trương siết tín dụng bất động sản, mà là kiểm soát chặt rủi ro cho vay trong lĩnh vực này.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng tích cực, cùng với gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm có hạn mức 40.000 tỷ đồng, tương đương có khoảng 1 triệu tỷ đồng dư nợ được đưa ra nền kinh tế, Ngân hàng nhà nước đã tính tới việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
“Tôi cho rằng sở dĩ các quan chức của ngân hàng không mấy ngại chuyện tín dụng địa ốc vì rất đơn giản là quyền đại diện chủ sở hữu đất đai được mặc định là Nhà nước. Mà đã là Nhà nước với nhau, thì sao lại ngại ngần?” – một nhà báo nhận xét như vậy.