Cát Tường
(VNTB) – Tiếng kêu của trống Đăng Văn là tiếng kêu của dân đến tận tai nhà vua.
Điển lệ Bắc triều
Bộ sử nhà Nguyễn “Đại Nam thực lục” cho biết, tháng 6 năm Minh Mạng thứ 13 (1832), vua Minh Mạng cho lập công chính đường và treo trống Đăng Văn. Đó là phỏng theo điển lệ Bắc triều, lấy 3 nha của Hình bộ, Đô sát viện và Đại lý tự, gọi riêng là Tam pháp ty, đặt làm dinh thự ở góc Đông Nam trong kinh thành, có tấm biển đề là “Công chính đường”, đằng trước nhà này, về bên trái, treo một cái trống gọi là trống Đăng Văn (tức tiếng trống đánh lên để thấu đến vua nghe).
Triều đình Vua Minh Mạng quy định mỗi tháng lấy những ngày 6, 16 và 26 làm nhật kỳ được đánh trống, nhận các đơn kêu, rồi các đường quan ở ty Tam pháp theo nhật kỳ đã định đem các thuộc viên lên ở công chính đường ngồi theo hàng lối: Bộ Hình ở giữa, bên trái là Đô sát viện, bên phải là Đại lý tự. Phàm thần dân ở trong kinh và ngoài các tỉnh ai có oan khuất thì đưa đơn đến kêu.
Nhận đơn cả ngày lẫn đêm
Tháng 12 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), quy định mỗi ngày cử một viên thuộc ty đến cùng với phái viên của ty Tam pháp phái đến ứng trực ở công đường. Hễ có ai đánh trống Đăng Văn kêu việc gì, đơn kiện thì do ty Tam pháp nhận xét, nhưng thuộc viên ứng trực cũng đăng ký ngay những đơn ấy để trình công chính đường lưu chiểu. Nếu Tam pháp ty ỉm đi hay để chậm trễ không xét đơn thì tham-hặc.
Tháng tư, năm Minh Mạng thứ 18 (1837), Vua Minh Mạng đi tuần chơi tỉnh Quảng Nam, đã sai đặt ở trước các sở hành cung tỉnh Quảng Nam mỗi nơi một cái trống Đăng Văn, để người dân nào có điều gì oan uổng, cho được đánh trống bày kêu, các đường quan 6 bộ cùng khoa quan đạo đi theo vua, cắt lượt nhau thu nhận đơn, cứ thực tâu lên, để biết hết tình dân. Nhà vua cũng quy định mỗi ban trực một ngày một đêm, đường quan cùng khoa đạo đều cử ra 2 người.
Đến tháng 12 năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhà vua lại sai thông dụ cho các trực tỉnh, từ nay phàm các án đã bị quan phủ nêu ra hặc tội, nếu oan uổng thực, cho được ủy người đến kinh thành đánh trống Đăng Văn, bày tỏ kêu lên không được viện lệ làm sớ riêng đệ thẳng. Nếu có gửi phong thư kín tự phải viết giấy phát đi, ty bưu truyền cũng không được nhận đệ, trái lệnh thì có tội…
Kêu oan những cấm tiệt vu khống
Lưu ý không phải ai cũng có thể đánh trống kêu oan mà triều Nguyễn quy định: Người đánh trống phải tự trói tay chân mình, đội sớ kêu oan lên đầu, rồi cầm dùi đánh ba tiếng trống dõng dạc, tiếp đó đánh một hồi vang vọng để vua và triều đình biết đó là tiếng trống của người kêu oan.
Nếu kêu oan không thật sự khẩn thiết hay không đúng sự thật “thì việc dẫu có thực, cũng phải đóng gông 10 ngày để ở ngoài sân nhà Công chính đường, khi mãn hạn lại đánh ngay 100 trượng; nếu có vu cáo tức thì chiếu theo tội kiện vu cáo mà bắt chịu tội”, kể cả những người xúi giục cũng bị phạt.
Ví dụ, năm 1834, sản vật của dân chúng ở phủ Thừa Thiên bị Phủ doãn Trần Tú Dĩnh đánh giá rẻ mạt nên đã kiện, bị Phủ doãn đánh đòn, dân liền đến đánh trống Đăng Văn. Vua Minh Mạng cho là “Đặt ra trống Đăng Văn cốt để những người không có chỗ kêu được thân oan, thế mà từ trước đến nay, những kẻ đến kêu chỉ là những việc nhỏ nhặt trong làng xóm”. Bèn sai Tam Pháp ty tra xét, xử Trần Tú Dĩnh bị cách lưu vì đã đánh giá rẻ sản vật của dân, để dân “đi kiện nhảm”. Người dân đánh trống để kêu, bị phạt 100 roi.
Dưới thời Tự Đức, triều đình cũng đã có một số lần xử phạt việc lợi dụng trống Đăng Văn để kêu oan. Năm 1852, Bùi Văn Lâm đến đánh trống kêu oan về việc bị người khác xâm chiếm đất đai. Sau khi tra xét, Bùi Văn Lâm tên thật là Nguyễn Minh Khiêm, trước đây Khiêm cũng đã từng đến đánh trống kêu oan nhưng việc kêu oan của Khiêm là không đúng nên không được xét, do đó Khiêm nghĩ nếu lấy tên thật sẽ không được xét nữa đành đổi tên thành Bùi Văn Lâm.
Vua Tự Đức liền cho gông cùm Lâm chờ xét xử. Đây là một trong những minh chứng cho thấy các vị vua đầu triều Nguyễn đã tạo điều kiện cho dân chúng thể hiện quyền dân chủ của mình nhưng với điều kiện quyền đó phải được thể hiện đúng quy định của triều đình.
Sau ngày Kinh đô thất thủ (1885), vua Hàm Nghi phải xuất bôn, thì Tam Pháp ty bị bãi bỏ. Đến năm 1901, Vua Thành Thái sai lập lại nhưng chỉ tồn tại cho đến năm 1906.
Sử sách còn ghi chép lại việc hai người đã từ Nam Bộ lặn lội ra Huế để đánh trống Đăng Văn, đó là ông già Ba Tri (Thái Hữu Kiểm) và bà Nguyễn Thị Tồn, vợ của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.
Một vụ phá án nhờ trống Đăng Văn
Một nhóm người Hoa ở phố Gia Hội (Huế) và Quảng Nam về quê Trung Quốc thăm nhà, bị quan quân tuần biển chặn lại giết người, cướp của. Nhóm tuần tiểu còn tâu lên triều đình xin thưởng công trừ giặc. Một người trong số quan quân nhà Nguyễn gần phố Gia Hội ăn nhậu không tiền trả, cầm chiếc nhẫn cho chủ quán. Mặt nhẫn có khắc tên người chủ nên vợ nạn nhân nhận ra và viết đơn, đánh trống.
Vụ án được sách Đại Nam Thực Lục chép như sau: “Nguyên mùa hè năm Tự Đức 4 (1851), Chưởng vệ Phạm Xích, Lang trung Tôn Thất Thiều quản suất thuyền Bằng Đoàn đi tuần biển, tâu trình gặp ba chiếc thuyền giặc ở hải phận Quảng Nam – Quảng Ngãi, họ bèn bắn chìm một chiếc, một chiếc chạy trốn về đông, còn lại một chiếc hư hại nặng; quan quân áp sát giết hết đồ đảng khoảng 70-80 tên, đưa thuyền về đảo Chiêm Dữ neo lại, xin triều đình ban thưởng!
Sau khi nhận đơn kêu oan; Vua Tự Đức xem lại tờ tâu trước, bấy giờ mới phát hiện rằng giặc nhiều thế sao lại kháng cự yếu ớt, dễ dàng bị tiêu diệt đến thế; sinh nghi, vua sai quan bộ binh đi khám xét điều tra lại.
Viên đội trưởng trong vệ Tuyển Phong là Trần Hựu thú nhận rằng: Ngày 18-5 năm Tân Hợi (17-6-1851), thuyền quan đậu ở cửa biển Thị Nại, được tin có ba chiếc thuyền lạ ngoài hải phận đảo Thanh Dữ. Phạm Xích chẳng hỏi ất giáp gì, đuổi theo bắn, không gặp sự kháng cự nào; chúng chỉ một mực bỏ chạy về hướng đông.
Khi Xích áp gần một chiếc, bắn một phát thì thuyền ấy cuốn buồm, 33 người tới thuyền nan trình thẻ, nói là nhà buôn ở phố Thừa Thiên xin về thăm quê (Trung Quốc) và đã được cấp phép, lại có quen biết với Tôn Thất Thiều. Nhưng Thiều lại sai bắt chém hết; Xích cũng sai bọn suất đội Dương Cù đem 76 người còn lại trên thuyền giết luôn, ném xác xuống biển.
Quan Bộ Binh cho rằng bọn Xích giết càn để cướp của, lại mạo xưng công lao, tâu vua giao cho Tam Pháp ty tra xét. Án thành, Thiều là chủ mưu, bị đổi họ và cùng với Phạm Xích bị xử tội lăng trì, vợ con phải phát phối; Dương Cù xử tội trảm quyết, Trần Hựu biết thú nhận, được tha. Vua Tự Đức tức giận, phê chuẩn ngay bản án.
(Theo Xưa và nay số 391, tháng 11-2011).
_______________
Tham khảo:
Ngô Đức Lập, “Trống Đăng Văn – Biểu tượng dân chủ của triều Nguyễn và vấn đề phát huy giá trị trong giai đoạn hiện nay”, Huế xưa và nay, 2013.