VNTB – Trao đổi về bài “Hán Nôm trong trường tiểu học?”

Giang Nam


 


(VNTB) – Nhân đọc bài của hai tác giả Minh Trí, Ngọc Thịnh đăng trên VNTB ngày 29/4/2015, chúng tôi thấy vấn đề rất thú vị và cần tiếp tục bàn  thêm.

 

Trong hai chục năm qua, báo chí đã có rải rác những bài viết của giới khoa học đề nghị nhà nước nên cho học sinh phổ thông học chữ Hán căn bản… Có lần vấn đề chữ Hán còn được nêu ra tại nghị trường quốc hội. Chúng tôi có dịp được tham dự một số hội thảo trong nước bàn về chủ đề trang bị Hán văn cho trường phổ thông. Tạp chí khoa học xã hội và Hán Nôm từng đăng nhiều bài về ích lợi của Hán ngữ ngày nay. Các hội thảo đều nhất trí đề xuất với Bộ GD nghiên cứu việc đưa chữ Hán vào trường phổ thông. Từ sau Cuộc cướp chính quyền tháng Tám 1945, nhất là sau 1954 Nhà nước công nông vội vàng đoạn tuyệt với cổ văn (hiển nhiên Hán văn chính là cổ văn duy nhất của nước ta), tạo ra một vết đứt gãy lớn và sâutrong nền văn hóa dân tộc. Mặc dù ngày nay Việt Nam hiện đại hẳn là thiên về văn minh phương Tây nhưng vết đứt gãycó thể là một trong các nguyên nhân khách quan góp phần vào tình trạng rối loạn văn hoá, rối loạn ứng xử trong đời sống tinh thần người Việt (xếp bên cạnh các nguyên nhân chính trị tư tưởng, dân chủ, nhân quyền và niềm tin công dân).
Hi vọng, bên cạnh yếu tố chủ đạo là Cải cách thể chế chính trị, biện pháp Hán văn được hồi phục khả dĩ góp một phần nhỏ nhưng có khả năng vãn hồi tính dân tộc đang bị mai một không phanh.
Theo cách đặt vấn đề của hai tác giả Minh Trí, Ngọc Thịnh, mặc nhiên tin rằng cần đưa Hán Nôm vào trung học phổ thông, chỉ còn băn khoăn chưa tin tưởng đưa Hán Nôm vào tiểu học. Hai tác giả còn băn khoăn “có phải tội cho các em quá hay chăng?” và kết luận: “Tuy nhiên, để áp dụng nó vào nhà trường, nhất là ở cấp 1, có lẽ nên… xem xét lại”.
Chúng ta bàn tiếp vấn đề hai tác giả đã nêu.
Học sinh tiểu học có thể học được Hán tự không ?
Quan điểm của chúng tôi là nên cho tiểu học làm quen và biết chữ Hán ở mức độ thấp. (Về chữ Nôm. Chữ Nôm ra đời ước thế kỷ 14, vì nhu cầu cần một văn tựghi được tiếng nói thuần Việt mà chữ Hán bất lực. Đến đầu thế kỷ 20 hệ chữ quốc ngữ dùng văn tự mẫu la tinh đã đáp ứng nhanh chóng nhu cầu trên rồi, cho nên ngày nay không có “cầu” thì không cần “cung” nữa. Chữ Nôm vẫn được học ở một số khoa đặc biệt (đại học, học viện) phục vụ nhu cầu nghiên cứu cổ văn tự, khảo cổ học, sử học, văn học.v.v…nói chung là chuyên ngành hẹp. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng không đặt ra vấn đề chữ Nôm với bậc tiểu học cũng như trung học, có chăng giới thiệu cơ bản chữ Nôm cho lớp cuối trung học để biết tra từ điển Nôm).
Xin quay lại với Hán văn. Cần xác định từ đầu: chữ Hán và Hán văn không phải ngoại ngữ, đó là một phần đặc sắc của nền văn hóa dân tộc Việt Nam suốt nghìn năm qua.
Hiện nay có nhiều nhu cầu sử dụng chữ Hán:
1.   Khối lượng văn học cổ điển của dân tộc Việt viết bằng Hán tự trong gần nghìn năm là rất lớn, chưa khai thác hết.
2.   Tiếng Việt vốn chứa đựng 50- 80 % tiếng gốc Hán (các nghiên cứu cho kết quả khác nhau, tùy theo quan niệm đếm theo từ đơn, từ kép, từ lai, từ đọc trại). Chúng ta cần nắm chữ Hán để ung dung làm chủ tiếng Việt.
3.   Di sản văn hóa vật thể mang chữ Hán rải rác khắp đất nước.
4.   Tục ngữ thành ngữ ca dao truyện cổ truyền thuyết Việt Nam chứa đựng nhiều chữ Hán và điển tích, điển cố gốc Hán. Muốn hiểu thấu ngọn nguồn cần tra từ điển  Hán Nôm.
5.   Hán tự Hán văn đã thấm sâu vào giá trị thẩm mỹ và cảm hứng thẩm mỹ của dân tộc; Không thể kể hết những cung bậc sắc thái buồn vui trang trọng và tình cảm gắn liền với chữ Hán. Một số sinh hoạt Phật giáo và Đạo giáo cũng có liên quan với những phong tục tập quán dân tộc đồng thời gắn liền với Hán văn. Mặt khác, Hán tự có vẻ đẹp riêng độc đáo, thú chơi thư pháp như chơi tranh là thưởng thức cái đẹp, không thể so đo kiểu thực dụng. Nói chung, Hán tự cùng Hán văn đã ăn sâu vào văn hóa Việt trên nhiều phương diện.
6.   Nhu cầu tra cứu chữ Hán rất cần đối với nhiều người trong việc nghiên cứu. Từ điển giấy, từ điển phần mềm vi tính, từ điển mạng online đều có sẵn. Từ điển khá phong phú chủng loại nhưng không dễ tra khi cần thiết. Muốn tra từ điển Hán cần phải học tập khoảng 03 tháng có hướng dẫn mới tự làm được (trong khi tra từ điển Anh, Pháp, Việt…theo mẫu tự la tinh chỉ cần 30 phút là biết, miễn là thuộc lòng một câu từ A đến Z).
7.   Dân tộc ta còn phải ứng phó lâu dài với âm mưu thâm độc lì lợm của Trung cộng, vì thế chúng ta cũng cần chuẩn bị các thế hệ sau có bản lĩnh đủ ứng phó trong đó Hán tự là một trong các biện pháp phòng vệ.
(Được biết: nhiều nước trên thế giới cũng vẫn học các ngôn ngữ quá khứ từng góp vốn cho ngôn ngữ hiện tại. Như nhiều thứ tiếng châu Âu vẫn học tiếng la tinh, Hi lạp cổ. Nhiều ngành khoa học trên thế giới như y, dược, sinh học vẫn học tử ngữ la tinh…)
Đề xuất giải pháp đưa chữ Hán vào tiểu học và trung học

Có thể đưa Hán tự Hán văn vào lớp 4 và 5 với khối lượng và thời gian vừa phải.
Học sinh sẽ viết chữ, từ ngữ, ngữ pháp và phát âm Hán Việt (nhất nhị tam tứ ngũ lục…Thiên đô chiếu, Nam quốc sơn hà Nam đế cư…,Hịch tướng sĩ văn, Bạch Đằng giang phú.v.v…) và một số thể loại câu đối, hoành phi, thơ, từ, phú, thành ngữ, tục ngữ.
Học Hán văn theo phương pháp học tích hợp
Tích hợp là phương pháp dạy học hiện đại ngày nay đang phổ biến trên toàn thế giới. Trong môn này có môn khác chen vào (chen có ý thức chứ không phải ngẫu nhiên trùng hợp). Chẳng hạn, trong sách văn có sử, trong văn có sinh vật, địa lý, có chính trị học, trong toán có lý, trong toán có kinh tế học.v.v…Theo đó, chúng ta có thể chen Hán tự vào môn tiếng Việt. Bậc tiểu học đều có môn tiếng Việt (đề nghị nên gọi môn Việt ngữ bởi nó tổng hợp đủ nghĩa hơn cách gọi tiếng Việt). Bậc trung học 7 năm có môn Ngữ văn gồm hai phần tiếng ViệtVăn học, có thể chen một số chương bài Hán văn song song với cả phần văn học cổ điển Việt Nam và Trung Quốc.
Môn Mỹ thuật cũng ghép vào một số chương bài tập viết thư pháp Hán tự (viết chữ tượng hình rất dễ, viết trong ô vuông (tập vở giấy kẻ li sẵn ô vuông rồi). Thao tác viết chữ trong ô vuông rèn luyện nhiều tính cách, thậm chí có cả một triết lý ô vuông… Biết viết thư pháp thì học hội họa cũng mau hơn, chẳng lãng phí đi đâu. Lại nhớ câu tục ngữ “nét chữ nết người”.
Ngày nay phương tiện dạy học rất phát triển nhờ công nghệ IT, máy tính bảng, tiện lợi cho trẻ em một số môn học; Nếu dùng trò chơi học chữ Hán thay vì những trò chơi vớ vẩn thì hữu ích cho học sinh tiểu học hơn nhiều.
Chúng tôi hiểu nỗi băn khoăn của nhiều người cho rằng đưa Hán Nôm vào tiểu học khó khăn lắm, sợ rằng các em trẻ người non dạ… Vấn đề là không đòi hỏi quá cao ở các em. Một em bé tiểu học mới  9, 10 tuổi bơi lội như con rái cá khiến nhiều người trưởng thành (không biết bơi lội) phải trầm trồ khen ngợi. Em bé không sợ nước chảy, em bé cũng không sợ chữ Hán nếu em thấy thích thú. Lại có thầy cô bên cạnh dạy kèm nữa thì sợ gì….
Tại sao có tình trạng ngày nay học sinh trung học tốt nghiệp tú tài sau 7 năm học tiếng Anh mà vẫn không giao tiếp được. Sao vậy ? Nguyên nhân ở chương trình, sách, thiết bị và phương pháp của thầy cô thôi, không thể đổ lỗi cho môn tiếng Anh khó đến thế.
Chúng tôi thử đề xuất khối lượng học Hán văn từ lớp 4 đến 12, như sau.

Bắt đầu từ lớp 4, mỗi tuần môn tiếng Việt học 02 tiết Hán tự Hán văn, một năm được 60 tiết. Lớp 4 và 5 cộng được 120 tiết. Trung học đi tiếp quán tính tiểu học, ngon trớn rồi. Mỗi tuần 2 tiết (gửi vào phần tiếng Việt 1 tiết, phần Văn học 1 tiết, cộng 2 tiết). Cả năm cũng là 60 tiết. Tổng cộng trung học có tối đa  60t x 7 lớp = 420 tiết, cộng với tiểu học:  120 + 420 = 540 tiết. Trung bình mỗi tiết chỉ cần thuộc hai chữ, kể cả ôn tập từ cũ, theo lối cuốn chiếu. Tốt nghiệp  phổ thông được trên một nghìn từ/ chữ. Nếu học sinh nào có sở thích, năng khiếu và đam mê thì từ đây đủ khả năng tự học tiếp (có cụ già nghỉ hưu rồi mới tự học chữ Hán theo sở nguyện, sau một năm cụ học được 700 từ đủ đọc được Đường thi nguyên bản).
Bộ giáo dục vừa công bố sẽ thực hiện chương trình và SGK mới vào năm 2018. Không rõ Bộ GD có tiếp thu đề xuất của giới khoa học về việc đưa chữ Hán vào trường phổ thông hay chưa.

Lãnh đạo Bộ GD đang ở thế cưỡi cọp, không thể nhảy xuống, mà phải nghĩ tới trách nhiệm với dân tộc. Những người đứng đầu ngành cần tự xóa tư duy nhiệm kỳ. Món nợ giáo dục kéo dài ít nhất bốn chục năm qua kể từ đất nước thống nhất đã quá dày quá nặng, lịch sử dân tộc yêu cầu phải trả, không thể chần chừ nữa.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)