VNTB – Phe nhóm tìm cách triệt nhau?

VNTB – Phe nhóm tìm cách triệt nhau?

Thới Bình

(VNTB) – Bà Mười Tường bị phạt 8 năm tù trong vụ vận chuyển 470.000 USD.

 

Hồi tháng 2-2022, trong phiên xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên án Nguyễn Thị Kim Hạnh, tên thường gọi Mười Tường, 53 tuổi, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, và đồng phạm trong vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới 470.000 USD, sau 1 tuần nghị án kéo dài.

Theo cáo trạng, khoảng 9g20 ngày 24-6-2019, Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang tuần tra tại khu vực vành đai biên giới rạch Chắc Ri, khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc thì phát hiện 4 người đi trên vỏ lãi chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam, có biểu hiện nghi vấn nên ra tín hiệu dừng để kiểm tra.

Thấy lực lượng chức năng, nhóm này đã chạy vỏ lãi vào bờ rồi chạy về phía Campuchia. Một người trong nhóm đã ném lại 1 túi ni lông, bên trong có 470.000 USD (tương đương gần 11 tỉ đồng). Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý hành chính và tạm giữ toàn bộ tang vật.

Đến ngày 6 và 9-7-2021, Sang, Linh ra đầu thú. Còn Lê và Minh đã bị bắt, điều tra trong vụ án buôn lậu 51kg vàng 9999 mà lực lượng Công an tỉnh An Giang đã bắt giữ vào ngày 30-10-2020. Lê và Minh còn tự thú trước đó có tham gia vận chuyển 470.000 USD cùng với Sang và Linh.

Qua điều tra, 4 bị cáo khai nhận thường tham gia vận chuyển hàng hóa, tiền tệ cho Mười Tường từ Campuchia về Việt Nam và được trả tiền công từ 3 – 4 triệu đồng/tháng. Ngày 24-6-2019, Mười Tường đã chỉ đạo Sang cùng Minh, Linh, Lê qua Campuchia nhận tiền 470.000 USD, vận chuyển về Việt Nam thì bị phát hiện.

“Minh và Lê làm thuê cho tôi, còn họ đi ở đâu là quyền của họ. Có thể họ thấy làm cho tôi lương thấp nên đi làm gì đó. Tôi hoàn toàn không biết số tiền 470.000 USD đó. Đây không phải là số tiền nhỏ, họ vu khống tôi”, bà Mười Tường nói tại phiên xét xử sơ thẩm.

Hội đồng xét xử đặt vấn đề: “Nếu bị cáo cho rằng Sang mâu thuẫn nên vu khống có lẽ đúng, nhưng bây giờ 4 người và cả người giúp việc của bị cáo cũng nói do bị cáo chỉ đạo. Hơn nữa, những người này làm công làm gì có số tiền gần 11 tỉ đồng để mua 470.000 USD về Việt Nam?”.

Bà Mười Tường đáp: “Bây giờ ai cũng vu khống tôi. Tôi không bao giờ chỉ đạo Sang lấy 470.000 USD, còn bị cáo Lê thì ‘không được bình thường’ nên tôi không trách. Bữa đó, tôi có nghe những người Campuchia xuống cự cãi với Sang là họ nói đã đưa 500.000 USD chứ không phải 470.000 USD như báo chí đưa tin mà tôi cũng im ru. Vì từ lâu rồi tôi không nói chuyện hay liên lạc với Sang nữa…”.

Tuy nhiên phiên sơ thẩm vẫn tuyên án tù về chuyện bà Mười Tường vận chuyển 470.000 USD về Việt Nam.

Sự thật ra sao?

Ngày 16-8, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM tổ chức xét xử phúc thẩm vụ án hình sự “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” liên quan đến 470.000 USD do bà Mười Tường cầm đầu và 4 đồng phạm.

Khác lần trước tại quê nhà, lần này bà Mười Tường chỉ đích danh người chủ mưu thật sự trong chuyện thuê bà vận chuyển số bạc này là là bà T.K.B. (62 tuổi) và ông D.C.C. (70 tuổi), đều ngụ thành phố Châu Đốc, An Giang.

Có một tình tiết rất đáng chú ý: Bà B., và ông C., đã thuê đàn em của bà Mười Tường vận chuyển từ Campuchia về với số tiền là 500.000 USD. Ông H., cán bộ biên phòng An Giang chính là người kêu người bắt vụ vận chuyển số tiền 500.000 USD.

“Sau khi biên phòng bắt giữ 470.000 USD thì sau đó bà B. gọi cho tôi hỏi tại sao mấy đứa vận chuyển lại mất 30.000 USD. Bà B. nói tổng số là 500.000 USD chứ không phải 470.000 USD. Sau đó, tôi có gặp ông H. biên phòng hỏi vụ tiền này rồi”, bà Mười Tường nói tại phiên tòa phúc thẩm.

Tình tiết cho biết ông H. đã lấy 30.000 USD để tiêu xài. Và vẫn theo lời bà Mười Tường, thì đúng là bà có biết vụ này, nhưng “không phải là chủ mưu, không phải là chủ số tiền trên”.

Liệu đây có phải là phe nhóm tìm cách triệt nhau? Phiên tòa phúc thẩm hiện đã tạm hoãn, chờ thu thập và làm rõ thêm các tình tiết mới mà bà Mười Tường đã khai báo.

Trước mắt tình tiết của vụ án cho thấy dường như bà Mười Tường biết rõ có thế lực của ai đó đủ sức chi phối cơ quan tư pháp ở quê nhà An Giang, nên phải chờ đến phiên phúc thẩm xét xử tại TP.HCM, bà Mười Tường mới công khai trước tòa và báo chí…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)