Đông Đô
(VNTB) – Một cuốn sách toàn là ‘bài cũ’, nhưng được cả 3 cơ quan cùng trịnh trọng làm “lễ ra mắt”.
Ngày 9-2, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo trung ương, Hội đồng Lý luận trung ương, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, tác giả là Nguyễn Phú Trọng.
Vì sao không là công trình khoa học bài bản?
Theo diễn văn của Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, thì “cuốn sách tuyển chọn 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến nay. Nội dung xuyên suốt 29 bài viết là sự phân tích biện chứng, lý giải thấu đáo những câu hỏi lớn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng bí thư”.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhận định, “Các bài viết đã thể hiện rõ và làm sâu sắc thêm bản chất, giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội trên các bình diện chính trị, kinh tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… bằng những ngôn ngữ giàu hình ảnh, cách diễn đạt dung dị, gần gũi, dễ hiểu đối với mọi tầng lớp nhân dân, được chắt lọc từ đời sống thực tiễn sinh động của đất nước.
Với cuốn sách này, bạn đọc một lần nữa được đọc lại toàn văn những bài phát biểu sâu sắc, giàu tính lý luận và thực tiễn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà trước đó có thể đã được biết sơ lược qua tường thuật trên báo chí”.
(Ông Thắng còn được biết đến là người đứng đầu trong nhóm thư ký ‘chấp bút’ cho các bài viết ký tên Nguyễn Phú Trọng).
Nếu đúng như lời quảng cáo cho cuốn sách được đánh giá là rất khó bán này, thì một khi đã gọi là “nội dung xuyên suốt 29 bài viết là sự phân tích biện chứng, lý giải thấu đáo những câu hỏi lớn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng bí thư”, thì ở đây cần đánh giá nó dưới góc độ là công trình nghiên cứu khoa học mang tính lý thuyết chưa qua kiểm chứng thực tế.
Và với một công trình chưa thể kiểm chứng thực tế, thì nếu lại khước từ mọi phản biện khoa học, cho thấy ở đây tác giả Nguyễn Phú Trọng đang có chiều hướng của tư tưởng độc tài trong việc quản trị quốc gia từ Điều 4.1 Hiến pháp, với việc nghiêng theo chiều hướng “Đức trị”, thay cho “Pháp trị”.
Có được quyền ‘chê’ cuốn sách ‘khó bán’ này hay không?
Xin luận bàn đôi điều cùng “tác giả Nguyễn Phú Trọng” – lưu ý, trao đổi tiếp theo đây là ý kiến trao đổi với “tác giả”, chứ không phải với chức danh “Tổng bí thư”.
Trong các tiết học về Tư tưởng Hồ Chí Minh ở bậc đại học, giáo trình viết rằng, “Hồ Chí Minh bằng tấm gương đạo đức của bản thân đã chinh phục được trái tim và khối óc của nhân dân cả nước, thuyết phục được các sĩ phu yêu nước cũ điển hình là Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại và tầng lớp trí thức tân học theo Người. Thực hiện đức trị, trong suốt thời kháng chiến chống Pháp. Người chỉ xử tử có một người: Trần Dụ Châu.
Vì sao đức trị có thể thực hiện trong thời gian đó? Một là trên chiến khu, đời sống mọi người kham khổ như nhau, nên đức trị còn có tác dụng. Hơn nữa, Hồ Chí Minh lại là tấm gương sáng chói của nền đức trị đó.
Song trong lịch sử có lẽ Hồ Chí Minh thuộc lớp người cuối cùng được đào tạo cơ bản để có được những đức tính trong sáng và cao đẹp của người trị nước theo đúng Nho giáo”.
Bình giảng tiếp theo của giảng viên, rằng, “một thời gian dài chúng ta đã trị nước bằng chỉ thị và nghị quyết thay vì phải trị nước theo pháp luật. Sau khi đường lối đổi mới đi vào cuộc sống, xã hội Việt Nam đã thực sự phân hóa về giai tầng, về quyền lợi, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, những mối quan hệ chằng chịt trong nước lại đan xen phức tạp với các mối quan hệ quốc tế, thì dứt khoát nền đức trị cổ truyền đã chấm hết vai trò lịch sử của nó, và nay chỉ một nền pháp trị cứng rắn bất vị thân mới có khả năng giải quyết đúng đắn các mối quan hệ xã hội phức tạp hiện nay. Chính vì vậy mà Quốc hội khóa XI đã tập trung xây dựng những luật cơ bản”.
Như vậy, nền tảng mang tính nguyên tắc của lập luận trong 29 bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, của tác giả Nguyễn Phú Trọng, chỉ có thể ít nhiều thuyết phục cho kỳ vọng lúc thực thi khi nó đang xây dựng trên căn cứ của luật cơ bản về đảng chính trị.
“Lễ ra mắt” là hình thức của nịnh bợ?
Phát hành một cuốn sách với 29 bài viết của một cá nhân từng được báo chí đăng tải, liệu có cần đến việc tổ chức sự kiện mang tên “lễ ra mắt”?
Có lẽ ở đây thay vì để ‘cấp dưới’ nịnh bợ mình qua chuyện “lễ ra mắt” như hôm 9-2-2022, trên cương vị Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng nên mạnh dạn hơn nữa trong chấm dứt độc quyền tư tưởng.
Bởi tất nhiên một nền pháp trị mới xã hội chủ nghĩa đòi hỏi mọi công dân từ người thứ dân bình thường cho tới người lãnh đạo cao nhất của đất nước phải theo một nền đạo đức mới. Nhưng nền đạo đức mới đó là gì? Có phải chỉ tóm gọn nó trong một câu: Sống và làm việc theo pháp luật là đủ không?
Có lẽ cần các vị học giả và trí thức độc lập ngoài Đảng, hãy tiếp sức cùng nhau suy nghĩ, sớm đề ra một nền đạo đức mới để giáo dục giới trẻ nước nhà, vì chỉ có giáo dục từ nhỏ ngay từ tuổi mẫu giáo và tiểu học thì mới vững bền.
Đối với người lớn, tính cách con người đã hình thành khó mà thay đổi, ngoài mặt thì dạ dạ vâng vâng nhưng trong đầu nghĩ gì ai mà biết được!
Tất nhiên nền đạo đức mới phải kế thừa và chắt lọc những tinh hoa của truyền thống dân tộc, của nền triết học phương Đông cũng như những thành tựu vĩ đại của nền triết học phương Tây kể từ thế kỷ ánh sáng, chứ không nên duy ý chí ở một cá nhân nào đó như kiểu 29 bài báo của “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
1 comment
Luật sư Ngô Ngọc Trai bên BBC đang khuyên giới trẻ nên đọc sách, và ông tự lấy mình ra làm ví dụ “Những lúc rảnh rỗi ngơi công việc của một luật sư thì tôi thường xuyên đọc sách”. May i recommend cuốn sách mới của Tổng bí thư cho cả luật sư Ngô Ngọc Trai & giới trẻ ngày nay .