Dũng Phạm
(VNTB) – Giờ tôi tin với quan chức, chỉ ‘hoa hồng’ là có thật…
Bạn đọc viết
Suốt thời gian qua, báo chí cứ đưa tin về chuyện Đảng và Nhà nước mong muốn công nhân đừng chọn “rút bảo hiểm một lần”, vì sợ… ‘vỡ quỹ’ (!?).
Tôi chọn “rút một lần” vì đơn giản là ngay từ đầu, nếu không bị bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội qua trích lương, chắc chắn tôi sẽ từ chối dịch vụ an sinh này của Đảng và Nhà nước. Từ chối vì đây là cách mà nhân danh chính sách an sinh, người ta đang tìm cách bóc lột người lao động theo đúng nghĩa đen của từ đó.
Ví dụ trường hợp của tôi, lúc tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2004 với mức lương đóng bảo hiểm xã hội là 516.200 đồng 1,78 x 290.000, hệ số bù trượt giá năm 2004 là 3,21, như vậy mức lương bình quân để tính lương hưu cho năm 2004 chỉ là 1.657.000 đồng.
Những năm sau cũng tương tự như thế. Theo cách tính như vậy thì mức lương bình quân để tính lương hưu sẽ bị những năm đầu tiên kéo xuống rất thấp. Giả sử những năm sau tôi cũng chỉ đóng bảo hiểm xã hội ở mức tối thiểu do nhà nước quy định nhiều công ty chỉ đóng ở mức tối thiểu thời điểm hiện tại khoảng 5.000.000 thì mức lương bình quân để tính lương hưu của tôi chỉ là khoảng 3.200.000 đồng.
Nếu về hưu khi đủ tuổi và đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm thì lương hưu chỉ là 45% x 3.200.000 = 1.440.000 đồng. Quá thấp và bất hợp lý, không đủ hấp dẫn và khuyến khích người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần.
Không ai biết trước tương lai, vì ngay cả người đứng đầu Đảng cũng không đưa ra được đích đến cụ thể trên con đường mà Đảng muốn hướng đến đích chủ nghĩa xã hội.
Một đồng nghiệp của tôi làm phép tính rợ cho chuyện “tiền mình thì mình giữ lấy”: Năm nay tôi 47 tuổi, đóng bảo hiểm được 15 năm 7 tháng, còn khoảng 3 năm 3 tháng là đủ 19 năm, lúc đó tôi 50 tuổi 3 tháng. Nếu làm thêm 1 năm nữa là 20 năm, đủ điều kiện để nhận lương hưu, nhưng phải chờ gần 12 năm để đủ 62 tuổi mới được nhận.
Chẳng may làm được vài năm nữa công ty cho nghỉ việc hoặc nghỉ việc vì 1 lý do nào đó, thì tôi lấy gì để sống trong những năm chờ lãnh lương hưu? Lúc đó hơn 50 tuổi thì chỗ nào nhận vào làm, trong khi tiền mấy trăm triệu để trong bảo hiểm cả chục năm họ làm gì tôi không biết, thay vì nghỉ việc, rút 1 lần rồi thêm tiền tích lũy đem gửi ngân hàng, hàng tháng vẫn có lãi và tiền gốc mình vẫn còn nguyên.
Phải nhìn thẳng thực tế tại sao lại rút một lần, đó là mất việc không có thu nhập để sống. Hai nữa là thời gian chờ để lãnh được lương hưu quá dài tận 60 tuổi với nữ, 62 tuổi với nam. Đã vậy, trong thời gian chờ đợi được lương hưu nếu không đóng tiếp bảo hiểm xã hội thì mỗi năm lại bị trừ 2%, khi đến tuổi lãnh lương hưu thì số tiền bảo hiểm xã hội đã đóng kia bị trừ gần hết thậm chí âm luôn.
Bây giờ thử làm bài toán người lao động nữ 40 tuổi bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội đến 60 tuổi là đủ 20 năm bảo hiểm xã hội, nghỉ hưu được lãnh 45% lương ngay. Người lao động nữ bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội từ 20 tuổi đến 40 tuổi đủ 20 năm bảo hiểm xã hội nhưng không được lãnh lương hưu mà phải chờ đến 60 tuổi, thời gian chờ là 20 năm, mỗi năm 2% trong 20 năm chờ mất đi 40%, đến 60 tuổi còn được 5% lương hưu.
Cùng đóng bảo hiểm xã hội 20 năm nhưng một người thì được lương hưu 45%, một người thì chờ 20 năm để lãnh được 5% vậy thì ai sẽ chờ?.
Để người lao động không rút một lần thì khi đóng đủ mức bảo hiểm xã hội có lương hưu thì được lãnh ngay lương hưu nếu như không có khả năng đóng tiếp. Chờ mà không bị mất tiền còn không mấy ai đủ kiên nhẫn để chờ, đằng này chờ mà lại bị mất tiền thì chả có ai chờ đâu.
Nên nhớ là để hưởng lợi bảo hiểm xã hội thì phải sống tới già, mà trước khi tới già thì phải sống trẻ trước đã, khi mà cái bụng đang đói, tiền không có ăn thì chả ai có thời gian nghỉ thiệt hơn… đến khi già.