Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tp. Hồ Chí Minh mắc dịch và sự bất công cho người vô sản

Người Tân Định

 

(VNTB) – Tại Việt Nam, người bị hắt hủi, thiệt thòi nhất là giai cấp vô sản chuyên chính, chỗ dựa” của ĐCSVN trong các đợt bùng phát COVID liên tục. 

 

Sau hai ngày qua 3 lần họp bàn chuyện thay đổi các phương án dập dịch tại tp HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và quan chức thành phố đã đi đến quyết định áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày kể từ 0h 9/7

Chỉ thị 16 thể hiện sự quyết liệt nhất, vì đây là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh, lan rộng nhanh và phức tạp tại Tp. HCM. Chỉ thị này quy định: 

Cách ly toàn xã hội, mọi người dân phải ở nhà, không nhà này qua nhà kia, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Không tụ tập quá 2 người ngoài công sở, bệnh viện. Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa 2 người 2m. Đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, chỉ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa. Dừng di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng 

Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng, người dân không cần mua tích trữ, không tập trung đông người và “bình tĩnh, tin tưởng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố”. Ông mong muốn “ người dân ủng hộ, cảm thông khi thành phố áp dụng biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng.”

Biện pháp tương tự cũng đã từng được áp dụng trước đó tại một số địa phương trong thành phố 10 triệu dân này cho nên cũng không làm dân Sài Gòn phải bức xúc lắm, ngược lại nhiều người tỏ ra đồng tình, cảm thấy cần thiết để “Nếu tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt thì hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ được đẩy lùi” như ông chủ tịch thành phố nói.

Tuy nhiên điều lo lắng cho hàng triệu người dân nghèo của thành phố này là bữa cơm sống qua ngày. Cả hàng tháng qua bị dịch covid Vũ Hán, chính phủ khư khư ôm chặt túi tiền, không lo gì được cho những người cơm hàng cháo chợ, tay làm hàm nhai, lương công nhật chỉ đủ ăn từng bữa, người lang thang không cửa không nhà. Một số người trong họ may mắn được các nhóm thiện nguyện mời ăn ngày một bữa với tinh thần lá lành đùm lá rách, còn lại phải chịu đói. 

Ít nhất trong 15 ngày phong tỏa toàn thành phố, trách nhiệm của nhà nước là làm sao chu toàn bữa ăn cho 230 ngàn người sống dưới đáy xã hội. Cho đến nay chính phủ vẫn chưa đưa ra được kế hoạch nào cho họ yên tâm ngoài câu trấn an của ông chủ tịch thành phố khẳng định bảo đảm lượng hàng hóa cung ứng, người dân không cần mua tích trữ. Khổ nỗi người tích trữ được, người tranh giành thực phẩm, giấy vệ sinh trong siêu thị lại là những người tủ lạnh có thể lúc nào cũng đầy ắp.

Dân sống trên hè phố, gầm cầu, người bán hàng rong, buôn gánh bán bưng, lượm rác, phế liệu, đi bán lẻ vé số lấy đâu tù lạnh, tủ, kho, tiền mua hàng tích trữ. Gói cứu trợ 62 ngàn tỷ chính phủ hứa từ đầu trận dịch hơn một năm nay chưa thấy đâu, gói cứu trợ vài trăm tỷ cho người nghèo tpHCM nghe hứa sẽ trao tận tay dân trong tháng 7 liệu có hay không và liệu với thủ tục rườm rà quá mức, thói lười biếng, quan liêu tham nhũng của nhân viên chính phủ từ cấp cao đến anh thư ký liệu có đến tay ‘người thật’ và nếu có đến tay họ thì bao giờ. 

Điều kiện then chốt sở thương binh xã hội và lao động tp HCM cho người nhận cứu trợ là người lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 có nơi cư trú hợp pháp trên địa bàn TpHCM (trường hợp tạm trú thì cần có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận). Những người thật sự vô sản ăn xin, sống dưới gầm cầu, trên vỉa hè, trong nhà lồng chợ không phải người có địa chỉ thường trú, tạm trú đã bị gạt bỏ ra ngoài danh sách.

Thu tiền xét nghiệm covid là chuyện vô cùng trái khoáy trong đất nước mà lúc nào các lãnh đạo đã được chích vaccine từ lâu, ngồi trong phòng lạnh kêu dân phải tích cực góp tay với nhà nước “chống dịch như chống giặc”. Người dân nghèo chống nổi giặc không khi cần phải có ‘tấm hộ chiếu’ này để đi làm thuê, di chuyển kiếm sống, trở về quê phải bỏ ra hàng trăm ngàn cho một tờ chứng nhận chỉ có giá trị vài ngày, họ mất bao nhiêu bữa ăn, con họ mất bao nhiêu bữa sữa. Thu tiền xét nghiệm là lối làm tiền tệ hại nhất nhà nước Việt Nam cho phép các bệnh viện công nặn túi dân. 

Từ đầu dịch đến nay, chỉ chịu khó bỏ thời gian tìm thông tin trên báo chí người ta cũng có cái nhìn tương đối về thành phần các F0, F1, F2. Họ phần nhiều là người lao động chân tay. Nghị quyết 16/NQ-CP về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 quy định: Với người Việt Nam ở trong nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch. Trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí quy định. Trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung chỉ phải tự chi trả tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày cho cơ sở cách ly y tế tập trung. Một người chịu cách ly 21 ngày trong doanh trại quân đội sẽ phải trả khoảng 1,6 triệu quả thật không dễ dàng. Người bỏ trốn khu cách ly, lẻ tẻ hay hàng loạt, để không phải trả nợ đã từng xảy ra.  

Một trong những điều người dân nghèo đem ra làm trò cười và chê trách, nghi ngờ chính phủ về việc họ  nói đủ tiền để mua thuốc chủng ngừa covid-19, nhưng lại luôn mang lòng yêu nước thương nòi ra chiêu dụ người dân góp tiền cho chính phủ mua thuốc. Đã có hàng ngàn tỷ được các đại gia, các công ty lớn trực thuộc nhà nước đóng góp, nhưng nhà nước vẫn muốn rút ruột người dân mà tuyệt đại đa số dân nghèo. Người dân, từ người buôn thúng bán bưng, anh xe ôm… nhận hàng chục tin nhắn xin tiền gửi qua điện thoại mỗi ngày. Cán bộ mặt trận tổ quốc, ban phụ nữ, thương binh xã hội lần lượt, bền bỉ gõ cửa từ nhà này sang nhà khác. Một người dân thuộc Phủ Diễn Châu Nghệ An cho biết dân xã nghèo của chị đã phải đóng tới 400 triệu cho chương trình mua thuốc chích ngừa mới thoát sự quấy nhiễu xin xỏ của chính quyền và các ban bệ của xã.

Chính phủ đã ấn định chia chích vaccine làm 3 cấp, một cấp ưu tiên không phải trả tiền, cấp thứ hai tình nguyện chích dịch vụ, có nghĩa là bỏ tiền với giá rất cao để được ưu tiên chích trước, nhóm thứ ba được chích miễn phí nhưng khuyến khích giúp tiền “tùy lòng hảo tâm”.

 Đã có vài nhóm tư nhân ‘đón lõng’ trước để thu lợi trong chương trình tiêm chủng trả tiền như trang web có tên tiemchungmorong.vn/vi bắt đầu ghi tên người xin chích ngừa trả tiền. Dịch vụ kiểu này nhanh chóng được nhiều cơ quan nhà nước nhiều nơi áp dụng tinh vi với đầy quyền lực hơn.

Người dân thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, Yên Bái phản ánh đến PV Báo Lao Động về việc tổ dân phố đi vận động các gia đình đăng ký danh sách tiêm vaccine COVID-19, ngoài danh sách đăng ký mỗi người muốn tiêm vaccine phải tự nộp kinh phí 650.000 đồng cho 2 mũi tiêm. Cụ thể, mũi 1 hết 350.000 đồng; mũi 2 là 300.000 đồng. UBND thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội  ngày 3.6 đã ban hành công văn nội dung “kinh phí tiêm vaccine sẽ do người sử dụng tự chi trả

Còn  văn bản 1712/UBND-KT của TP Hà Nội gửi Sở Tài chính và các địa phương, “khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn chủ động nguồn kinh phí để đảm bảo việc tiêm vắc xin cho cán bộ, công nhân, người lao động của doanh nghiệp, đơn vị”  Hà Nội cho rằng điều này phù hợp với nghị quyết 21 của Chính phủ.

Ngày 7-8/7, hơn 2 triệu liều vaccine Moderna phòng Covid-19 của Mỹ tặng nhân dân sẽ tới Việt Nam. Sáng nay 7/7, hơn 97.000 liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNtech sẽ tới Việt Nam. Trước đó Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng gần 5 triệu liều vaccine, trong đó gần 2,5 triệu liều do COVAX Facility hỗ trợ, hơn 400.000 liều đặt mua thông qua công ty VNVC, khoảng 2 triệu liều vaccine do Chính phủ các nước tư bản Hàn, Nhật, Úc  tặng. Trung quốc cũng tặng vài trăm ngàn liều nhưng yêu cầu chính phủ Việt Nam phải chích ngừa cho dân Tàu sống và làm việc tại Việt Nam trước. 

Nhờ trận đại dịch covid-19 Vũ Hán nhiều công ty dược trên thế giới đã làm giàu nhờ sản xuất vaccine. Việt Nam còn đang lúng túng chưa thể sản xuất được thuốc ngừa, nhưng chính phủ đã rất nhanh chóng moi móc được tiền từ trong dân. 

Trong lúc người dân nhiều nước được chính phủ lo cho miếng ăn dồi dào tới mức dư thừa và các gói cứu trợ hào phóng khiến không ít gia đình trở nên khá giả hơn thì tại Việt Nam, người bị hắt hủi, thiệt thòi nhất là giai cấp vô sản chuyên chính, chỗ dựa” của ĐCSVN. 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Văn nghệ sĩ phản tỉnh và sự khó xử đặt tên đường

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn thay đổi nhân sự chủ chốt về phòng, chống dịch Covid

Phan Thanh Hung

VNTB – Corona và cuộc bầu cử Tổng Thống sắp tới tại Mỹ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.