Hoài Nguyễn
(VNTB) – Rất chi tào lao khi Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao cho biết ngành toà án đã thay đổi tư duy, coi “giúp dân” chính là mang lại công bằng cho người dân.
Báo Pháp Luật TP.HCM, tường thuật:
“Trình bày tham luận tại Đại hội XIII của Đảng sáng 27-1, Phó Chánh án thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang cho biết, khối lượng công việc mà Tòa án phải giải quyết năm sau cao hơn năm trước từ 8-10%.
Riêng năm 2020, Tòa án giải quyết hơn 600.000 vụ việc các loại, tăng gấp 3 lần so với năm 2005 và hơn 2 lần so với năm 2010. Trong khi đó, số lượng biên chế của Tòa án 10 năm gần đây không thay đổi.
“Trước đây, chúng ta coi việc giúp dân là làm thay cho dân; nhưng với tư duy đổi mới, Tòa án giúp dân chính là mang lại công bằng cho người dân”- ông Quang nói” (*)
Thật khó hiểu với câu viết ngô nghê trong tham luận mà ông Lê Hồng Quang đọc. Bởi làm gì có chuyện tòa án sao lại nói là đang giúp ai, chỉ có thượng tôn pháp luật và công bằng mà thôi. Không giúp ai. Làm đúng pháp luật. Đơn giản chỉ là vậy.
“Ra rả đọc tham luận nói rằng Tòa án giúp dân là thấy sai sai rồi, là công lý thì không giúp ai cả” – “Trời đất. Đến giờ vẫn còn tư duy ban phát ở thượng đỉnh thế này thì sợ thật” – “Mang lại công bằng cho Dân là nhiệm vụ của Toà án chứ!” – “Lẽ phải có đời sống riêng của nó chứ không thể là ý chí chủ quan của riêng ai” – “Nhà nước ngoài bản chất giai cấp còn có bản chất xã hội. Suy rộng ra thì Tòa án là một trong những cơ quan của nhà nước cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân dưới góc độ công quyền, và cũng là để thực hiện bản chất xã hội đó, để nhận dịch vụ đó, người dân phải chi trả thuế, án phí… Nói vậy, thấy sao sao!”…
Đó là một số nhận xét của độc giả trong ngành luật.
Thật khó hiểu khi giới tinh hoa của Đảng dự Đại hội XIII lại có thể chung nếp nghĩ rằng, “làm thay cho dân” và “mang lại công bằng cho người dân” được coi là một sự chuyển biến. Điều đó có nghĩa là trước đây Toà án làm thay, còn bây giờ mới mang lại công bằng? Có những nội dung khó hiểu thật từ tham luận của Tòa án nhân dân Tối cao.
Nhiệm vụ của tòa án là bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng tự nhiên vốn có, chứ chẳng phải bảo vệ “ông dân”, hay “ông tội phạm” nào cả!
Chẳng lẽ lại suy nghĩ: Tòa án xứ ta là tòa án nhân dân, nên nhiệm vụ phải bảo vệ nhân dân, trừ trường hợp nhân dân trở thành người phạm tội?! Còn nói theo ngôn ngữ sinh viên đang còn mài đũng quần trên giảng đường trường luật, thì nhiệm vụ của tòa án là gì, hãy giở Nghị quyết 49, Hiến pháp, Luật Tổ chức tòa án, và Bộ luật Tố tụng hình sự, cùng các bộ luật tố tụng khác sẽ thấy đã quy định rồi.
Có lẽ ở đây tạm gọi là “đổi mới tư duy sai lạc”. Và chính điều đó nên giờ đây giới sinh viên trường luật có thể đã hiểu, tại sao người ta không bổ nhiệm Chánh án Toà án nhân dân tối cao từ những nhân vật đang làm lãnh đạo trong các toà án ở nước ta hiện nay.
Thiếu hiểu biết nghiêm trọng về tư pháp, và hầu như không có một tư tưởng tư pháp, hay một tư tưởng chính trị nào đáng kể, ngoài kỹ năng và nghiệp vụ đơn thuần của các thẩm phán thông thường là đặc trưng lớn nhất của các lãnh đạo tư pháp hiện nay ở xứ Việt thì phải.
Nói ra giờ sợ bị ‘chụp mũ’ gán ghép là ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’, chứ cái cần nhất hiện nay ở Việt Nam là thấu hiểu những tư tưởng nền tảng của tư pháp. Có được sự thấu hiểu đó, thì chúng ta mới có thể có được những thẩm phán thực thụ nắm trong tay quyền lực tư pháp, theo đúng nghĩa để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh!
Giá như Đại hội Đảng mà có phản biện, chất vấn thì hay biết bao…
_______________
Chú thích:
(*) https://plo.vn/phap-luat/toa-an-mang-lai-cong-bang-cho-dan-chinh-la-giup-dan-964056.html