Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tranh chấp đất đai tôn giáo ở Phú Yên

Tranh chấp đất tôn giáo

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Hôm 18 tháng sáu, tại Thánh thất Phú Lâm (còn gọi là Thánh thất Hiếu Xương), Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã xảy ra một xung đột về tranh chấp quyền quản lý giữa chi phái Cao Đài 1997 với khối Cao Đài chân truyền.

Theo những gì mà các bên liên quan đã ‘livestream’ trên mạng xã hội facebook, thì Chánh trị sự Cao Văn Minh, thuộc khối Cao Đài chân truyền đang cai quản Thánh thất Hiếu Xương, bày tỏ mong muốn được tu theo luật đạo. Chi phái Cao Đài 1997 là tổ chức tôn giáo được chính phủ cấp phép hoạt động, cho rằng đây là tài sản chung của đạo Cao Đài, nên họ phải có trách nhiệm quản lý.

Khối Cao Đài chân truyền, hiện tại chưa thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Chính quyền không có cản trở nào trong việc tu theo luật đạo của Cao Đài ở các tổ chức giáo hội.

Thay vì nhìn qua lăng kính của ‘gây rối trật tự công cộng’ trong tranh chấp về quyền quản lý cơ sở tôn giáo, cụ thể là trường hợp của Thánh thất Hiếu Xương, rất cần đến việc phân xử ở cấp tòa án trên cơ sở pháp luật hiện hành, với thực tế các nhu cầu về cải tạo, tu sửa, xây dựng cơ sở thờ tự, thuyên chuyển, phong phẩm, bổ nhiệm chức sắc, chức việc cơ bản tuân thủ Hiến chương, Đạo quy của từng hệ phái, và đúng quy định pháp luật.

Tranh chấp đất đai giữa các cơ sở tôn giáo với nhau như trường hợp của Thánh thất Hiếu Xương, có các bước xử lý ôn hòa về dân sự theo trình tự giải quyết tranh chấp đất của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, gồm các bước cơ bản sau:

Bước 1: Người có yêu cầu giải quyết tranh chấp nộp đơn khởi kiện tại tòa án cấp huyện (nơi có đất tranh chấp). Đơn khởi kiện phải thể hiện quyền và lợi ích bị xâm phạm.

Bước 2: Sau khi hoàn tất hồ sơ khởi kiện, người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho tòa án.

Bước 3: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành thủ tục hòa giải và các thủ tục chuẩn bị xét xử. Trong giai đoạn này, tòa án sẽ thực hiện các thủ tục như lập hồ sơ vụ án; thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Tòa án và các bên đương sự được quyền sử dụng các biện pháp để làm rõ nội dung tranh chấp như xác minh, thu thập chứng cứ, lấy lời khai, đối chất, xem xét thẩm định tại chỗ,… theo quy định của pháp luật.

Bước 4: Trong trường hợp hòa giải không thành thì tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, và ban hành bản án hoặc quyết định.

Trường hợp không đồng ý với bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án giải quyết tranh chấp đất đai tôn giáo, các bên có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực theo thủ tục phúc thẩm.

Như vậy, giả dụ chính quyền tỉnh Phú Yên nhanh chóng vào cuộc để đưa ra các trình tự xử lý cho các bên liên quan, có lẽ vụ việc xung đột về tranh chấp quyền quản lý giữa chi phái Cao Đài 1997 với khối Cao Đài chân truyền sẽ không âm ỉ, và thường xuyên đe dọa bùng phát bằng bạo lực.

Hiến pháp 2013, Điều 24 nói rằng: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo

nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Vậy thì cần nhìn nhận ở đây, là có những tổ chức tôn giáo đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu về mặt thủ tục hành chính cho việc ‘cấp phép’; và có không ít tổ chức tôn giáo vì bối cảnh lịch sử, họ không thể, hoặc chưa thể đáp ứng đầy đủ về bộ thủ tục hành chính. Song không phải vì thế mà các tổ chức này về nguyên tắc bảo hiến, sẽ bị nhà nước Việt Nam thô bạo xâm hại như một số ‘tin tức ác ý’ đang loan truyền.

Tin bài liên quan:

VNTB – Sức ép trong 2 tháng Việt Nam ngồi chiếc ghế chủ tịch HĐBA LHQ

Phan Thanh Hung

VNTB – Bổn phận của nghệ sĩ chỉ là phụng sự nghệ thuật?

Phan Thanh Hung

VNTB – Có phải cộng sản thì luôn độc tài?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo