VNTB – Tội cho họ lắm, VTV ơi…

VNTB – Tội cho họ lắm, VTV ơi…

Mỹ Thuận

(VNTB) – Trong bản tin tài chính kinh doanh sáng 17/8/2020 của VTV1, người dẫn chương trình có đưa ra nhận định: “Người bán rong ở thành phố Hồ Chí Minh sống như ký sinh trùng”.

Tuy nhiên phóng sự phát ngay sau lời đề dẫn đó được bắt đầu bằng lời rao rặt giọng Sài Gòn: “Có ai ăn xôi, ăn bắp hôn?”, và tít của clip là “Gánh hàng rong bám chặt vào hè phố” do nhóm phóng viên VTV24 thực hiện (https://youtu.be/TWGO1rzRjv0).

 

Xúc xiểm giới cần lao mà Đảng đang là đại diện?

Hiến pháp 2013, Điều 4.1 ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Phát ngôn nói trên của biên tập viên đọc bản tin của VTV 1 là một lời sỉ nhục, xúc phạm đến những người buôn gánh bán bưng ở Sài Gòn, và xúc phạm luôn cả nhóm phóng viên VTV24 thực hiện clip “Gánh hàng rong bám chặt vào hè phố”; và như viện dẫn Hiến định ở Điều 4.1, ở đây còn là xúc xiểm luôn cả Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại sao một người dẫn chương trình trên sóng truyền hình quốc gia lại có thể nói ra một câu sỉ nhục, xúc phạm giới cần lao một cách trơn tuột, dễ dàng, không chút ngại ngần như thế?

Có người nghĩ anh ta không biết ký sinh trùng là gì nên nói mà không biết mình nói cái gì. Người thì bảo anh ta ví von. Người thì khẳng định, đó không phải là lời nói của người không có kiến thức, chỉ biết nói theo người khác. Anh ta cũng không ví von.

Anh ta khẳng định “những gánh hàng rong VỐN ĐƯỢC XEM LÀ sống ký sinh trùng bên trên những con phố này…”. Không thể biện luận rằng việc dùng cụm từ “vốn được xem là” trong trường hợp này là ví von, mà đó là mẫu câu xác tín. Vấn đề ở đây – nói hơi nặng lời chút, là trước đó, anh ta hay VTV1, hay chính sách, hay chính quyền hay phe nhóm nào đó trong đảng; hay từ ai, từ đâu đã làm cho anh ta nghĩ đó là sự thật?

Dốt, cẩu thả, hay đây là hệ lụy của “con ông cháu cha”?

Với học trò phổ thông, kiến thức môn sinh vật dạy rằng, trong sinh học và sinh thái học, ký sinh là một mối quan hệ cộng sinh không tương hỗ giữa các loài, trong đó có một loài là ký sinh, sống bám vào loài kia là vật chủ hay ký chủ.

Sinh vật ký sinh và ký chủ có thể là động vật hay thực vật, đơn bào hay đa bào. Trong y học, ký sinh trùng hay động vật ký sinh là sinh vật chiếm sinh chất của các sinh vật khác đang sống để tồn tại và phát triển.

Trong tự nhiên rất nhiều sinh vật tự kiếm lấy thức ăn cho mình nhưng ký sinh trùng phát triển theo hướng khác, chúng sống gửi, sống bám hoàn toàn hoặc một phần vào loài khác, như giun móc hay ký sinh trùng sốt rét.

Những động vật ký sinh điển hình như các loài giun sán ký sinh trong ruột, chí rận/ rệp ve ký sinh ngoài da vật chủ…

Như vậy xét về tính tương đồng cho ví von, thì người bán rong ở thành phố Hồ Chí Minh không sống như ký sinh trùng.

Kiến thức về đô thị học cho biết như sau về “người bán hàng rong”:

Trong muôn mặt của đô thị Sài Gòn, hình ảnh những người lao động lam lũ trên đường phố luôn là đề tài sống động. Không đến nỗi phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, nhưng họ cũng đã đổ biết bao mồ hôi công sức để có được bát cơm.

Đầu năm 2014, Phòng Nghiên cứu vỉa hè (Lab vỉa hè – SLAB) của Viện Công nghệ Massachusetts – MIT (Mỹ) do giáo sư Annette Kim điều hành đã cùng với nhóm nghiên cứu ở Việt Nam ghi nhận hơn 3.800 hoạt động diễn ra trên vỉa hè của 6 phường trên địa bàn TP.HCM, và phỏng vấn 250 người bán hàng rong.

Kết quả thống kê là có trên 150 hoạt động vỉa hè khác nhau tại khu vực trung tâm TP.HCM (quận 1 và quận 5). Qua đó có thể thấy rõ sức sống của các hoạt động diễn ra phong phú tùy theo khu vực, tùy theo địa điểm và thời gian. Những hoạt động này hiện tại đang phục vụ cho người dân địa phương.

Ông Lê Minh Tiến, một chuyên gia về đô thị học, nhận xét về kinh tế vỉa hè, nơi được gọi là khu vực phi chính thức theo ý nghĩa thống kê kinh tế học:

“Chúng ta thử đặt câu hỏi xem Hà Nội và TP.HCM nếu không có sự đóng góp của khu vực phi chính thức thì đời sống kinh tế – xã hội ở hai nơi này sẽ ra sao? Các bà nội trợ và hầu hết các hộ gia đình có thu nhập thấp, giới công nhân lẫn sinh viên… ở thành phố sẽ mất đi một nguồn cung ứng rau quả, thực phẩm, hàng hóa nhanh – rẻ – tiện lợi từ các gánh hàng rong, trong các chợ cóc và trên các vỉa hè. Phó chủ tịch của một quận ở TP.HCM phát biểu rằng “sau gánh hàng rong là nguồn sống của một gia đình” là điều hoàn toàn chính xác.

Bên cạnh chức năng kinh tế – xã hội như vừa nêu trên, hàng rong trong chừng mực nào đó còn có chức năng văn hóa nữa khi nó là một trong những nét riêng biệt của Việt Nam so với thế giới. Những quang gánh hàng rong tất nhiên tạo nên một sự thích thú nào đó cho du khách từ các nước khác đến với chúng ta.

Đồng thời, hàng rong nó cũng gắn với lối sống của phần lớn người dân Việt bởi người Việt thích ăn hàng rong và có lẽ không có ai trong đời mà chưa từng ăn hàng rong. Người ta có thể ý thức được sự không an toàn về chất lượng sản phẩm của hàng rong nhưng người ta vẫn dùng đến nó vì những lý do mang tính thói quen văn hóa nào đó”.

Mỗi tấc vỉa hè đều có một cuộc đời

Gác qua những lý luận hàn lâm, xin thử điểm qua lời ca khúc “Gánh hàng rong” của nhạc sĩ Lê Quốc Dũng, về hình ảnh người mẹ tần tảo:

Trên con phố khuya có một người đang bán hàng rong

Cơn mưa vẫn rơi tiếng rao buồn lạc lõng chơi vơi

Bao năm vẫn ngược xuôi lòng vui thấy con thơ mĩm cười

Mưa ơi thôi đừng rơi để mẹ về còn chút niềm vui”…

Họ đến từ nhiều nơi, xuất thân từ những ngành nghề khác nhau, họ có những hoàn cảnh, nhưng giữa họ có những điểm chung, đó chính là cái gánh mưu sinh nặng trĩu trên vai, và niềm hy vọng vào một ngày mai cơm no áo ấm.

Từ chè, bắp, khoai đến đủ các loại bánh dân dã có, cầu kỳ có, bằng đôi bàn tay khéo léo, cần mẫn của mình, các bà, các cô với đôi gánh hàng rong trên vai rong ruổi khắp các con đường ngõ hẻm. Có lẽ họ chỉ là những người lao động bình thường như bao người khác.

Nhưng chính từ những con người bình thường ấy, từ đôi gánh hàng rong thô kệch, mộc mạc ấy đã chắp cánh cho bao nhiêu ước mơ của những giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, những doanh nhân tương lai. Để rồi một ngày khi ước mơ đó thành hiện thực những kỹ sư, bác sĩ ấy sẽ mãi khắc ghi trong tim hình ảnh đôi gánh hàng rong trên đôi vai gầy guộc của mẹ như một phần của tuổi thơ, một phần đẹp đẽ nhất, đáng nhớ nhất của cuộc đời mình.

Ngày vui chóng qua chốn đô thành rực rỡ phồn hoa

Còn đây bóng ai thân héo gầy oằn gánh trên vai

Cho con bao ngày vui mẹ cay đắng xót xa ngậm ngùi

Ôm con trong vòng tay mẹ quên hết bao nhiêu mỏi mệt

Có lẽ những ước mơ trong sáng, những tiếng cười con thơ chính là nguồn động lực khiến cho những người phụ nữ nhỏ bé ấy chịu đựng biết bao cay đắng, vượt qua biết bao vất vả nắng mưa của cuộc đời. Những giọt mồ hôi thấm ướt vai, những đôi chân mỏi mòn trên đường đời gian khổ, nhưng trong đôi mắt ấy vẫn sáng lên niềm vui và niềm tự hào khi nhắc đến những đứa con của mình.

Vì họ biết rằng mỗi giọt mồ hôi rơi xuống, mỗi đồng tiền mà họ chắt chiu dành dụm sẽ đổi lấy những giây quý báu cho con họ được đến trường, được tiến gần hơn với ước mơ, với tương lai mong đợi.

Thật tội cho họ nếu như những ai đó gọi những người mẹ, người cha, người chị, người anh tần tảo ấy là “sống như ký sinh trùng” (!?).

Tội nghiệt cho họ lắm, VTV ơi…

***

“Vỉa hè Sài Gòn là không gian công cộng sống động, nhân bản và hợp tác”

Annette Kim, giáo sư đô thị học và quy hoạch của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) đã có hơn 15 năm nghiên cứu TP.HCM. Bà và cộng sự (KTS Lê Nguyễn Hương Giang) đã tìm thấy ở vỉa hè TP.HCM bình dị những phẩm chất để tạo nên một đô thị sống tốt.

hàng rong

Annette Kim (giữa) cùng kiến trúc sư Lê Nguyễn Hương Giang với một xe hàng rong ở vỉa hè quận 1, TP.HCM

Bà Annette Kim: Phát hiện thú vị nhất là về mức độ tin tưởng và hợp tác xã hội diễn ra trên vỉa hè. Hầu hết những người bán hàng rong chia sẻ rằng các cửa tiệm thường giúp đỡ họ, cho họ dùng điện nước miễn phí và gửi đồ qua đêm.

Lý do để giải thích cho sự giúp đỡ này là vì mọi người hiểu rằng những bán hàng rong cần phải kiếm sống. Thậm chí các cửa tiệm cũng coi những gánh hàng rong là phần bổ sung cho dịch vụ của họ, ví dụ các nhà hàng thì phục vụ đồ ăn còn cà-phê được bán trên vỉa hè.

Lý do khác nữa là người dân thấy sự tiện lợi mà những gánh hàng rong mang lại. Những người bán hàng rong cũng hợp tác với nhau như trường hợp ba người bán hủ tiếu, bán nước và bán kẹo góp chung tiền mua bàn ghế nhựa và linh động về chuyện khách ngồi ở đâu.

Tất cả những sinh hoạt trên vỉa hè, bao gồm cả buôn bán, chỉ chiếm từ 10% đến 40% không gian, còn để lại khá nhiều chỗ trống cho người đi bộ. Trong khi đó, hoạt động chiếm nhiều không gian nhất là đỗ xe gắn máy.

Trên những vỉa hè TP.HCM, nhiều người cùng chia sẻ không gian cho những hoạt động khác nhau, vào những thời điểm khác nhau. Ở một góc phố, lúc 5g sáng, vỉa hè là nơi ngả lưng của những người muốn hưởng sự thoáng đãng của khí trời. Sau đó là nơi phục vụ bữa sáng và cà phê.

Có một khoảng lặng trước khi vỉa hè lại đông đúc trong giờ ăn trưa. Vào lúc xế chiều, vỉa hè là nơi mọi người ngồi nghỉ, ngắm phố phường hoặc mua bán. Tất cả những câu chuyện này diễn ra trên một đoạn vỉa hè. Thật kỳ diệu khi ta nhận ra rằng bao nhiêu phần của cuộc sống có thể được nuôi dưỡng trong không gian công cộng khiêm nhường này.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)