Nguyễn Huyền
(VNTB) – Tổng Bí Thư phải có trách nhiệm về vấn nạn bạo hành trẻ em chưa có hồi kết.
Điều 4 của Hiến pháp nói rằng ông Nguyễn Phú Trọng có quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, và ông chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
Trước bé Vân An, một đứa trẻ ba tuổi ở Hà Nội cũng qua đời do bị mẹ và cha dượng bạo hành. Trước đó nữa, một em đã tự giải thoát trong tình trạng toàn thân biến dạng vì bị bố và mẹ kế đánh đập nhiều ngày… Còn biết bao đứa trẻ khác, vì thương tích chưa trầm trọng, vì sự việc chưa bị phát hiện nên ngày ngày vẫn chịu cảnh đòn roi tàn bạo.
Ngoài Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là nước thứ hai ở châu Á tham gia (năm 1990), có hẳn một hành lang pháp lý để bảo vệ trẻ em, là Luật Trẻ em được ban hành năm 2016 với Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc (điều 27); có Cục Trẻ em (thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tổ chức xã hội Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam… để trẻ có thể tìm đến bất cứ lúc nào.
Nhưng đa số trẻ không biết rằng, khi bị xâm phạm, chỉ cần nhấc điện thoại bấm 111 (Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em), trẻ em sẽ được cất tiếng nói…
Dĩ nhiên, hiểu biết và lòng tin và hai thứ khác nhau. Trước khi để trẻ em nhận thức được quyền của mình, trẻ em cần tin tưởng rằng mình sẽ được an toàn, được bảo vệ. Sự cố gắng của trẻ em sẽ có kết quả khi gõ cửa cơ quan bảo vệ chúng. Sự tin tưởng ấy phải đến từ thực tế, bắt đầu từ chính mỗi người lớn xung quanh, không phải từ những điều khoản luật hay các bài học lý thuyết.
Một trong những “người lớn” ấy phải chịu trách nhiệm theo Hiến định ở hiện tại chính là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không thể phủ nhận trách nhiệm vì Tổng bí thư ý thức rất rõ vấn đề này.
Đơn cử, dịp Tết Trung thu 2019, ngày 9-9, báo chí đưa tin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có “thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam ở trong nước, các cháu trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các cháu người nước ngoài ở Việt Nam”. Trong thư có đoạn:
“Bác rất mừng nhận thấy năm học vừa qua, các cháu đã có nhiều cố gắng, tiến bộ trong học tập và rèn luyện, hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, làm nhiều việc tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, Cháu ngoan Bác Hồ. Nhiều cháu đạt thành tích cao tại các kỳ thi quốc gia và quốc tế, làm rạng danh thế hệ trẻ Việt Nam, thắp lên niềm tin và hy vọng lớn lao vào thế hệ măng non, chủ nhân tương lai của đất nước.
Năm nay, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới cùng tổ chức kỷ niệm 30 năm Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Đảng, Nhà nước, nhà trường, gia đình và xã hội luôn quan tâm, chăm lo, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các cháu được vui chơi, học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh và thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em.
Bác mong các cháu tiếp tục thực hiện thật tốt Năm điều Bác Hồ dạy, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, kính trọng thầy cô, lễ phép với người lớn, đoàn kết, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn; chăm chỉ học tập và rèn đức, luyện tài để sau này trở thành Chủ nhân xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh” (dừng trích).
Một khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hiểu Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, để rồi rất tự tin mạnh miệng khẳng định rằng “Đảng luôn quan tâm, chăm lo, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các cháu thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em”, vậy thì ông không thể vô can về cái chết thương tâm của bé Vân An đang tạo làn sóng phẫn nộ trong công luận.