Phạm Hồng Phong
(VNTB) – Thông tin báo chí chính thống cho biết Luật Đất đai năm 2013 sẽ được sửa đổi toàn diện sau Đại hội ĐCSVN. Ngoài ra, Luật biểu tình, Luật về Hội, Luật đặc khu sẽ được xây dựng sau năm 2021 (?)
Như vậy phải sau đại hội mới nhận biết chính xác những thay đổi mới trong luật và dự luật liên quan trực tiếp đến quyền kinh tế, dân sự và chính trị của người dân. Tác động của việc sửa đổi dự luật trên, bao gồm hai dự luật thực tế Điều 25 của Hiến pháp 2013 vì thế sẽ vô cùng to lớn.
Tại sao phải sau đại hội 13?
Báo cáo truyền thông chính thống dẫn lời người đứng đầu Bộ tư pháp, “tránh các thế lực thù địch lợi dụng để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta”. Đây có vẻ là mẫu an ninh được áp dụng nhiều thập niên qua, trước đó vào kỳ Đại hội 12, tháng 1/2016, tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra năm 2015 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong thời gian từ nay đến Đại hội Đảng 12, không để người dân khiếu kiện vượt cấp, đông người, lên Hà Nội và TP.HCM.
Một lý do không kém phần quan trọng khác nằm ở nguyên tắc “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” thông qua nghị quyết đại hội trong chế độ hiện hành.
“Mặt khác, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương sẽ ban hành Nghị quyết mới mang tính chiến lược, toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai.” [https://www.tienphong.vn/xa-hoi/sau-dai-hoi-dang-sua-toan-dien-luat-dat-dai-1643253.tpo]
Nghị quyết Đại hội là văn bản đánh giá lại quá trình thực hiện nghị quyết trước đó, đồng thời đề ra mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong giai đoạn 5 năm kế tiếp (2021-2025). Bộ máy nhà nước vì thế buộc phải phục lệnh Nghị quyết Đại hội, các văn bản luật do đó tạm thời đóng băng trong thời điểm diễn ra Đại hội cũng là điều dễ hiểu.
Mặc dù nghị quyết đã soạn thảo và hoàn thành “tinh hoa quốc gia” và tính chất nghị quyết là định hướng bao quát toàn bộ quá trình phát triển của đất nước, nhưng không phải lúc nào “giới tinh hoa” cũng có thể bắt nhịp thời đại. Trong cuộc thực tiễn, nhiều nghị quyết được ban hành tại hội nghị không thể phản ánh chính xác và đúng đắn tình hình thực tế trong và ngoài nước như Đại hội lần thứ năm.
Đại hội lần năm được đánh giá là có “sai lầm, khuyết điểm chủ yếu do tư tưởng chủ quan, nóng vội, giáo điều”. Trong nền kinh tế tập thể, những người bảo thủ gần như đã loại bỏ nền kinh tế tư nhân, khiến kinh tế và xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Trong bài phát biểu bế mạc của Đại hội toàn quốc lần thứ sáu đã thừa nhận rằng “chưa thực hiện được mục tiêu tổng quát do Đại hội lần thứ V đề ra là về cơ bản ổn định tình hình kinh tế – xã hội, ổn định đời sống nhân dân.”
Đại hội 13 sẽ được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 làm xói mòn kho bạc nhà nước, trong khi sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh đe dọa chủ quyền quốc gia. Mối quan hệ cấp nhà nước giữa EU, Hoa Kỳ với chính phủ của Tập Cận Bình đã trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết và Việt Nam đã bắt đầu được hưởng các nguyên tắc giá trị của thỏa thuận EVFTA. Tuy nhiên, để hiểu được các vấn đề trong và ngoài nước này, và có thể được đưa vào nghị quyết Đại hội 13 hay không thì tùy thuộc vào việc có bao nhiêu “tinh hoa chủ chốt” đủ tư duy đổi mới và nhận thức biến chuyển thời cuộc. Đại hội 6 thành công trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế – xã hội dẫn đến thay đổi nhận thức não trạng người cộng sản chủ chốt, hiện diện 2 nhân sự chủ chốt là kiến trúc sư đổi mới Trường Chinh (Tổng bí thư) và nhà thực hành kỹ trị Võ Văn Kiệt (Thủ tướng Chính phủ).
Như thế, đại hội 13 có toàn diện hay không phụ thuộc nhiều vào áp lực trong và ngoài có đủ tạo chuyển biến nhận thức mang tính đột phá trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao như thời điểm Đại hội 6 diễn ra hay không. Giả thuyết rằng áp lực đủ lớn thì đại hội 13 sẽ nghiêng về cải cách thể chế như đại hội 6, ngược lại thì đại hội 13 sẽ tương tự như đại hội 5.