Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Ngành y tế sẵn sàng kích hoạt trở lại các cơ sở thu dung điều trị nếu chủng BA.5 bùng phát mạnh.
Người đứng đầu Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện thành phố vẫn còn tồn khá nhiều, với hơn 490.000 liều vắc-xin phòng Covid vì Bộ Y tế không nhận trở lại.
Vừa qua, ở các quận, huyện việc tiêm mũi 3 đạt tỉ lệ khá nhưng tiêm mũi 4 còn ít. Giám đốc Sở Y tế – ông Tăng Chí Thượng cảnh báo nếu biến thể mới làm dịch bùng lên, chỗ nào mắc bệnh nhiều thì chỗ đó chắc chắc tiêm vắc-xin ít.
Theo ông Tăng Chí Thượng, các địa phương gồm quận Bình Tân, Bình Thạnh, quận 12, quận 6, quận 4, Tân Phú, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Nhà Bè và thành phố Thủ Đức dự báo sẽ có số ca mắc tăng lên nếu biến chủng BA.5 xuất hiện ở TP.HCM, vì đây là địa phương có tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại thấp.
Ông Thượng cho biết ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng để kích hoạt các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại các bệnh viện hiện hữu và bệnh viện dã chiến số 13 trong trường hợp chủng BA.5 hoành hành ở TP.HCM. Đặc biệt ngành y tế yêu cầu 10 quận, huyện có tỉ lệ tiêm vắc-xine thấp nêu trên chuẩn bị kích hoạt lại các cơ sở thu dung của quận.
Các nội dung trên được ông Tăng Chí Thượng nêu tại phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp sáu tháng cuối năm 2022 của TP.HCM.
Có lẽ những phát ngôn ở trên của ông Tăng Chí Thượng chủ yếu nhằm làm “đẹp lòng” lãnh đạo nào đó ở Bộ Y tế, vì dịch bệnh Covid trong cộng đồng không hề chịu sự giới hạn của địa giới hành chính, và 10 quận, huyện và thành phố cụ thể ở trên theo lời của ông Tăng Chí Thượng, giả dụ như có bùng dịch thì tin chắc cả thành phố này nơi nào cũng sẽ bị lây nhiễm vì diễn biến trong hai năm vừa qua cho thấy đeo đuổi “zero Covid” là điều vô nghĩa.
Góc nhìn thuần y khoa, có ý kiến cho rằng cần phải làm rõ là số lượng vắc-xin phòng Covid hiện tại ở Việt Nam có phù hợp trong phòng biến chủng Omicron, hay đó chỉ là vắc-xin chủ yếu phù hợp chủng Alpha, chứ chưa nói đến chủng Delta?
Một câu hỏi khác cũng đang chờ đợi trả lời, đó là chủng Omicron đang chiếm ưu thế, nhiều người tiêm đủ vắc-xin nhưng vẫn tái nhiễm chỉ trong thời gian ngắn. Nhiều thắc mắc đặt ra: liệu vắc-xin còn tác dụng với biến chủng mới không, thời gian tiêm gần có làm giảm miễn dịch tự nhiên?
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga, cho rằng hiện nay khi biến thể Omicron xuất hiện và chiếm ưu thế khiến tỉ lệ tái nhiễm tăng cao.
Lý giải vì sao nhiều người tái nhiễm Covid-19 trong thời gian ngắn, bác sĩ Hoàng đưa ra các trường hợp: nếu đã nhiễm Delta thì có thể vẫn nhiễm Omicron. Nếu đã nhiễm Omicron BA.1 thì vẫn có thể nhiễm Omicron BA.2 như thường. Bên cạnh đó, vắc-xin đang sử dụng chủ yếu dựa trên gai (gene S) của biến thể virus cũ.
“Khi Omicron xuất hiện, gene S của virus đã thay đổi. Bởi vậy, vắc-xin đã sử dụng không còn nhiều tác dụng ngăn ngừa. Tuy nhiên, một số nghiên cứu vẫn chỉ ra rằng, vắc-xin vẫn có tác dụng hạn chế chuyển nặng và tử vong. Thực tế triệu chứng ở đại đa số người mắc hiện nay là nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Những ngày gần đây số ca mắc tăng cao nhưng số chuyển nặng tăng không nhiều và số tử vong giảm”, bác sĩ Hoàng thông tin.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y dược TP.HCM – cho biết vắc-xin có hiệu lực với tất cả các biến chủng của virus SAR-CoV-2, trong đó có Omicron, nhưng hiệu lực này không đồng đều. Hiện các vắc-xin phòng Covid-19 đều có hai “nhiệm vụ”: ngăn ngừa nhiễm bệnh và bảo vệ chống lại bệnh nặng, tử vong; trong đó “nhiệm vụ” ngăn ngừa nhiễm bệnh tỏ ra yếu hơn.
Với riêng biến chủng mới Omicron, PGS Dũng cho hay, Omicron chứa nhiều đột biến trong gai protein, xâm nhập vào tế bào nhanh hơn và có hiện tượng “trốn thoát” vắc-xin, tức là tiêm vắc-xin vẫn bị nhiễm, nhưng vẫn có hiệu quả chống chuyển nặng, tử vong.
“Kháng thể sau khi tiêm vắc-xin không nằm trong bề mặt niêm mạc mũi, họng mà nằm trong máu. Khi virus đi từ mũi, họng thì chúng không bị ảnh hưởng nên dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Nhưng khi virus vào cơ thể thì đã có kháng thể nên ít làm bệnh chuyển nặng, tử vong. Điều này giải thích vì sao nhiều người nhiễm hay tái nhiễm nhưng chủ yếu gặp triệu chứng nhẹ sau khi tiêm vắc-xin”, PGS Dũng phân tích.
Thắc mắc khác: Tiêm vắc-xin quá gần có làm giảm hệ miễn dịch tự nhiên?
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho hay, theo khoa học, khi rút ngắn khoảng cách giữa các liều tiêm thì hiệu lực liều vắc-xin mới sẽ không được “phát huy” hết. Thông thường, khoảng cách giữa các mũi tiêm theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì hiệu quả càng cao. “Nếu nói vì tiêm vắc-xin nhiều lần thì cơ thể yếu hơn thì không có, nhưng các lần tiêm gần nhau thì hiệu quả vắc-xin ít hơn so với tiêm cách khoảng một thời gian nhất định”, PGS Dũng chia sẻ.