(VNTB) – Trúng kế “dụ rắn ra khỏi hang” của Tô Lâm, rồi bị gài thêm vụ Chile, bây giờ Lương Cường phải nịnh bợ Tập Cận Bình để mong được chiếu cố
Sau “dâm sự” ở Chile, Lương Cường không còn mặt mũi đi ra nước ngoài thêm lần nào nữa. Từ đó, Tô Lâm đã vừa làm Tổng Bí thư vừa kiêm nhiệm Chủ tịch nước để đi ngoại giao và ký nhiều hiệp định quốc tế. Cuộc gọi giữa Tô Lâm và Donald Trump phơi bày một sự thật là Chủ tịch nước Lương Cường đã bị triệt hết mọi quyền lực trong hệ thống chính trị CSVN.
Tổng Bí thư chiếm quyền đại diện Việt Nam của Chủ tịch nước
Theo Hiến pháp Việt Nam thì Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt đất nước về đối nội và đối ngoại, là người có quyền ký hiệp ước với các nước. Trong khi đó, chức vụ Tổng Bí thư tuy là cao nhất hệ thống chính trị CSVN, nhưng đối với quốc tế thì Tổng Bí thư chỉ là đứng đầu một đảng, không đại diện cho một đất nước, không có quyền đại diện cho Việt Nam đứng ra đàm phán với nước khác.
Bởi vậy, về nguyên tắc, cái gọi là “điện đàm” của Tô Lâm gọi cho Donald Trump chỉ là cuộc nói chuyện xã giao, Tổng Bí thư không phải là người đủ điều kiện đại diện Việt Nam nói chuyện với Tổng thống Mỹ. Cũng cần nhắc lại rằng Tô Lâm từng đại diện Việt Nam đi Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái. Nhưng đó là lúc họ Tô kiêm nhiệm hai ghế Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Sau khi nhường ngôi cho Lương Cường thì Tô Lâm không đủ tư cách để đại diện cho Việt Nam nữa.

Đã vậy, khi Tô Lâm gọi cho Trump tối 4/4 thì Lương Cường thậm chí còn không được có mặt tại Trụ sở Trung ương Đảng. Trong tứ trụ thì chỉ có Tô Lâm và Phạm Minh Chính xuất hiện trong buổi điện đàm. Chứng tỏ Tô Lâm chẳng coi Lương Cường ra gì.
Sau cuộc gọi với Trump, Tô Lâm tiếp tục viết thư gửi Tổng thống Mỹ, người đứng đầu đảng CSVN còn ghi rõ là “chỉ đạo Đặc phái viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc” đi đàm phán. Tức là Tô Lâm nắm luôn quyền hành của Chủ tịch nước và Thủ tướng. Lưu ý, lá thư này Tô Lâm đóng dấu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, đây không phải là con dấu đại diện cho đất nước, mà chỉ là đại diện cho Đảng CSVN.

Chưa hết, cuối thư Tô Lâm còn xin Trump “xếp lịch làm việc để chúng ta có thể gặp mặt trực tiếp ở Washington DC vào cuối tháng 5/2025 để cùng thống nhất công việc quan trọng này”. Vậy tháng sau Tổng Bí thư CSVN sẽ đại diện đất nước đi Mỹ đàm phán.
Tất cả những động thái này đều cho thấy Tô Lâm muốn chứng minh với cả thế giới rằng Tổng Bí thư CSVN mới là người đứng đầu đất nước, Tô Lâm đã gửi đi thông điệp là đã “phong ấn” thành công Lương Cường. Trước đây chức vụ Chủ tịch nước ít nhất cũng được coi là hình thức, bây giờ thì không còn là con bù nhìn nữa, mà đã hoàn toàn bị tê liệt.
Lương Cường bị phong ấn từ bao giờ?
Được Tô Lâm nhường chức Chủ tịch nước từ ngày 21/10 năm ngoái, cứ tưởng Lương Cường sẽ làm nở mặt nở mày phe quân đội, cân bằng sức ảnh hưởng với phe công an. Ai ngờ chỉ trong vòng 20 ngày sau khi nhận chức, ông Cường đành nhục nhã rút về hậu trường, nhường quyền ngoại giao lại cho Tô Lâm.
Khởi sự bởi chuyến công du quốc tế đầu tiên của Lương Cường trên cương vị chủ tịch nước, đi các nước Nam Mỹ từ ngày 09 đến 12/11/2024. Một ngày sau khi tới Chile, Lại Đắc Tuấn, cận vệ của Lương Cường, bị bắt giam khi có hành vi lạm dụng tình dục nữ nhân viên khách sạn bản địa. Chuyến đi vẫn tiếp tục, ngày 13/11, phái đoàn Lương Cường tới Lima (Peru) để dự Hội nghị thượng đỉnh APEC. Và đó cũng là lần cuối cùng người ta thấy Chủ tịch nước Việt Nam ra nước ngoài.
Có thể xác định rằng Tô Lâm đã gài bẫy Lương Cường, vì Lại Đắc Tuấn là phó trưởng phòng Hậu Cần, thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Vệ, Bộ Công An Việt Nam. Bằng cách này, phe công an đã cố tình hạ nhục Lương Cường và phe quân đội để chiếm lợi thế trong bộ máy chính trị CSVN. Sau vụ mất mặt đó, Lương Cường đã không còn công du nước ngoài thêm lần nào nữa, mà các chuyến đi ngoại giao đều chỉ thấy Phạm Minh Chính hoặc Tô Lâm.
Từ khi Lương Cường không ra khỏi lãnh thổ Việt Nam nữa, thì Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần đại diện Việt Nam ký nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với các nước, như Malaysia (tháng 21/11/2024), Indonesia (10/3/2025), Singapore (12/3/2025). Như vậy, Tô Lâm đã vừa làm Tổng Bí thư, vừa kiêm nhiệm ghế Chủ tịch nước của Lương Cường để đi ngoại giao.
Cần nhớ rằng các công tác ngoại giao, ký hiệp định quốc tế của Việt Nam trước nay vẫn được giao cho Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng đảm nhận. Thỉnh thoảng Chủ tịch Quốc hội cũng đi công du quốc tế. Còn Tổng Bí thư thì rất ít khi thấy đi công du. Người tiền nhiệm của Tô Lâm, ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư hơn 13 năm, chỉ đi công du nước ngoài 30 lần (trung bình hơn 2 lần mỗi năm).
Trong khi đó, từ khi giành được ghế của ông Trọng tới nay, chỉ trong vòng 9 tháng, Tô Lâm đã đi Trung Quốc, Mỹ, Cuba, Mông Cổ, Ireland, Pháp, Malaysia, Indonesia, Singapore, Lào (không tính các chuyến đi khi Tô Lâm còn ở chức Chủ tịch nước).
Ham ghế Chủ tịch nước, Lương Cường trúng kế dụ rắn ra khỏi hang của Tô Lâm
Sau khi triệt hạ hoàn toàn phe Nguyễn Phú Trọng và Vương Đình Huệ, Tô Lâm đã tạo ra một sự bất mãn khủng lồ trong nội bộ đảng cộng sản. Các thân tín còn lại của phe Trọng – Huệ như Trần Cẩm Tú, Phan Đình Trạc đã tìm nhiều cách để lôi kéo phe quân đội vào cuộc. Vì tình thế lúc đó chỉ có quân đội mới đủ sức đối đầu với phe công an.
Việc chủ động nhường ghế Chủ tịch nước cho Lương Cường là chiêu nghi binh của Tô Lâm để tránh nguy cơ xảy ra đảo chính. Chuyện này giúp Tô Lâm đạt được hai mục tiêu. Thứ nhứt, lấy lòng Lương Cường là có được một nửa bên phe quân đội (họ Lương vốn là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội). Thứ hai, dụ rắn ra khỏi hang.
Đưa đại tướng lên làm chủ tịch nước là chiêu mà Nguyễn Phú Trọng đã từng hai lần thực hiện để dụ rắn ra khỏi hang. Lần đầu, Nguyễn Phú Trọng thành công khi dụ Đại tướng Trần Đại Quang bỏ ghế Bộ trưởng Công an để lên làm chủ tịch nước, rồi hai năm sau đó ông Quang qua đời, giao ghế chủ tịch nước lại cho ông Trọng “kiêm nhiệm”. Lần thứ hai, ông Trọng đưa Đại tướng Tô Lâm lên làm Chủ tịch nước, với ý đồ giành lại Bộ Công an từ phe Hưng Yên. Nhưng lần đó ông Trọng không lừa được Tô Lâm.
Và tháng 10 năm ngoái, Tô Lâm lại dùng chính cái chiêu của ông Trọng để lừa phe quân đội. Tưởng đâu quân đội sẽ cân bằng với công an, khi có một ghế trong tứ trụ. Nhưng cuối cùng Lương Cường lại bị gài vào thế, chẳng khác nào một gã khờ bị Tô Lâm dắt mũi.

Bị Tô Lâm ép quá, nên vừa rồi Lương Cường phải ra tận sân bay đón Tập Cận Bình. Thậm chí video báo chí cho thấy lúc đó họ Lương đã đứng chào Tập Cận Bình theo kiểu lính chào cấp trên, rồi lại dùng cả hai tay bợ sếp lớn từ thiên triều (chứ không phải bắt tay một cách bình đẳng theo kiểu ngoại giao quốc tế thông thường).
Cần nhớ, dù được Tô Lâm chủ động nhường ghế, nhưng một tuần trước khi nhận chức Chủ tịch nước, Lương Cường đã phải bay qua Trung Quốc xin Tập Cận Bình sắc phong. Từ đó có thể hiểu được lý do vì sao lần này họ Lương lại tìm cách nịnh nọt Tập Cận Bình để được chiếu cố, chống lưng. Chưa biết có được họ Tập chiếu cố không, nhưng sự việc càng cho thấy sự bạc nhược, thất thế của một kẻ từng mang hàm đại tướng quân đội CSVN.