Thái Hóa Lộc
(VNTB) – Bốn mươi năm quá dài mà chính tôi không tìm thấy tôi.
Chiều cũng đã hết nắng trên đường lấy thư về tôi ghé thăm đồng nghiệp Mai Văn Đức chủ báo Bút Việt đang săn sóc tại Legend Oaks Rehab. Nhiều người hỏi thăm tôi, tình trạng sức khỏe của anh như thế nào! Đã hơn 8 tháng anh nằm ở nơi đây từ khi rời bệnh viện ở Rowlett. Tôi không thể trả lời sức khỏe của anh Đức có tiến triển gì không và đến lúc nào mới trở lại bình thường.
Vào thăm Đức, anh vẫn tỉnh táo và minh mẫn như những ngày trước đây lúc chưa bị bệnh nhưng tôi không thể kể lại những gì tôi đã thấy trong một căn phòng dành cho anh và hôm nay có thêm một người đồng hương Việt Nam khác bên cạnh. Tôi cũng được biết là hai người trước đây cùng phòng với anh đã vĩnh viễn ra đi; trong đó có anh Cường chủ nhà hàng Thăng Long trên đường Belt line Road gần trung tâm sinh hoạt Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Dallas. Nhìn quanh trong phòng,
tôi thấy có vài tờ báo Người Việt Dallas cũ, mới ở vài nơi không thứ tự, có lẽ một vài người quen ghé thăm mang đến để anh đọc cho qua ngày tháng. Nhưng tôi biết anh đã không đọc; nếu có cũng chỉ lướt qua một vài tựa đề trên trang đầu tiên. Bởi vì đọc thì không tra1nh khỏi bùi ngùi nhớ lại ngày cũ không xa lắm, một năm về trước. Một Mai Văn Đức xông xáo, chưa thấy người đã nghe tiếng nói và khi đã nói thì “dao to búa lớn”. Tính tình anh vốn như vậy nhưng đối với mọi người cũng quen đi.
Gần ba mươi năm cùng nghề, sinh hoạt trong lãnh vực báo chí không tránh khỏi những đụng chạm cố ý hay vô tình… Buồn có vui có…Tiếng cười trong nước mắt!
Lúc báo chí đoàn kết nhất là ngày Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí ra đời để chống lại “cộng đồng ra báo”. Thời gian “báo cộng đồng” gồm 5 cộng đồng họp lại (Cộng đồng Dallas – Cộng đồng Fort Worth – Cộng đồng Houston – Cộng đồng Austin và Cộng đồng San Antonio).
Ngoài ra tôi ghé thăm Đức vì có nguồn tin anh đã tìm lại Đức tin và nhận ra mình sau những năm tháng đời sống bon chen sân hận. Tôi cố gắng nán lại để được anh kể lại những gì đang thay đổi nơi anh, nhưng không tìm ra “ánh sáng cuối đường hầm”…Tôi đành từ giã anh trong sự bùi ngùi luyến tiếc…
Tôi vừa ra đến cửa của Legend Oaks lạ gặp Mai Bình một cựu sĩ quan Nha Kỹ Thuật và cùng làm việc với tôi trong thời gian đầu cộng tác đài phát thanh VBS, đài phát thanh đầu tiên của người Việt tại Dallas. Tôi theo bước chân anh đến thăm chị Hương cũng đang nằm trong viện dưỡng lão Legend Oaks trước anh Mai Văn Đức. Tôi chưa bao giờ nghĩ ra, một người chồng như anh Mai Bình đã săn sóc cho vợ mình hơn 10 năm nay từ nhà đến viện dưỡng lão. Ngày nào anh cũng đến thăm chị Hương một lần! Ngày nay theo lời anh Mai Bình, chị Hương không còn biết gì.
Anh săn sóc chị Hương như một đứa bé từ ăn uống đến mặc quần áo. Tôi không biết nói gì để nói với anh Mai Bình ngoài sự kính phục một người chồng chung thủy tuyệt vời. Anh chỉ chia sẻ với tôi: “Dù sao Hương là mẹ của hai đứa con và bà của các đứa cháu…”.
Từ giường của chị Hương bên cạnh là giường của bác Phạm Thị Hoa, phu nhân của cố Đại tá Trương Văn Thành nguyên khóa 5 Trường Võ Bị Đà Lạt đã mãn phần. Năm nay cụ 92 tuổi vào nơi này cũng khá lâu. Cụ còn rất minh mẫn và nói chuyện rất rành mạch. Cụ kể về chuyến thăm chồng xa xôi ngoài Bắc, mặc dù là tín hữu trở lại đạo muộn nhưng mỗi ngày cụ bà đều lần chuỗi 5 lần…
Bước ra khỏi Legendaks, lòng tôi nặng trĩu. Tôi muốn sống lại tuổi thơ. Bây giờ tôi mới cảm nghiệm lời người ta vẫn thường hay nói: Khi còn nhỏ, chúng ta ước muốn được lớn thật nhanh, để được làm người lớn, được tự do làm điều mình yêu thích.
Nhưng khi đã trưởng thành rồi, ai cũng muốn ngoảnh lại nhìn về ký ức thuở bé thơ, muốn được thu gọn lại trong vòng tay của cha, được chở che trong căn nhà nhỏ ba gian … Thực ra, không phải vì ước mơ lớn lên của con người thay đổi, mà là vì hình như chúng ta đều đã lớn. Chỉ là ký ức về những thước phim tuổi thơ cất gọn ở đâu đó, thi thoảng khiến chúng ta nuối tiếc mỗi khi nhớ về…Và thực tế trước mắt những hình ảnh mà tôi đã thấy những gì tại Legend Oaks.
Một sự tình cờ và bất ngờ khác hôm nay tôi có được niềm vui và muốn ghi lại dòng cảm nghĩ này chính là gặp lại anh chị Hồ Hội sau 40 năm; nếu không có người bạn Nguyễn Đức Lê làm cầu nối thì chẳng bao giờ tôi nhìn ra sự thay đổi của tôi, “Tôi của ngày xưa” và “người ấy”, anh chị bác sĩ Hồ Hội!
Bốn mươi năm quá dài mà chính tôi không tìm thấy tôi. Tôi không có cơ hội để gặp lại anh kể từ ngày gia đình anh rời Dallas về El Paso nhưng vẫn theo dõi gia đình anh. Anh đã trở thành giáo sư Đại học Y Khoa, chị trở lại trường Dược và cháu Dũng cũng trở thành Y Khoa Bác sĩ… Thời gian đã làm cho mình già đi nhiều. Nếu ra ngoài đám đông không có bạn Nguyễn Đức Lê đi kèm chưa chắc gì anh đã nhìn ra tôi và ngược lại. Nhưng gặp lại anh và được biết anh vẫn còn tiếp tục nghề cũ là vẫn dạy trường Y Khoa ở Mỹ ngoài ra còn giúp phụ giảng cho giáo sư y khoa ở Việt Nam nữa..
Gặp lại anh chị cho tôi sống lại thời gian trước đây, lúc nào anh cũng bận bịu tìm tòi học hỏi, xuất thân Kỹ sư Trường Đại Học Phú Thọ tại Việt Nam nhưng qua Hoa Kỳ theo bước chân bào huynh của mình là bác sĩ Hồ Tấn Phước và trở thành bác sĩ Y Khoa. Ngày nay anh trở thành thầy giáo của những muốn cứu nhân độ thế, một câu tục ngữ dành cho người thầy thuốc “Lương Y như Từ mẫu”… Cảm ơn vợ chồng Nguyễn Đức Lê cho tôi gặp lại người thân xưa cũ đã 40 năm…