Trần Thế Kỷ
(VNTB) – Đánh tiếp thì đuối, rút quân thì nhục, hù chẳng ai sợ.
1. Tại Thượng đỉnh NATO ở Washington, Thủ tướng Anh Keir Starmer nói rằng: “Ukraine là bên quyết định cách triển khai” tên lửa tầm xa Storm Shadow mà Anh viện trợ cho Ukraine.
Nói cách khác, Anh cho phép Ukraine dùng tên lửa Storm Shadow đánh sang Nga. Ngay sau tuyên bố này của Thủ tướng Anh, Điện Kremlin đã lên tiếng phản đối, cho rằng phát biểu của Thủ tướng Anh là “vô trách nhiệm”.
“Vô trách nhiệm” là từ mà Moscow sử dụng khá thường xuyên để buộc tội các quốc gia viện trợ quân sự cho Ukraine. Moscow thích giả vờ quên rằng chính cuộc xâm lược mà Nga tiến hành vào Ukraine mới thực là vô trách nhiệm, gây bao đau thương cho cả hai dân tộc.
Sẽ thực là vô trách nhiệm nếu thế giới chỉ biết khoanh tay đứng nhìn Ukraine cô đơn chống chỏi sự xâm lược của Nga mà không dành bất kỳ viện trợ nào cho đất nước nhỏ bé này. Và Nga đánh trên đất Ukraine thì đương nhiên Ukraine có quyền đánh lại trên đất Nga. Có gì đâu mà Nga phải giãy nảy như con nít.
Tốt nhất là Nga nên rút quân khỏi tất cả những vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng của Ukraine. Như thế mới thực là có trách nhiệm. Bằng không thì những kẻ đứng đầu Kremlin sẽ chẳng khác gì những con chó dại, động một chút là sủa gâu gâu!
2. Trước đây Nga nhiều lần cáo buộc Phương Tây đã là một bên tham gia vào cuộc xung đột Nga – Ukraine khi không ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Giờ đây Nga càng khẳng định NATO đã can dự hoàn toàn vào cuộc xung đột này, lưu ý rằng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ngày càng tiến gần về phía biên giới Nga.
Có lẽ Moscow không sai khi cáo buộc Phương Tây như thế. Để đáp trả, Moscow dọa rằng sẽ xem xét thay đổi học thuyết hạt nhân của mình. Vấn đề là nếu Nga có thể thay đổi học thuyết hạt nhân thì Phương Tây cũng có thể làm như vậy. Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Hẳn biết vậy nên Moscow thòng thêm rằng vũ khí hạt nhân không phải là biện pháp duy nhất mà Nga có thể sử dụng để đối phó với NATO.
Biện pháp khác là biện pháp nào thì không thấy Nga nói tới. Có cảm tướng Nga đang lâm vào thế bị động, tới đâu hay tới đó. Nay dọa thế này, mai dọa thế kia mà chẳng ai sợ. Nếu biết phải lâm vào tình thế như hôm nay, ắt hẳn Moscow đã không dám xâm lược Ukraine. Tưởng dễ ăn, ai ngờ lại quá khó.
Song đã quá muộn. Bây giờ mà phải triệt thoái hết quân ra khỏi Ukraine thì quá nhục, quá đau cho Moscow. Thôi thì tới đâu hay tới đó!
3. Ngày 11/7/2024, Đại Hội đồng LHQ ra nghị quyết yêu cầu Nga ngay lập tức chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine và rút toàn bộ lực lượng quân sự vô điều kiện.
Nhiều người bày tỏ ý kiến rằng LHQ chỉ ra nghị quyết cho vui. Thực hiện hay không là ở Nga. Mấy mươi năm qua, LHQ đã ra bao nhiêu là nghị quyết về Cuba, Triều Tiên, Israel mà có thực hiện được đâu. Vậy nghị quyết này về Nga cũng khó thực hiện được.
Phàm nghị quyết phải đi đôi với việc làm. Còn ra nghị quyết mà không có cách nào thực hiện nó thì cũng bằng không. Một lần nữa, LHQ đang chứng tỏ mình chẳng khác gì một tổ chức hữu danh vô thực, chẳng mấy hơn Hội Quốc Liên năm xưa.
Rất có thể một ngày nào đó LHQ sẽ phải giải thể như Hội Quốc Liên, thay vào đó là một tổ chức quốc tế hoạt động hiệu quả hơn. Trong tổ chức quốc tế đó sẽ không tồn tại một Hội Đồng Bảo An như hiện nay, gồm những quốc gia tiếng là bảo an nhưng lại là những nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới!