VNTB – Trợ cấp thất nghiệp ở Việt Nam ở mức cao so thế giới?

VNTB – Trợ cấp thất nghiệp ở Việt Nam ở mức cao so thế giới?

Mai Lan

 

(VNTB) – Người lao động ở Việt Nam được Đảng quan tâm nên khi họ thất nghiệp, phần trợ cấp được hưởng cũng cao hơn nhiều xứ tư bản.

 

Mức trợ cấp thất nghiệp ở Việt Nam là 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Trong khi mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Công ước ILO số 102 về an sinh xã hội (tiêu chuẩn tối thiểu) ít nhất 45% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Đó là nhận định tại Hội thảo tham vấn dự thảo báo cáo nghiên cứu Công ước ILO số 102 về an sinh xã hội (tiêu chuẩn tối thiểu) và đánh giá sơ bộ pháp luật Việt Nam có liên quan, do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp cùng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức tại TP.HCM.

Tuy mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của Việt Nam là 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp cao hơn so với mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Công ước (bằng ít nhất 45% tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp), nhưng thời gian chờ đợi hưởng bảo hiểm thất nghiệp dài hơn, phải chờ ít nhất 16 ngày, trong khi Công ước 102 quy định tối đa 7 ngày.

Hay như chế độ trợ cấp tai nạn lao động, pháp luật Việt Nam đã phù hợp với yêu cầu tối thiểu về các điều kiện hưởng chính sách trợ cấp tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, nhưng chưa đạt yêu cầu về mức hưởng của Công ước, chỉ đạt 26,4% thu nhập trung bình so với tiêu chuẩn của Công ước ít nhất là 50%.

Ngoài ra cho đến nay, trợ cấp gia đình là chế độ bảo hiểm xã hội mà Việt Nam chưa thực hiện so với Công ước số 102 của ILO.

Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, trong quá trình trao đổi, thảo luận, Bộ đã đề xuất nội dung liên quan đến chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em. Tuy nhiên, Chính phủ quyết định chưa bổ sung nội dung nêu trên do nguồn lực còn eo hẹp.

Theo đó, nếu đưa thêm chính sách này vào dự thảo luật phải có nguồn kinh phí đảm bảo khoảng 0,7%-1,2% GDP (theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Trong khi đó, nguồn kinh phí này ngân sách nhà nước Việt Nam chưa thể cân đối bố trí được. Và đây cũng chính là một trong những lý do giải thích vì sao phần trợ cấp thất nghiệp tính trên phần trăm mức bình quân lương được cho là cao hơn khuyến nghị, thế nhưng gia đình người lao động thất nghiệp ấy lại khốn đốn hơn nhiều so tình cảnh tương tự ở nhiều quốc gia khác.

ILO đã khuyến nghị Việt Nam xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội trở nên hấp dẫn hơn đối với người lao động, trong đó tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn nên là một ưu tiên. Cụ thể, ILO đề xuất Việt Nam cung cấp cho các gia đình một khoản trợ cấp hàng tháng dựa trên số con họ có, tiếp cận tốt hơn với dịch vụ chăm sóc trẻ mẫu giáo.

Theo quy định của Luật Việc làm, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện cụ thể sau đây:

Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt các hợp đồng này trái pháp luật; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định hoặc không xác định thời hạn;

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ, hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng;

Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)