Thiên Điểu
(VNTB) – Một cuộc bất ổn toàn diện khiến VN đi vào hỗn loạn và suy kiệt mọi năng lực kinh tế và quân sự là bài toán có lợi nhất cho TQ. Khi đó, lá bài ngửa người TQ tại VN sẽ được công khai áp dụng kèm chiêu bài “bảo vệ dân TQ tại VN” là cơ sở tốt nhất để TQ chính thức phát động âm mưu thôn tính hay không sau khi cân nhắc đầy đủ các khả năng can thiệp của Mỹ và quốc tế. Chiến thuật này cũng chính là chiến thuật mà Nga đã áp dụng hiệu quả đối với Ucraina gần đây.
Sau những thủ đoạn ẩn sau chiêu bài “hợp tác” kể từ khi bình thường hóa quan hệ với VN năm 1990, TQ luôn tìm cách để vừa thao túng kinh tế, vừa tung ra các âm mưu thâm độc nhằm phá hoại nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị, quân sự ở Việt Nam. Những dấu hiệu gần đây cho thấy TQ đã và đang thực hiện âm mưu tiến hành cuộc chiến tranh kiểu mới với kịch bản chiến tranh mới hết sức thâm độc.
Phải chăng động thái can thiệp của Mỹ vào Biển Đông đã khiến TQ mất kiên nhẫn và quyết định xuống tay sớm hơn?
Kịch bản mới khác 1979
Năm 2014, Việt Nam và cả thế giới chứng kiến hành động leo thang một cách ngang ngược ở Biển Đông qua việc đưa giàn khoan HY 981 vào thăm dò dầu khí rất sâu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ttrước tinh thần phản kháng của người dân, sau khi đạt được mục tiêu gây sức ép lên ĐCSVN. TQ rút giàn khoan HY 981 về Hải Nam.
Những tưởng sau khi thu về khoản lợi lớn qua cái gọi là “đền bù” cho các thiệt hại vì hành động quá khích của công nhân VN gây ra trong đợt biểu tình dẫn đến bạo động hồi tháng 5/2014, TQ sẽ chùn tay phần nào. Nhưng trái với dự đoán, TQ lại ung dung gia tăng sự hiện diện qua lực lượng công nhân đông đảo ở các khu vực công trình đầu tư lớn do TQ thắng thầu. Số lượng công nhân TQ tăng lên một cách nhanh chóng. Các nghi ngờ cảnh báo đây chính là lực lượng quân đội được che giấu mà TQ đang tìm cách cài cắm vào VN.
Mấy hôm nay trên mạng liên tục có thông tin về chuyện Trung-Việt động binh. chuyện biên giới Tây Nam có loạn.v.v.
Chuyện lộn xộn ở biên giới Việt-Miên là có thật. Chuyện VN di chuyển quân vào Đà Nẵng và một vài nơi cũng có thể xảy ra.
Tuy nhiên, câu chuyện “kịch bản 1979” như nhiều người phỏng đoán thì trước 2014 có vẻ là hiện thực cao. Nhưng sau biến cố HY 981 hồi tháng 4/2014 thì chiến thuật của TQ có lẽ đã khác đi rất nhiều. Những diễn biến qua các thông tin trên mạng nói trên nếu có liên quan ý đồ gây chiến càng chứng tỏ TQ sẽ áp dụng một chiến thuật hoàn toàn mới. Thậm chí khác biệt rất nhiều so với kịch bản 1979.
TQ đương nhiên có nhiều lý do để muốn “dạy cho VN bài học” ngay trong thời đại thế giới phẳng. Và sẽ luôn có những lý do bất ngờ cho kịch bản mà chỉ có trong cung đình hai bên với nhau mới biết được.
Việc quan sát, nhận định bên ngoài chỉ có thể đúng một phần. Trong âm mưu thôn tính VN, kịch bản 1979 đúng là thâm độc và là ngón đòn nham hiểm, nhưng không nham hiểm bằng những ngón đòn thay kẹo đồng bằng kẹo ngọt kinh tế mà TQ áp dụng ngày nay. Thời đại phát triển, sự thâm độc của nhà cầm quyền TQ đương nhiên cũng phát triển là điều bình thường.
Khoản nợ chiến tranh trước 1979 mà TQ đổ vào cuộc chiến “đánh Mỹ đến người VN cuối cùng” không thấm tháp vào đâu nếu so với khoản nợ vay khổng lồ và sức lệ thuộc kinh tế Việt-Trung bây giờ.
Nếu để chuẩn bị chiến tranh thì ngày nay TQ đang nắm những quân bài nào ở VN?
Những quân bài phục kích
Người ta có thể biết: Nợ viện trợ Xô-Việt được trả qua liên doanh Dầu khí Vietsopetro, nhưng với TQ là gì thì từ trước đến nay chưa có bất kỳ thông tin nào được nói tới, ngay cả một manh mối khả dĩ để nghi ngờ cũng không! Chắc chắn khi bình thường hóa quan hệ qua Hiệp ước Thành Đô, khoản nợ này không thể không được nhắc tới và đương nhiên không thể không có điều kiện đi kèm. Lá bài này là lá bài ẩn không dễ để tìm ra. Vấn đề liên quan TS-HS, cắm mốc biên giới có liên quan gì hay không chỉ là một giả thuyết khó tìm dữ liệu để liên kết.
Trường hợp TQ ra tay bằng vũ lực với VN lúc này, ngoài mục tiêu dằn mặt Mỹ-Việt và độc bá Biển Đông, chắc chắn chính quyền TQ sẽ phải cân nhắc đến các khoản nợ và đầu tư của TQ hiện đã đổ vào VN.
Liên quan khoản tiền này, TQ nắm một lá bài ngửa không hề nhẹ: Hàng triệu người TQ đang có mặt khắp VN. Trong đó có rất nhiều những vị trí nhạy cảm được tập trung tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn người dưới danh nghĩa “công nhân”.
Năm 1979, yếu tố người Hoa khi bị chính quyền VN trục xuất về nước, Phía TQ không chịu tiếp nhận là nằm trong tính toán thâm độc: Ngoài yếu tố chính trị, TQ còn nhằm đẩy lực lượng người Việt gốc Hoa vào thế cùng sẽ quay ngược lại phối hợp với quân chính quy tấn công VN. Chuyện này đã không xảy ra không phải vì chính quyền VN đủ mạnh để siết chặt, ngăn chặn được mà may mắn đến từ chính cộng đồng người Việt gốc Hoa lúc đó đều vẫn đang trong trạng thái sợ hãi, mệt mỏi sau cuộc chiến 1975 cách đó chưa lâu. Bản thân người Việt gốc Hoa lúc đó vốn không mấy ai thân thiện với nhà cầm quyền TQ.
Ngày nay thì khác, các công nhân TQ vào VN trong những năm gần đây đều sống trong môi trường tẩy não của chế độ đương quyền. Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình không chỉ tạo được lòng tin của người dân trong nước mà với cả cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, đương nhiên là cả người Việt gốc Hoa ở VN. Một tâm lý chính trị được chuẩn bị trước kỹ càng sẽ cho phép chính quyền TQ có lòng tin lớn hơn ở lá bài này.
Chỉ cần TQ dùng vũ lực với VN hay thậm chí là trong tranh chấp Biển Đông với Mỹ trong phạm vi hẹp thì lực lượng công nhân TQ nói riêng và người Hoa nói chung chắc chắn có phản ứng. Với số lượng đông lên tới hàng triệu người thì tình huống bất ổn, bất lợi cho VN ở mức nghiêm trọng là điều chắc chắn không tránh khỏi và không dễ xử lý.
Việc gây chiến trực tiếp với VN trong bối cảnh hiện nay, phải thẳng thắn thừa nhận là TQ có nhiều lợi thế nhưng cũng không phải không có nguy cơ rủi ro. Trong đó rủi ro mà TQ quan ngại nhất chính là nguy cơ đẩy VN ngả hẳn sang Mỹ. Điều này chính là cái giá mà TQ hoàn toàn không mong muốn dù được lợi về mặt kinh tế hay quyền lực ở trong nước lớn đến đâu.
Yếu tố tinh thần chống TQ của người dân VN là yếu tố lịch sử không thể đảo ngược sẽ đẩy cuộc xung đột đến mức quyết liệt. Trong đó yếu tố bất hợp tác với chế độ do bất mãn tích tụ nhiều năm qua sẽ đẩy chính quyền VN vào lựa chọn một mất một còn về mặt thể chế và tư tưởng chính trị. Ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản chắc chắn không còn đủ thuyết phục để tập hợp nhân dân trong tình trạng lòng tin gần như đã mất hoàn toàn.
Ở khía cạnh này, giả thuyết về một hay nhóm lãnh đạo chóp bu tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa cộng sản để dựng cờ giành cơ hội khả dĩ có hiệu quả. Nhưng nó cũng đồng nghĩa sự thao túng của TQ vào chính trường VN sau này sẽ tụt về mức không đáng kể. Đây cũng là cái giá mà TQ không hề muốn phải trả.
Cuộc tranh giành Biển Đông giữa Trung-Mỹ cũng là lá bài ngửa nhưng không phải là con bài mà VN có thể thò tay chạm vào vì Trung-Mỹ có nhiều cách, nhiều phương án lẫn lựa chọn để giải quyết với nhau nên không bàn.
Chờ bất ổn toàn diện
Chiến thuật nào sẽ được chọn, mục tiêu nào là có lợi nhất cho TQ đối với VN?
Cuộc xung đột (nếu có) chắc chắn không có kịch bản xua quân ồ ạt như 1979 vì TQ bây giờ có nhiều cách, nhiều năng lực tiến hành chiến tranh đơn giản, ít tốn kém hơn nhờ tiềm lực quân sự đang có trong tay. Mặt khác, yếu tố quốc tế sẽ không cho phép TQ thực hiện chiến thuật này. Chiêu trò mượn tay lực lượng đối lập Campuchia khích động tranh chấp biên giới Tây Nam sẽ dừng lại ở mức gây bất ổn, tiêu hao, kéo giảm sức mạnh phòng thủ của VN hơn là một cuộc chiến quân sự như năm 1978.
Một cuộc bất ổn toàn diện khiến VN đi vào hỗn loạn và suy kiệt mọi năng lực kinh tế và quân sự là bài toán có lợi nhất cho TQ. Khi đó, lá bài ngửa người TQ tại VN sẽ được công khai áp dụng kèm chiêu bài “bảo vệ dân TQ tại VN” là cơ sở tốt nhất để TQ chính thức phát động âm mưu thôn tính hay không sau khi cân nhắc đầy đủ các khả năng can thiệp của Mỹ và quốc tế. Chiến thuật này cũng chính là chiến thuật mà Nga đã áp dụng hiệu quả đối với Ucraina gần đây.
Kịch tính của các giả thuyết đúng sai đến đâu cũng sẽ xảy ra trong tương lai không xa trước các khó khăn mà chính quyền TQ đã và đang phải đối mặt. Nó phụ thuộc một phần không nhỏ là thái độ của Mỹ và các nước khác ở Biển Đông trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ tới đây chứ không thể mạo hiểm trong lúc này.