Xie Tao, The Diplomat, ngày 07/03/2017
(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)
(VNTB) – Những diễn giải khác nhau về lịch sử thể hiện những căng thẳng ngầm trong mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam…
Đầu tháng 2, tôi đã có chuyến thăm thứ hai tới thành phố Hồ Chí Minh. Không giống như chuyến thăm đầu tiên của tôi cách đây 4 năm, lần này tôi quyết định dành nhiều thời gian trong chuyến đi năm ngày để khám phá nhiều viện bảo tàng khác nhau trong thành phố. Đó là mùa khô tại Việt Nam, và các viện bảo tàng sẽ là những nơi trú ẩn tránh cái nóng trên đường phố. Ngoài ra, con trai tôi chỉ mới bốn tuổi trong chuyến thăm đầu tiên của tôi, và tôi nghĩ rằng bốn năm sau, cháu đã đủ lớn để học hỏi từ các viện bảo tàng một chút về lịch sử và văn hóa của một quốc gia mà cháu đã thăm hai lần.
Quan trọng nhất, như một nhà khoa học chính trị Trung Quốc, tôi đã hy vọng rằng những viện bảo tàng này sẽ giúp tôi tìm hiểu xem quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Với vai trò quan trọng của các viện bảo tàng – cùng với các bản đồ và cuộc tổng điều tra – trong việc hình thành các đặc tính quốc gia, như đã được Benedict Anderson đưa ra trong cuốn The Imagined Community, tôi đã chắc chắn rằng diễn giải của Chính phủ Việt Nam về mối quan hệ song phương sẽ khác với cách diễn giải của Chính phủ Trung Quốc, nhưng tôi không biết chính xác chúng khác nhau thế nào.
Vào buổi sáng ngày thứ hai của tôi, tôi đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Tôi đã nghe từ những người đã đến bảo tàng rằng nó chỉ dành riêng cho cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi cũng biết rằng Trung Quốc cung cấp một lượng lớn viện trợ cho Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam, mặc dù Bắc Kinh chưa bao giờ tiết lộ con số chính xác. Một nguồn tin của Trung Quốc ước tính khoảng 20 tỷ đô la (tính theo giá vào những năm 1970), trị giá khoảng 5 nghìn tỷ Nhân dân tệ hiện nay. Theo một nguồn tin khác, Bắc Kinh đã cử hơn 300.000 nhân viên quân sự qua biên giới từ năm 1965 đến năm 1968. Vì vậy, trước khi đến bảo tàng, tôi đã mong đợi rằng ít nhất một hoặc hai phòng trưng bày trong bảo tàng sẽ trưng bày những đồ vật thể hiện sự biết ơn sự trợ giúp hào phóng của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Tầng trệt của bảo tàng là một bộ sưu tập ảnh và áp phích. Các bức ảnh này là về các cuộc biểu tình, biểu tình phản chiến trên toàn thế giới (kể cả ở Hoa Kỳ), trong khi áp phích sử dụng từ ngữ và hình ảnh để truyền đạt sự ủng hộ quốc tế cho Việt Nam và chống lại Hoa Kỳ. Đến cuối bộ sưu tập tôi thấy ba bức ảnh. Bức đầu là ảnh Mao Trạch Đông bắt tay với Hồ Chí Minh. Trong bức ảnh thứ hai, hai quả bóng có biểu ngữ dài – một ghi “Chủ tịch Mao sống mãi ” và quả khác ghi “Hồ Chủ tịch sống mãi” đang bay trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, một nơi đông đúc người qua lại. Bức hình thứ ba mô tả Mao đang đón một phái đoàn Việt Nam sang thăm viếng. Hóa ra ba bức ảnh này là những tác phẩm trưng bày duy nhất trong bảo tàng ba tầng nói lên sự thừa nhận và biết ơn của Việt Nam đối với sự trợ giúp của Trung Quốc trong Chiến tranh Việt Nam.
Vào chiều ngày thứ tư, tôi đi đến Bảo tàng Lịch sử. Sau khi nhanh chóng đi lướt qua hai gian đầu tiên trưng bày các hiện vật và trang phục truyền thống, tôi thấy mình ở lối vào phòng thứ ba. Ở đầu lối vào là một tấm bảng ghi “Đô hộ của Trung Quốc – Đấu tranh giành độc lập”. Phòng trưng bày thứ ba gồm có hai chục bức tranh và bản đồ sao. Tôi đặc biệt bị cuốn hút bởi một poster, có nội dung như sau (nguyên văn):
“Sau thất bại của vua An Dương trong cuộc kháng chiến chống lại Triệu Đà (179 trước Công nguyên), Việt Nam bị cai trị, bóc lột và đồng hóa bởi các tập đoàn phong kiến Trung Quốc. Trong hơn 1.000 năm, người Việt Nam đã cố gắng đấu tranh để giữ gìn truyền thống văn hoá, ngôn ngữ quốc gia, tiếp nhận và địa phương hóa nhiều phong tục của văn hoá Hán; có hơn 100 cuộc nổi dậy chống lại những kẻ xâm lăng để có được chủ quyền với cuộc nổi dậy đầu tiên của hai chị em Trung Trắc, Trưng Nhị (40-43 sau Công nguyên). Năm 938, Ngô Quyền đã đánh đuổi hoàn toàn quân xâm lược Trung Quốc trên sông Bạch Đằng lịch sử, bắt đầu kỷ nguyên tự do và độc lập cho người Việt Nam. “
Kèm theo đó là một loạt các bản đồ miêu tả các vụ quân xâm lăng Trung Quốc và những địa điểm kháng chiến chống lại những cuộc xâm lăng đó. Một bản đồ mô tả “những cuộc nổi dậy điển hình chống lại quân xâm lược phương Bắc (thế kỷ thứ 1-thứ 10)”. Một bức tranh khác cho thấy “chiến thắng của quân dân Đại Việt chống lại quân xâm lược Tống (1076-1077)”. Bản đồ thứ ba nói về “cuộc nổi dậy Lam Sơn (1418- 1427). “Khi tôi bước ra khỏi phòng trưng bày này, tôi đã có được một cái nhìn rõ ràng về cách nhìn của nước láng giềng phương Nam đối với Trung Quốc.
Quay lại phòng khách sạn của tôi vào buổi tối, tôi đã cố gắng để hình dung về những gì tôi thấy trong Bảo tàng Lịch sử. Tôi có một cuốn sách du lịch Lonely Planet in năm 2014 về Việt Nam, vì vậy tôi bắt đầu đọc phần giới thiệu ngắn gọn về lịch sử của Việt Nam. Sau đó, tôi đi qua một mục có tiêu đề “China Bites Back”, như sau:
“Trung Quốc lại xâm chiếm Việt Nam một lần nữa vào đầu thế kỷ 15, cướp các tài liệu lưu trữ quốc gia và mang một số trí thức của nước này về Nam Kinh [kinh đô của triều đại nhà Minh] – một sự mất mát có tác động lâu dài đến nền văn minh Việt Nam. Sưu thuế nặng nề và lao động nô dịch cũng là điển hình của thời này. Nhà thơ Nguyễn Trãi (1380-1442) đã viết về giai đoạn này: “Độc ác thay, trúc Lam Sơn không ghi hết tội, Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.”
Thành thực mà nói, tôi đã không chuẩn bị tiếp nhận một bài thơ như thế. Thật vậy, đối với tôi, sẽ có thể dễ dàng đi qua một bài thơ vô danh tố cáo cuộc xâm lược của Nhật Bản ở Trung Quốc. Tôi thực sự bị sốc bởi mức độ của sự oán giận ở giữa hai câu thơ. Tôi đã nhận thức rõ rằng giữa hai nước đã có một mối quan hệ rắc rối từ cuối những năm 1970: một cuộc đụng độ biên giới vào năm 1979 và những cuộc đụng độ hải quân ở Biển Đông vào đầu những năm 1980 và căng thẳng trên các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông kể từ năm 2010. Nhưng tôi không biết rằng sự thù địch của người Việt Nam đối với Trung Quốc là sâu sắc và lâu dài. Cũng giống như “một thế kỷ của sự sỉ nhục” đã trở thành một phần không thể tách rời của trí nhớ tập thể Trung Quốc, vì vậy “1000 năm cai trị của Trung Quốc” đã phát triển thành một bộ phận cốt lõi của bản sắc dân tộc Việt Nam.
Gạt cuốn sách Lonely Planet sang một bên, tôi đã cố gắng tìm hiểu về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Đột nhiên tôi nhớ lại một câu trích dẫn cho Hồ Chí Minh, cha đẻ của Việt Nam hiện đại. Ông Hồ đã đưa ra các nhận xét sau đây vào năm 1946, ngay sau khi ông đồng ý cho phép quân đội Pháp trở về Việt Nam.
“Quý vị đùa ư! Quý vị không nhận ra điều đó có nghĩa là gì nếu người Trung Quốc vẫn còn? Quý vị không nhớ lịch sử của chúng ta? Lần cuối cùng người Trung Quốc đến, họ ở lại một ngàn năm. Người Pháp là người nước ngoài. Họ không mạnh. Chủ nghĩa thực dân sắp chết. Người da trắng sắp phải rút khỏi Châu Á. Nhưng nếu người Trung Quốc ở lại bây giờ, họ sẽ không bao giờ đi. Đối với tôi, tôi thích ngửi cứt của người Pháp trong 5 năm hơn là ăn cứt của Trung Quốc trong suốt quãng đời còn lại.”
Sự tha thứ nhanh chóng của Ông Hồ đối với những kẻ thực dân Pháp đã hướng tới việc giải thích sự dũng cảm hiển nhiên của người Việt Nam đối với người Mỹ. Một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cho hay 3 triệu người Việt Nam đã bị giết (trong đó có 2 triệu thường dân), 2 triệu người bị thương và 300.000 người mất tích trong chiến tranh với Hoa Kỳ. Trên hết sự mất mát to lớn của cuộc sống con người là một tổn hại to lớn đối với cả môi trường địa phương và người dân do chất độc màu da cam gây ra. Có vẻ như các vụ hiếp dâm và tội ác của người Mỹ trong khoảng 10 năm nay tệ hơn nhiều so với những gì mà Trung Quốc gây ra trong hơn một nghìn năm. Tuy nhiên, người Việt Nam dường như đã nhanh chóng quên đi sự tàn ác của Mỹ.
Quá khứ có thể cho chúng ta biết về tương lai của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc? Một bài học dường như là đúng: Các lực lượng ly tâm của chủ nghĩa dân tộc mạnh hơn rất nhiều so với các lực lượng trung tâm của chủ nghĩa cộng sản. Cũng giống như Mao cuối cùng đã quay lưng với Stalin, cuối cùng ông Hồ cũng quay lưng lại với Mao. Dưới vỏ ngoài của một người cộng sản, và bạn sẽ tìm thấy một người theo chủ nghĩa dân tộc. Chừng nào những ký ức về “một nghìn năm thống trị của Trung Quốc” vẫn còn tươi mới trong ý thức tập thể của người Việt Nam, lời hứa của Bắc Kinh về sự trỗi dậy ôn hòa sẽ gây sự sợ hãi, và những căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông sẽ chỉ làm cho lời hứa đó bị nghi ngờ. Hà Nội sẽ tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước thứ ba để chuẩn bị cho một sự phát triển không hòa bình của Trung Quốc.
Với những suy nghĩ này, tôi đang chuẩn bị cho chuyến dừng tiếp theo của mình: Yangon, Myanmar.