Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trung Quốc “tuyên chiến” với sân golf, Việt Nam thì sao?

(VNTB) – Trung Quốc đang mở chiến dịch đóng cửa 66 sân golf nhằm chống sa hoa lãng phí trong giới quan chức nước này, đồng thời, kiểm soát thị trường bất động sản trong nước, trong đó ưu tiên sử dụng đất cho nông nghiệp, trong tình trạng quỹ đất này đang bị thu hẹp. Năm 2006, Trung Quốc từng đưa hoạt động xây dựng sân golf vào danh sách “những hoạt động sử dụng đất bị cấm”.

Sân golf ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nông nghiệp, môi sinh, và vấn đề bất động sản

Tại Việt Nam, vấn đề sân golf cũng gây ra nhiều bàn cãi trên nghị trường, báo giới truyền thông và tại nhiều điểm xây dựng sân golf, cũng xảy ra xung đột giữa người nông dân (bị thu hồi đất nông nghiệp) và chính quyền (nơi cấp phép đầu tư sân golf) bởi bản thân nó cũng nảy sinh các vấn đề tương tự như phía Trung Quốc. Cụ thể:

Đầu tiên, dù chưa đến mức trầm trọng, nhưng thông qua hiện tượng thi nhau cấp phép xây dựng sân golf đã làm cho đất nông nghiệp bị thu lại, đặc biệt tại những tỉnh chuyên trồng lúa như Long An – Điều này dường như trái quy định về việc sử dụng đất dựng sân golf tại một số nước nơi Hàn Quốc, Nhật Bản khi sân golf chỉ làm tại nơi đất đai không trồng trọt được. Chưa kể mức độ thu hồi và chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang sân golf theo giá đền bù chỉ chừng vài chục nghìn/m2 đất ruộng như vụ thu hồi đất ở Chương Mỹ (Hà Tây cũ), Đông Anh (Hà Nội)… Năm 2009, trước tình trạng các tỉnh thi nhau lấy đất nông nghiệp cấp cho các nhà đầu tư làm sân golf, Chính phủ đã ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý, xây dựng loại hình này trong đó quy định không sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa một vụ kém năng suất), đất màu, đất rừng để làm sân golf, tuy nhiên, điều này không thực hiện nghiêm túc sau đó.

Người nông dân này bị nhà chức trách Nghi Xuân cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ ở dự án sân golf Xuân Thành. Ảnh: Thanh Niên

Cụ thể, năm 2013, BBC Vietnamese đưa tin về trường hợp 15 người đã bị bắt vì tội ‘chống người thi hành công vụ’ trong vụ cưỡng chế đất nông nghiệp để xây sân golf tại xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh hôm 10/12. Người dân cáo buộc chính quyền huyện Nghi Xuân đền bù thấp (19 triệu/ sào đất 500 mét vuông) hơn nhiều lần so với mức giá trần (190 triệu đồng). Đồng thời, theo người dân Xuân Thành cho biết, toàn bộ cánh rừng phòng hộ đã bị san phẳng hết, ruộng đất của nhân nhân hơn 83ha, vừa đất rừng phòng hộ, vừa đất nông nghiệp cũng mất hết.

Ngoài ra, một số địa phương tìm cách “lách lúa” để trồng golf. Vào tháng 2/2015, UBND TP Hà Nội lại có đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét dự án xây dựng sân golf tại khu đất ngoài bãi đê sông Đuống thuộc quận Long Biên và huyện Gia Lâm do Công ty cổ phẩn Vinpearl lập, nếu dự án này được thông qua, thì nó sẽ xóa sổ 291ha đất bãi ven sông, vốn là nơi trồng cây hoa màu ngắn ngày, quan trọng hơn, diện tích dự án có một phần nằm trong hành lang thoát lũ sông Đuống.

Thậm chí, tại vùng di sản thế giới – Vịnh Hạ Long, vào đầu năm 2015, Tập đoàn Tuần Châu gây xôn xao dư luận khi trình lên UBND tỉnh Quảng Ninh muốn xây dựng 3 khu biệt thự lấn biển hình 3 đóa hoa trên biển, kèm theo là quy hoạch mở rộng sân golf từ 18 lỗ lên thành 27 lỗ bằng cách đổ hơn 20 triệu m3 đất, đá, bùn, cát xuống Vịnh Hạ Long để lấn thêm khoảng 400 ha mặt nước ở phía Tây của đảo Tuần Châu.

Tất cả cho thấy, nhóm lợi ích giữa doanh nghiệp và quan chức nhà nước khiến cho chỉ thị của phía Chính phủ gần như vô hiệu trên thực tế, các dự án sân golf không những xâm phạm đất đai nông nghiệp, vùng đồi, vùng đê, mà còn tiến sát vào cận các vùng dự trữ nước cho dân cư, khu di sản thế giới, bỏ qua các tác động tiêu cực về mặt môi sinh mà sân golf mang lại trong thời gian tồn tại (50 năm).

Thứ hai, các sân golf với thời gian dự án lên đến 50 năm cũng làm hao tổn tài nguyên nước cho việc duy trì độ xanh thảm cỏ cũng như làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, đất đai thông qua lượng hóa chất nhằm giữ ẩm, phòng côn trùng cho sân golf. Báo giới và người dân từng phản ánh việc các sân golf gây ô nhiễm nghiêm trọng như sân golf Indochina Hội An (Quảng Nam); sân golf Tam Đảo (Vĩnh Phúc); sân golf Đồi Cù (Đà Lạt)…

Xoay quanh vấn đề này, vào tháng 4/2015, người dân sống xung quanh dự án sân golf Tân Sơn Nhất (Tp. Hồ Chí Minh) đã phản ánh việc, “phát hiện tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ dại, thuốc trừ sâu cho cỏ Lông Nhung trong sân golf này gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và hiểm họa ung thư cho người dân các khu dân cư lân cận”. Theo dự án, diện tích trồng cỏ là 111,59ha, và ước tính của TS. Nguyễn Đăng Diệp (Phó GĐ Trung tâm công nghệ sinh học nông nghiệp) cho thấy, mặt đất phải tiếp nhận gần 190 tấn/năm lượng thuốc trừ sâu các loại.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNTGS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam trong trả lời báo Đất Việt đã khẳng định sự ô nhiễm đầy nguy hại của các sân golf: “Họ phải phun hoá chất để nuôi dưỡng cỏ chứ không phải loại sân golf đánh trên cát như nhiều nước vẫn làm. Giống như dự án sân golf Đồng Mô, sau khi đổ đất đầm nền, người ta trồng cỏ, phun hoá chất lên để chống mối, côn trùng, gây ô nhiễm nguồn nước.”

Thứ ba, mục đích sử dụng đất cũng không đúng như ban đầu, có hiện tượng đầu cơ bất động sản thông qua dự án sân golf. Báo điện tử Doanh nhân Sài Gòn cho hay, trung bình một sân golf 18 lỗ chiếm khoảng 80-100ha, cứ thế, khi lập dự án, các chủ đầu tư vẽ lên những dự án sân golf lý tưởng 36 lỗ, 54 lỗ… để sở hữu được diện tích đất kỳ vọng! Sau khi được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư triển khai hạ tầng, song song đó tiến hành thủ tục xin điều chỉnh mục đích sử dụng để chuyển từ golf sang khu đô thị hoặc khu phức hợp nghỉ dưỡng… Giá trị quỹ đất sử dụng do đó tăng lên gấp ngàn lần.

Như vậy, chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất từ sân golf (đền bù giá rẻ) sang phân lô bán (giá đắt) vẫn đang là kênh được nhiều nhà đầu tư sử dụng thông qua dự án sân golf. Mới đây, Danang Beach Resort mở bán 20 biệt thự sân golf với giá 4,9 tỷ đồng/căn; bên cạnh đó là dự án biệt thự sân golf Tam Đảo; dự án biệt thự sinh thái Cam Ranh…

Theo định hướng quy hoạch, dự kiến đến năm 2020 cả nước sẽ có 89 sân Golf, tuy nhiên, theo tờ trình mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ bổ sung thêm 28 sân golf vào quy hoạch với tổng diện tích đất xây dựng là 3.812ha, nâng tổng số sân golf đến năm 2020 lên 115ha.

Hãng tin Reuters từng đánh giá về vấn đề này một cách hình tượng: “Các sân golf đang xé nát những cánh đồng lúa”. Trong khi số liệu của tạp chí Time cho biết khoảng 40.000ha đất nông nghiệp đang mất dần mỗi năm tại VN để xây dựng các đô thị, đường cao tốc và khu công nghiệp.

Phía Trung Quốc đang lập lại kỷ cương trước sự lộng hành của sân golf, liệu Việt Nam có nối tiếp theo hay không?

Nước thải có màu vàng đục chảy ra từ sân golf Tam Đảo đổ vào kênh thủy lợi tưới cho đồng ruộng xã Hợp Châu. Nguồn: Internet.

Tin liên quan: Bắc Kinh dường như đang sử dụng chiến dịch chống sân golf để khẳng định quyền kiểm soát thị trường bất động sản.

Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc mới đây đóng cửa 66 sân golf xây dựng trái phép trên toàn quốc, trong đó có ba sân ở Bắc Kinh. Nhiều sân golf khác đứng trước nguy cơ bị đóng cửa bất cứ lúc nào.

Hai phần ba trong tổng số gần 600 sân golf trên cả nước được cho là vi phạm lệnh cấm ban hành năm 2004.

Trung Quốc chống sân golf vì tham nhũng?

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc chống sân golf. Năm 1949, nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Mao Trạch Đông cho rằng đây là môn thể thao của tầng lớp “tư sản” và đã cho phá hủy tất cả sân golf trên toàn quốc vào thời điểm đó. Vườn thú Thượng Hải ngày nay nằm trên nền của một sân golf cũ.

Nhưng chính phủ Trung Quốc hiện nay có những lý do riêng để nhắm đến môn thể thao này.

Golf len lỏi trở lại Trung Quốc trong những năm 1980, cùng lúc với tự do kinh doanh. Hầu như không có người Trung Quốc nào vào thời điểm đó biết chơi golf.

Tuy nhiên, cũng giống như ở phương Tây, các doanh nhân Trung Quốc coi môn thể thao này như một cơ hội để xây dựng quan hệ kinh doanh. Nó cũng là một cơ hội thuận lợi cho giới thượng lưu mới nổi Trung Quốc theo đuổi môn thể thao quý tộc này.

“Cuộc chiến” chống sân golf dường như là một phần chiến dịch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chống xa hoa lãng phí trong giới chức chính phủ, những người được cho là chơi golf thường xuyên nhất, theo tác giả Adam Minter của hãng tin Bloomberg. Báo chí Trung Quốc đưa tin cùng ngày với việc đóng cửa sân golf, một quan chức của Bộ Thương mại bị điều tra vì chơi golf.

Ngoài ra, Bắc Kinh dường như đang sử dụng chiến dịch chống sân golf để khẳng định quyền kiểm soát thị trường bất động sản.

Trong những năm gần đây, nhu cầu của nhà đầu tư tìm kiếm đất để phát triển xung đột với các ưu tiên sử dụng đất của chính quyền trung ương.

Bắc Kinh muốn Trung Quốc có thể tự chủ về nông nghiệp, nhưng sự phát triển của thị trường bất động sản ngày càng thu hẹp đất canh tác. Trong năm 2013, chính phủ nước này cho biết Trung Quốc chỉ có vừa đủ đất canh tác cho nhu cầu sử dụng.

Đây không chỉ là sự xung đột giữa chính phủ và các nhà đầu tư, mà còn là vấn đề giữa chính quyền trung ương và địa phương. Các quan chức địa phương thường coi cho thuê đất làm sân golf là một cách tăng ngân sách địa phương.

Mặc dù chính phủ trung ương đã có thể biết về những giao dịch như vậy trong nhiều năm và thậm chí ngầm chấp thuận một số trường hợp để khuyến khích phát triển kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc chống sân golf còn do lo ngại về môi trường. Sân golf có thể gây tác động tiêu cực đến môi trường bởi nhu cầu sử dụng nhiều nước. Hơn thế, hóa chất và thuốc trừ sâu được sử dụng nhiều.

Trung Quốc vốn đối mặt với tình trạng thiếu nước và ô nhiễm đất ngay cả khi không có sân golf. Trong năm 2012, mức tiêu thụ nước tại các thành phố đã lớn hơn nguồn cung cấp 70%.

Để đáp ứng những nhu cầu đó, Trung Quốc đang xây dựng một loạt kênh lớn dẫn nước từ miền nam lên miền bắc khô cằn. Trong khi đó, gần 20% đất đai tại Trung Quốc bị ô nhiễm và chính phủ nước này đang cố gắng kiểm soát sử dụng thuốc trừ sâu.

Đóng cửa 66 sân golf cùng lúc là một khởi đầu mạnh mẽ, và đối với các quan chức Trung Quốc, những ngày trên sân golf đã kết thúc

Theo Vnencomy

Tin bài liên quan:

Cho Formosa thuê đất 70 năm, không nộp thêm tiền

Phan Thanh Hung

VNTB – Đảng Cộng sản Việt Nam đang ‘kẹt giữa 2 dòng quyền lực’

Phan Thanh Hung

Trung Quốc trấn đèo Hải Vân: Trách nhiệm Thủ tướng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.