Ngọc Lan
(VNTB) – Đảng cộng sản luôn muốn đặt quyền thống trị như một “Tổng đàn Giáo chủ” bao trùm lên mọi niềm tin tín ngưỡng của dân chúng để dễ cai trị.
“Tăng cường hợp tác trong việc phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về tôn giáo, quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; thúc đẩy hợp tác đào tạo cán bộ” – trích Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc, ngày 12-12-2023.
Ở tiểu mục “Hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn” ở Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc được ký giữa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 12-12 vừa qua, có đoạn về vai trò của Bộ Công an hai nước; theo đó phía Trung Quốc sẽ “tăng cường hợp tác trong việc phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về tôn giáo, quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; thúc đẩy hợp tác đào tạo cán bộ” để giúp Việt Nam. (*)
Như vậy khả năng sắp tới đây những tôn giáo, những tổ chức phi chính phủ nào không quy thuận đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đều đứng trước đe dọa bị trấn áp bằng cả “liên minh công an” Trung – Việt.
Mười năm về trước, từ khi Tập Cận Bình nắm quyền vào năm 2013, đạo Hồi, đạo Thiên Chúa và Phật giáo Tây Tạng bị đàn áp thô bạo hơn. Mục tiêu của đảng Cộng Sản Trung Quốc là kiểm soát triệt để sinh hoạt tôn giáo mà bước kế tiếp là viết lại kinh thánh và kinh Coran theo ý thức hệ cộng sản.
Theo một tài liệu của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, vào ngày 30 tháng 12, 2019 chính quyền Trung Quốc chuyển sang đàn áp các tín hữu Công giáo tại Tổng Giáo phận Phúc Châu, những người đang từ chối gia nhập Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc.
Từ ngày 1-2-2020, theo nội dung của “Các biện pháp hành chính đối với các nhóm tôn giáo” của Tập Cận Bình thì các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuân thủ hiến pháp, luật pháp, các quy định, pháp lệnh và chính sách, tuân thủ nguyên tắc độc lập và tự trị, tuân thủ các chỉ thị về tôn giáo tại Trung Quốc, thực hiện các giá trị của chủ nghĩa xã hội”, Điều 5 của các chính sách mới nêu rõ.
Điều 17 nhấn mạnh rằng “các tổ chức tôn giáo phải truyền bá các nguyên tắc và chính sách của đảng Cộng sản Trung Quốc”, cũng như yêu cầu “các nhân viên tôn giáo vàcông dân thuộc mọi tôn giáo phải ủng hộ sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, hỗ trợ hệ thống xã hội chủ nghĩa, tuân thủ và đi theo đường lối của chủ nghĩa xã hội với bản sắc Trung Quốc”.
Các điều khoản khác trong các biện pháp mới nêu rõ rằng các tổ chức tôn giáo “phải thiết lập một hệ thống học tập”, để đào tạo nhân viên tuân thủ các chính sách của đảng Cộng sản Trung Quốc, và cũng yêu cầu các cơ quan chính phủ phải tham gia vào việc lựa chọn các quan chức tôn giáo và tham gia vào các cuộc tranh chấp.
Điều 34 nêu rõ “Nếu không có sự chấp thuận của cơ quan tôn giáo của chính phủ nhân dân, hoặc nếu không đăng ký với cơ quan dân sự của chính phủ nhân dân, không có hoạt động nào có thể được thực hiện dưới danh nghĩa của các nhóm tôn giáo”. Điều này có nghĩa là “các nhà thờ tại gia” hay bất kỳ hình thức nào của “các nhà thờ” đều là bất hợp pháp.
Trong Tổng Giáo phận Phúc Châu, nằm ở phía đông nam Trung Quốc, hơn 100 nhà thờ đã bị chính phủ đóng cửa kể từ tháng 8 năm 2019. Cuộc đàn áp bắt đầu sau khi chỉ có 5 thành viên trong hàng Giáo sĩ tham dự một “hội nghị đào tạo huấn luyện” được bảo trợ bởi Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất và Cục Các vấn đề về Tôn giáo và Dân tộc.
Các nhà thờ Công giáo ở thành phố Phúc Thanh đã bị đóng cửa và camera giám sát đã được lắp đặt để ngăn cản không cho giáo dân bước vào. Phúc Thanh là quê hương của linh mục Lin Yuntuan, Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo phận Phúc Châu.
Diễn biến trên cũng không gì ngạc nhiên. Các tôn giáo từng nếm mùi khổ ải dưới thời Mao Trạch Đông. Nhất là trong suốt cuộc Cách Mạng Văn Hóa (1966 – 1976). Cuộc cách mạng này đã tìm cách triệt tiêu tôn giáo. Các địa điểm thờ phụng đã bị đóng cửa hay phá hủy hàng loạt, và nhiều chức sắc tôn giáo đã bị cầm tù hay bị đưa đi các trại cải tạo lao động.
Kể từ những năm 1980, sau khi bắt đầu cải cách kinh tế và mở cửa đất nước, chế độ cộng sản đã tỏ ra khoan dung hơn. Các tín đồ thuộc năm tôn giáo lớn – bao gồm Phật giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hồi giáo và Lão giáo – đã được phép xây dựng các điểm tôn thờ và thực thi tín ngưỡng, với điều kiện trung thành với các cơ quan mặt trận tổ quốc, do đảng Cộng sản Trung Quốc giám sát.
Điểm chung dễ nhận ra nhất giữa Bắc Kinh và Hà Nội về tôn giáo, đó là đảng cộng sản luôn muốn đặt quyền thống trị của mình với tư cách là một “Tổng đàn Giáo chủ” bao trùm lên mọi niềm tin tín ngưỡng của dân chúng để dễ cai trị.
————-
(*) https://vietnamthoibao.