Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tín hiệu lạ: đòi lại tài sản của tôn giáo bị quốc hữu hóa

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Sở dĩ gọi là lạ, vì Luật Đất đai ở Việt Nam nói rằng Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai.

 

Nôm na, tài sản của tôn giáo đã bị quốc hữu hóa ngay sau khi kết thúc cuộc chiến tranh giữa hai miền Bắc – Nam, về nguyên tắc là ‘không xem xét hoàn trả’.

Khởi kiện yêu cầu hủy bỏ quyết định hành chính

Tháng 11/2020, tin tức cho biết Giáo hội Công Giáo Việt Nam – Tổng Giáo phận Sài Gòn – đã ủy quyền cho linh mục Chánh xứ Giáo xứ Thị Nghè đứng Đơn khởi kiện UBND TP.HCM.

Trong nội dung Đơn khởi kiện yêu cầu: “Tuyên buộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lập tức thu hồi và hủy bỏ các quyết định hành chính trái pháp luật, cụ thể là các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BR 453947 và BR 453948 ngày 31/12/2013 được ban hành theo Quyết định số 5264/QĐ-UBND ngày 25/09/2013 của UBND Thành phố”.

Đồng thời “khôi phục và tiến tới công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp đối với hai khu đất nói trên” cho Giáo xứ Thị Nghè. “Đơn khởi kiện”đã được gửi trực tiếp đến Tòa Án Nhân dân TP.HCM, vào ngày 30/11/2020, với biên bản “xác nhận đã nhận đơn khởi kiện” theo số 2067/GXN-A.

Tóm tắt nội dung đơn khởi kiện: Văn thư số 576/VP-75 ngày 07/10/1975 của Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn về việc trao quyền quản lý, sử dụng “các cơ sở của Tư thục Công giáo trong Giáo phận Sài Gòn từ niên khóa 1975-1976” cho Nhà nước, với việc ký bàn giao trọn vẹn cơ sở 1 và cơ sở 2 Trường Tiểu học Phước An (nay là Trường Tiểu học Phù Đổng, quận Bình Thạnh) để Nhà nước thống nhất “quản lý những cơ sở và phương tiện vật chất của Trường (theo văn bản kiểm kê bàn giao ngày 03/12/1975) mà trước đây đã trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cho việc giảng dạy và học tập”.

Theo phía khởi kiện thì trong Thông cáo chung của Sở Giáo dục TP.HCM và Ủy ban Liên lạc Giáo dục Công giáo Việt Nam về việc “công lập hóa các tư thục Công Giáo” ghi rõ: (i) “Giáo phận Sài Gòn đồng ý trao cho Nhà nước quyền sử dụng các trường sở thuộc Giáo phận kể từ niên khóa 1975-1976 này, để phục vụ cho mục tiêu giáo dục”; (ii) “Quyền sở hữu các trường sở nói trên vẫn thuộc về Giáo hội Công Giáo”.

Kể từ thời điểm đó, phía Giáo hội Công Giáo với tư cách là Người sử dụng đất, hàng năm vẫn tiến hành kê khai thuế đất trên danh nghĩa “Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn – số 180 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM”, mặc dù các diện tích đất tôn giáo này (bao gồm Trường Tiểu học Phù Đổng – cơ sở 1 và cơ sở 2) không thuộc đối tượng nộp thuế quyền sử dụng đất theo quy định – do đã cho Nhà nước mượn, quản lý và sử dụng từ sau giải phóng.

Ngày 30/08/1996, thực hiện Tổng điều tra việc sử dụng đất của các tổ chức theo Chỉ thị 245/TTg ngày 22/04/1996 của Thủ tướng Chính phủ, phía Giáo hội Công Giáo đã tiến hành kê khai tổng diện tích đất hiện đang sử dụng là 3.593 m2 tại địa chỉ 22B Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 19, quận Bình Thạnh.  Mục đích sử dụng đất: Đất tôn giáo (sử dụng ổn định từ năm 1951 đến nay). Trong đó ghi rõ: “các diện tích cơ sở 1 và cơ sở 2 Trường Tiểu học Phù Đổng đang được Tòa Tổng Giám Mục TP.HCM cho mượn sử dụng”. Việc kê khai này – theo phía nguyên đơn là có xác nhận của Chính quyền địa phương.

Ngày 11/07/2020, phía Giáo hội Công Giáo bất ngờ nhận được Công văn số 2361/UBND cùng các tài liệu photo đính kèm từ UBND quận Bình Thạnh với nội dung: “Trường Tiểu học Phù Đổng đã được UBND Thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BR 453947 và BR 453948 ngày 31/12/2013 theo Quyết định số 5264/QĐ-UBND ngày 25/09/2013 của UBND Thành phố”.

Qua đó, phía Giáo hội Công Giáo mới biết được quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm nghiêm trọng bởi việc ban hành các quyết định hành chính trái luật.

Vậy là các bước tố tụng cho một vụ kiện hành chính được phía Giáo hội Công Giáo tiến hành.

Pháp lý liên quan đến vụ khởi kiện liên quan đất đai có nguồn gốc tôn giáo

Luật Đất đai 2013, ở Điều 26 tại khoản 5, quy định về bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất tiếp tục khẳng định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Khoản 4, Điều 102 Luật Đất đai 2013, quy định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất: “Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có đủ các điều kiện sau đây: Được Nhà nước cho phép hoạt động; Không có tranh chấp; Không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 01 tháng 7 năm 2004”.

Khoản 4, Điều 102 nói trên được cụ thể hóa bởi Điều 28, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

“Điều 28. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng

1. Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất có chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải tự rà soát, kê khai việc sử dụng đất và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo các nội dung sau đây:

a) Tổng diện tích đất đang sử dụng;

b) Diện tích đất cơ sở tôn giáo phân theo từng nguồn gốc: Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao; nhận chuyển nhượng; nhận tặng cho; mượn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tự tạo lập; nguồn gốc khác;

c) Diện tích đất mà cơ sở tôn giáo đã cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mượn, ở nhờ, thuê;

d) Diện tích đất đã bị người khác lấn, chiếm.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra thực tế, xác định ranh giới cụ thể của thửa đất và quyết định xử lý theo quy định sau đây:

a) Diện tích đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của cơ sở tôn giáo và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó để giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi về sử dụng đất của các bên phù hợp với thực tế;

b) Diện tích đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì giải quyết như đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân mượn đất, thuê đất của hộ gia đình, cá nhân khác theo quy định của pháp luật đất đai;

c) Diện tích đất mở rộng cơ sở tôn giáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; bị lấn, bị chiếm; đang có tranh chấp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật.

3. Diện tích đất của cơ sở tôn giáo sau khi đã xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều này và có đủ điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều 102 của Luật Đất đai thì cơ sở tôn giáo được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài.

Trường hợp đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm cơ sở hoạt động từ thiện (kể cả trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho trước ngày 01 tháng 7 năm 2004) thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức và thời hạn sử dụng đất tương ứng với mục đích đó như đối với hộ gia đình, cá nhân”.

Như vậy, vấn đề cần làm rõ ở đây là phía Giáo hội Công Giáo đã thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 28, Nghị định 43/2014/NĐ-CP hay chưa?

Nếu câu trả lời là có, thì cần làm rõ việc từ chối của phía chính quyền là đã vi phạm vào các quy định pháp luật liên quan nào?

Thông thường trong các vụ kiện hành chính, phía nguyên đơn luôn củng cố chứng lý để theo đuổi vụ kiện, do vậy rất có thể còn nhiều ẩn tình chưa được nhắc tới trong bộ hồ sơ khởi kiện mà Giáo hội Công Giáo Việt Nam – Tổng Giáo phận Sài Gòn – đã ủy quyền cho linh mục Chánh xứ Giáo xứ Thị Nghè đứng Đơn khởi kiện.

Tin bài liên quan:

VNTB – Sao lại phải giải cứu… nhà nước?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Nếu Kim Tử Long kiện nhà bảo hiểm, liệu có thắng không?

Do Van Tien

VNTB – Lượng hình thế nào khi xét xử?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo