Nguyễn Huỳnh
(VNTB) Đến thời điểm hiện tại, TP.HCM vẫn chưa nhận được vắc-xin sởi (tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi) và vắc xin DPT (vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi) cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Quyền được bảo vệ sức khỏe của trẻ em bị vi phạm
Chuyện thiếu vắc-xin này bắt đầu từ tháng 5-2022 dưới thời Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Đến trung tuần tháng 7-2022, bà Đào Hồng Lan được Bộ Chính trị điều động về Đảng ủy Bộ Y tế và ngay sau đó bà được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Y tế. Ở phiên họp Quốc hội sắp sửa khai mạc, dự kiến bà Đào Hồng Lan chính thức được Quốc hội phê duyệt theo thủ tục về chức vụ Bộ trưởng Y tế.
Bà Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) lên tiếng cảnh báo hồi trung tuần tháng 9-2022: “Hiện chúng tôi vẫn đang rất lo lắng về tình trạng thiếu vắc-xin Sởi đơn và DPT. Bởi đến giai đoạn trẻ cần được tiêm vắc-xin là tốt nhất, việc tiêm trễ sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức nhưng lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Chúng ta điều biết, những năm đầu đời có kháng thể từ mẹ truyền qua, đối với bệnh sởi kháng thể có thể giảm dần sau 6 tháng – tuỳ từng thể trạng của mỗi trẻ. Khi trẻ được 9 tháng cần tiêm vaccine Sởi đơn để củng cố hệ miễn dịch của trẻ, nếu chưa tiêm thì trẻ có thể bị nhiễm bệnh cao”.
Cũng theo bà Hồng Nga, nếu trong tình huống đến thời điểm tiêm chủng nhưng trẻ bị gián đoạn vắc-xin hoặc trẻ bị bệnh, sốt không đi tiêm được thì gia đình phải có những biện pháp bảo vệ trẻ như hạn chế tiếp xúc với những người có dấu hiệu bệnh nghi ngờ, rửa tay thường xuyên.
“Hiện nay, đối với trẻ từ 9-12 tháng chỉ có vắc-xin Sởi đơn tiêm và không có vắc-xin thay thế. Còn trẻ từ 12 tuổi trở lên có thể được tiêm vắc-xin Sởi đơn – quai bị – rubella… Thành phố hiện nay vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung ứng vắc-xin của Bộ Y tế, nhưng đây là lần đầu tiên vắc-xin hết kéo dài như vậy”, bà Hồng Nga cho biết thêm.
Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế phải chịu mọi trách nhiệm
Theo yêu cầu của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thì tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi phải đạt ít nhất 95% ở trẻ dưới 1 tuổi để có thể kiểm soát được dịch sởi. Thực tế, cứ 4 năm 1 lần thì dịch sởi lại xảy ra theo chu kỳ, gần nhất là các đợt bùng phát dịch sởi vào các năm 2013-2014, và nhất là dịch sởi năm 2018-2019.
Càng đáng lo ngại hơn khi sau 2 năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi tại TP.HCM là rất thấp, nay lại bị gián đoạn nguồn vắc xin nên nguy cơ xảy ra dịch sởi là rất lớn.
Cụ thể, tính đến tháng 8-2022, trẻ sinh năm 2020 có tỷ lệ tiêm nhắc sởi mũi 2 (lúc 18 tháng tuổi) chỉ mới đạt 75,3% (thiếu 19,7% so với chỉ tiêu 95%), còn trẻ sinh năm 2019 tỷ lệ tiêm sởi mũi 2 đạt 83,6% (vẫn thiếu 11,4% so với chỉ tiêu 95%).
Thêm vào đó, trong thời gian qua, tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2021 vẫn chưa đạt do nguồn vắc-xin sởi bị gián đoạn, chỉ mới đạt 79,9% (thiếu 15,1% so với chỉ tiêu đạt 95%). Như vậy, ngoài chu kỳ 4 năm theo thông lệ, 3 năm qua từ 2019-2021, tỷ lệ trẻ tiêm vắc-xin sởi đều không đạt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và mới đây là gián đoạn nguồn cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên nguy cơ dịch sởi tái bùng phát là lớn hơn rất nhiều lần so với những đợt dịch trước.
Trước đó, vào ngày 31-8-2022, Viện Pasteur TP.HCM có thông báo kho vắc-xin của Viện đã hết các loại vắc-xin Sởi đơn và DPT. Tính đến ngày 18-10-2022 tại Viện Pasteur TP.HCM chỉ còn vắc-xin viêm màng não viêm phổi do phế cầu.
1 comment
Khổ cho bà Lan, tự nhiên bị giao cho xử lý 1 khúc xương to đùng!